Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh: TL
Hoạt động REDD+ tại Việt Nam
Từ năm 2005 các quốc gia đã tỏ rõ sự quan tâm về mối liên hệ giữa tình trạng mất rừng và biến đổi khí hậu. Tại cuộc họp Hội nghị các nước thành viên lần thứ 11 (COP 11) của Công ước khung Liên hợp quốc, khái niệm “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng” gọi tắt là REDD lần đầu tiên được thảo luận. Đến COP 13 năm 2007, thêm 3 hoạt động được giới thiệu để hình thành REDD+ là quản lý rừng bền vững, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng và nâng cao trữ lượng các-bon rừng.
Đại diện Văn phòng REDD+ Việt Nam cho biết: Các hoạt động REDD+ ở Việt Nam được triển khai ngay sau COP 13. Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập mạng lưới REDD+ quốc gia và 6 nhóm công tác. Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động về REDD+ quốc gia giai đoạn 2011-2020 (Quyết định 799). Kế hoạch này được coi là một trong những tài liệu quan trọng nhất trong việc thực hiện REDD+ và nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Đinh Đức Thuận, Văn phòng REDD+ Việt Nam: Trong giai đoạn 2009-2014, ở Việt Nam có 24 dự án liên quan đến REDD+ đã kết thúc với kinh phí hỗ trợ 18,65 triệu USD; 20 dự án đang hoạt động với kinh phí hỗ trợ 65,66 triệu USD, đã giải ngân được 37,77 triệu USD, chiếm 44,58%. Các nhà tài trợ chính gồm chính phủ các nước, chủ yếu là Mỹ, Đức, Nhật Bản và Na Uy; các tổ chức đa phương từ UN-REDD, FCPF, GEF và IFAD; Liên minh châu Âu, các quỹ tư nhân và các công ty.
Ngoài Chương trình hành động quốc gia về REDD+ giai đoạn 2011-2020, REDD+ đã được kết nối với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trong Quyết định 2139 của Thủ tướng Chính phủ năm 2011, quy định “Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong phát triển kinh tế-xã hội”. Đồng thời, Quyết định số 1393 của Thủ tướng về giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tăng chất lượng rừng, tăng khả năng hấp thụ khí Co2, tăng sinh khối rừng là một trong những giải pháp trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2030. Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt Đề án phát thải khí nhà kính trong ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản, phát triển nông thôn đến năm 2020, trong đó ngành Lâm nghiệp có mục tiêu hấp thụ 702 triệu tấn Co2.
Như vậy có thể thấy hoạt động REDD+ đã được kết nối với hầu hết các chương trình và chiến lược quốc gia liên quan đến biến đổi khí hậu, phát triển xanh, phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam.
Đánh giá mức độ sẵn sàng thực hiện
Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam” do Quỹ đối tác Các-bon Lâm nghiệp (FCPF)/Ngân hàng Thế giới tài trợ không hoàn lại 3,8 triệu USD và được thực hiện trong 3 năm (2013-2015). Đây là giai đoạn đầu thường được gọi là giai đoạn sẵn sàng, các nước trong đó có Việt Nam cần chuẩn bị các chiến lược REDD+ ở cấp quốc gia và đề xuất các quy trình đảm bảo tính hợp lý về môi trường và xã hội (bao gồm xây dựng mức tham chiếu, các biện pháp bảo đảm an toàn, khung thực hiện).
Để tham gia vào Quỹ Các-bon của FCPF, các nước cần trình Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng thực hiện REDD+ (R-package) vào cuối giai đoạn sẵn sàng và được các nước thành viên đánh giá theo đề nghị. Đây là tài liệu quan trọng vì nó đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn sẵn sàng để chuyển sang giai đoạn thực hiện. Trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam, R-package là một đầu ra quan trọng cần phải thực hiện. Vì vậy, Hội thảo Tham vấn đánh giá mức độ sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam mục đích tham vấn chuẩn bị bản dự thảo này để tiến tới hoàn thiện, trước khi trình lên FCPF dự kiến vào cuối tháng 1/2016.
Trong Hợp phần 1 tổ chức và tham vấn chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ của dự án, có Tiểu phần 1.a về cơ chế quản lý REDD+ quốc gia và Tiểu phần 1.b tham vấn, tham gia và lan tỏa gồm 10 tiêu chí. Cụ thể: Trách nhiệm giải trình và minh bạch; Nhiệm vụ vận hành và kinh phí; Cơ chế hợp tác đa ngành và phối hợp liên ngành; Năng lực chỉ đạo và giám sát kỹ thuật; Năng lực quản lý tài chính REDD+; Cơ chế phản hồi và khiếu kiện; Sự tham gia và kết nối với các bên liên quan chủ chốt; Quá trình tham vấn; Chia sẻ và tiếp cận thông tin; Thực hiện và lan tỏa kết quả tham vấn.
Đánh giá mức độ về thực hiện các tiêu chí, các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, nhờ sớm thành lập Ban chỉ đạo REDD+ quốc gia và hệ thống tổ chức tham gia tích cực vào các nội dung của Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam”, nên phần lớn các tiêu chí đạt cấp độ màu xanh (tốt nhất). Tuy vậy, trong cả 10 tiêu chí vẫn còn những điểm yếu do đó cần hoàn thiện hơn nữa. Chẳng hạn như về trách nhiệm và giải trình minh bạch, phải xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá REDD+ phù hợp luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế, áp dụng rộng rãi phương thức giám sát và đánh giá có sự tham gia.
Để khắc phục điểm yếu của nhiệm vụ vận hành và kinh phí nên tăng cường năng lực điều phối giữa người dân, cộng đồng, khối tư nhân và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp vào xây dựng và thực hiện chương trình, dự án REDD+. Cần có các nghiên cứu điểm về có chế vận hành và tác động của cơ chế phản hồi và khiếu kiện tại cộng đồng. Thể chế hóa quyền tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số, cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, phụ nữ trong quá trình thực thi REDD+. Đồng thời tăng cường đại diện của Ủy ban dân tộc và miền núi trong các ban chỉ đạo REDD+ cấp tỉnh, mạng lưới và nhóm công tác…