Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đưa “rác” Việt Nam đi xuất khẩu, làng nghề kiếm bộn tiền Tin ảnh

(16:04:58 PM 02/10/2015)
(Tin Môi Trường) - Những chiếc săm, lốp xe đã qua sử dụng tưởng chừng như thứ phế liệu vô tác dụng, nhưng tại một ngôi làng trên mảnh đất Kinh Bắc thì nó lại là thứ làm giàu cho người dân.

 Đưa “rác” Việt Nam đi xuất khẩu, làng nghề kiếm bộn tiền

Săm, lốp cũ được chất đống trên đường làng...


Những chiếc săm, lốp ô tô, xe máy đã qua sử dụng chất đống cao hơn đầu người trải dài hàng trăm mét, mùi cao su nồng đó là những gì chúng tôi ghi nhận được khi đặt chân đến làng Đa Tiện (xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).


Con đường nhỏ dẫn chúng tôi vào làng tấp nập cảnh phương tiện cơ giới ra, vào chở đầy dây chằng “dây chun” -PV). Mùi ngai ngái, khen khét của cao su rất đặc trưng lan tỏa khắp nơi, đầu làng, cuối xóm đâu cũng có thể ngửi thấy cái vị này. Thứ mùi khiến tôi thấy khó thở, nhưng người dân nơi đây lại gọi với cái tên trìu mến “mùi của tiền”.

 

 Đưa “rác” Việt Nam đi xuất khẩu, làng nghề kiếm bộn tiền

... trước cửa nhiều gia đình


Làng Đa Tiện được coi như chợ đầu mối chuyên thu mua, tái chế săm, lốp cũ làm dây chằng hàng xuất khẩu. Một cái thứ tưởng chừng bỏ đi nhưng lại là miếng cơm của người dân nơi đây.Dây chằng Đa Tiện hiện không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu đi các thị trường lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc , Nhật Bản… Người ta vẫn gọi vui Đa Tiện là làng “xuất khẩu “rác”.

 

 Đưa “rác” Việt Nam đi xuất khẩu, làng nghề kiếm bộn tiền

Anh Nguyễn Minh Hải “tổ nghề dây chun”.


Khởi nguồn về cái nghề kỳ thú này phải nhắc tới anh Nguyễn Minh Hải  được coi là “tổ nghề xuất khẩu rác”. Trước đây anh Hải đi làm công nhân cao su ngoài Hà Nội.Qua học hỏi anh Hải “bén duyên” với nghề từ một người anh ở phố Hàng Bột truyền dạy.Thấy nghề này không cần vốn đầu từ quá lớn, nguyên liệu lại dồi dào, giá thành rẻ mà lợi nhuận lại khá nên anh đã chuyển hướng công việc và quyết tâm mang nghề về làng cho mọi người cùng làm.


Ngôi nhà ba tầng khang trang nằm giữa làng và một dãy nhà xưởng với đầy đủ máy móc chính là khối tài sản đồ sộ mà nghề xuất khẩu rác mang lại cho gia đình anh Hải.Tiếp chúng tôi bên chén trà nóng anh hào sảng kể về cái nghề kỳ thú này: “Tái chế săm, lốp được cho là một “công việc thân thiện với môi trường”. Săm, lốp cũ được cắt thành dây chằng các loại, ngoài ra những mảnh vụn vặt không sử dụng được thì bán lại cho các xưởng ép dầu cũng được 3-4.000 đồng/kg. Van săm lốp kim loại gom lại bán cho làng đúc đồng Đại Bái với giá  từ 70-90.000 đồng/kg. Nghĩa là một chiếc săm lốp có thể tận dụng triệt để mà không hề bỏ phí bất cứ một chi tiết nào”.


Để tái chế được săm, lốp cũ trở thành sản phẩm dây chun, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Ban đầu là thu gom săm, lốp từ các đầu mối thu mua nhỏ lẻ từ khắp các nơi đổ về. Tùy theo từng loại mà có giá thành khác nhau dao động từ 3-4.000đ/chiếc săm, lốp cũ. Sau đó săm, lốp sẽ được phân thành từng loại, tùy theo từng mẫu mã và đơn đặt hàng mà sẽ có cách sử lý riêng.

 

 Đưa “rác” Việt Nam đi xuất khẩu, làng nghề kiếm bộn tiền

Săm lốp cũ được chất đống lên tận nóc nhà.


Thông thường, cứ 10 tấn săm, lốp sẽ cắt được khoảng 6 tấn dây chun. Mỗi tháng với công suất đều đều cơ sở sản xuất của anh cũng tiêu thụ hết 50-60 tấn săm lốp cũ, xuất ra thị trường 25-30 tấn dây chun thành phẩm. Trừ chi phí nhân công anh cũng bỏ túi được trên dưới 20 triệu đồng . Hợp đồng béo bở“ăn ra” vài chụctriệu đồng là “bình thường”.


Hay cơ sở nhỏ hơn chuyên sản xuất dây chun bọc sợi của anh Nguyễn Văn Hiện, với vốn đầu từ dàn máy quấn sợi ban đầu là 50 triệu đồng,mỗi ngày cũng xuất xưởng 1.200 – 1.300 hàng, loại dây dài 1m8 đến 2m. Với giá giao buôn là 1.200đồng/cái, hàng ra đến đâu hết đến đấy.“Mỗi tháng trừ các khoản chi phí không bỏ ra được trên 10 triệu không nói chuyện” anh Hiện hồ hởi khoe với chúng tôi.


Thấy anh Hải ăn nên làm ra từ nghề tái chế “rác” người trong làng cũng đua nhau học theo. Anh Hải lại chỉ bảo hướng dẫn mọi người cách làm. Rồi từ khi nào, “làng dây chun”đã trở thành cái tên gắn bó với Đa Tiện.

 

 Đưa “rác” Việt Nam đi xuất khẩu, làng nghề kiếm bộn tiền

 Đưa “rác” Việt Nam đi xuất khẩu, làng nghề kiếm bộn tiền

Những công nhân đang miệt mài tái chế “rác”.


Ban đầu khi khởi nghiệp, mặt hàng dây chằng của làng chỉ xuất đi phục vụ trong nước nhưng lâu dần số lượng hàng ngày một tăng lên, người trong làng điển hình trong đó có anh Hải đã tiên phong tìm hướng đi mới cho làng  bằng việc liên kết các đầu mối, tìm đường đưa “dây chun” của làng đi xuất nước ngoài. Hiện nay, với uy tín và chất lượng đã tạo dựng trên thị trường, Đa Tiện đã thu hút không chỉ các mối buôn nhỏ lẻ mà cả các hợp đồng “béo bở” từ Trung Quốc, Nhật Bản tự tìm đến.


Trải qua 28 năm gắn bó với nghề, từ một xưởng sản xuất nhỏ lẻ hiện nay anh Hải đã gây dựng được một cơ sở tầm cỡ quy mô với đầy đủ máy  móc thiết bị. Trong làng cũng cótrên dưới 40 xưởng sản xuất  luôn hoạt động ổn định. Tạo điều kiện công ăn việc làm cho nhiều đối tượng trong và ngoài địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3-5triệu/ người.


Vừa tiếp chuyện chúng tôi, tay vẫn thoăn thoắt cắt hàng chị Hiền, một công nhân chuyên cắt săm lốp  tại xưởng cho biết: “ Cứ cắt được 1 tạ dây chun tính ra sẽ được 100.000đ. Một người trung bình một ngày cũng cắt được 1-2 tạ. Đàn ông con trai cắt nhanh phải được 3-4 tạ/ngày”. Công việc tuy vất vả, bụi bặm và hơi “mùi” một chút nhưng thu nhập lại khá, cứ hễ một ngày không được ngửi mùi “tiền” là mọi người lại thấy thiêu thiếu.

 

Dây chun thành phẩm đang chờ ngày xuất xưởng.


Nhờ biết tận dụng những phế liệu  tưởng như là “rác” mà đời sống người dân Đa Tiện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Về Đa Tiện hôm nay chẳn ai còn nhận ra miền quê thuần nông của hơn chục năm về trước còn nghèo nàn, đơn sơ thì nay trong làng đã “nhà cao cửa rộng” mọc lên san sát, người người lên đời xe “xịn”, cuộc sống ấm no từng ngày.


Không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể, việc biến những đồ phế thải trở thành những vật hữu ích đến không ngờ còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.Hãy thử tưởng tượng nếu hàng trăm, hàng nghìn tấn cao su này không được tận dụng tái chế mà đem đốt, hay chôn xuống lòng đất liệu môi trường sẽ ra sao.Hàng nghìn năm nữa cũng chẳng thể tiêu hủy hết. Chính vì vậy “rác” cũng là một tài nguyên quý giá để “hái ra tiền” nếu con người biết tận dụng đúng cách.


 Đưa “rác” Việt Nam đi xuất khẩu, làng nghề kiếm bộn tiền

 Đưa “rác” Việt Nam đi xuất khẩu, làng nghề kiếm bộn tiền

 Đưa “rác” Việt Nam đi xuất khẩu, làng nghề kiếm bộn tiền

Xưởng sản xuất dây chun bọc sợi vải.

PHƯƠNG THẢO