Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khoảng 1.000 hộ gia đình người Việt sống dọc con sông Tonle Sap bị di dời. Ảnh: booking your travel
Ông Sun Sovannarith, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kompong Chhnang, cho biết giới chức trách đã thông báo cho những người dân nói trên về việc di dời vào tuần trước.
Theo quan chức này, các hộ dân sẽ được đưa đến khu vực mới cách đó khoảng 3 km và đây là việc làm cần thiết để cải thiện mỹ quan cho tỉnh Kompong Chhnang cũng như thúc đẩy du lịch. Ông Sovannarith tiết lộ họ dự tính xây một công viên dọc bờ sông.
“Chúng tôi có kế hoạch tổng thể 5 năm (2015-2019) để phát triển TP Kompong Chhnang. Tỉnh trưởng đã thông báo cho tổng cộng 1.486 hộ gia đình người Khmer, Chăm và Việt Nam phải di dời từ ngày 15 đến 25-10. Đến nay, khoảng 90% trong số này đã đồng ý” - ông nói.
Theo ông Sovannarith, 1.486 hộ gia đình nói trên có thể ở lại nơi ở mới thêm 2 năm nữa trong khi đợi chính quyền tìm đất cho họ tái định cư lâu dài.
Tuy nhiên, ông Nguyen Yon Mas, đại diện cho khoảng 800-900 người Việt sống ở các làng nổi, cho hay họ đã cư ngụ tại đây từ khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979 và không muốn rời đi. Theo ông Mas, chỉ có khoảng 200 gia đình người Việt đã chuyển đến nơi ở mới. Ông Mas cho hay: “Họ buộc chúng tôi rời đi. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều gia đình nghèo khó”.
Theo ông, nhiều gia đình có đất trên bờ nên có thể lên đó sống nhưng đối với những hộ không có đất, họ lo lắng rằng chính quyền chỉ hứa miệng. Hơn nữa, ông Mas nói nơi ở mới không đảm bảo an ninh và mưu sinh.
"Nơi ở cũ an toàn vì có nhiều cây cối bao quanh nhưng nơi ở mới lại trơ trọi. Nếu có bão lớn, chúng tôi sẽ gặp thảm họa. Nơi ở mới cũng không có điện, nước sạch và cách xa chợ nên khó bán cá đánh bắt được" - ông Mas nói.
Ông Toth Kimsroy, điều phối viên của tỉnh Kompong Chhnang thuộc Tổ chức Quyền của người thiểu số, bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định di dời vì việc sinh sống trên sông gây ô nhiễm. Tuy nhiên, ông cho rằng chính quyền cần tích cực tìm đất cho người dân.
Ông Kimsroy ước tính 80% số người dân sống trên các làng nổi ở Kompong Chhnang là người gốc Việt, đến Campuchia trong giai đoạn 1979-1983 và chỉ có một số có quốc tịch Campuchia.