Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vai trò và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường

(18:38:15 PM 30/09/2015)
(Tin Môi Trường) - Bảo vệ môi trường là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, bên cạnh phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường đã không được quan tâm đúng mức trong nhiều năm tại Việt Nam, khi chúng ta dành quá nhiều sự tập trung cho phát triển kinh tế.

TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam


Rõ ràng, các doanh nghiệp, với vai trò là những “tế bào” của nền kinh tế, không thể phủ nhận trách nhiệm đối với sự phát triển thiếu bền vững này. Đây là những ý kiến của TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày tại Phiên toàn thể Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV.


Theo báo cáo, thực tế mới chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp Việt Nam, thường là các tập đoàn, công ty lớn thực sự đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào cốt lõi chiến lược và chương trình hoạt động của mình. Còn lại đa số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước) vẫn chưa gắn liền hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường, hoặc chỉ thực hiện qua loa với mục đích đối phó với các cơ quan chức năng.


Về mặt chế tài, Việt Nam đã ban hành hơn 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường và công tác xử lý vi phạm không phải lúc nào cũng thực sự nghiêm túc dẫn đến việc kinh doanh vẫn có thể lách luật một cách dễ dàng.


Về phía doanh nghiệp, một trong số các nguyên nhân chính nằm ở yếu tố nhận thức. Với mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp thường thẳng tay cắt bỏ những chi phí “không cần thiết” như chi phí liên quan đến bảo vệ môi trường, bất chấp thực tế rằng họ thuộc nhóm đối tượng phụ thuộc đáng kể vào môi trường (dựa trên nhu cầu tiêu thụ tài nguyên), đồng thời cũng góp phần tạo ra nhiều tác động tiêu cực nhất lên môi trường (dựa trên khối lượng chất thải).


Tuy nhiên, ngay cả khi vấn đề nhận thức được giải quyết, nhiều doanh nghiệp lại vướng phải rào cản về nguồn lực. Để có thể khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên, nhiên liệu, cũng như xử lý triệt để chất thải, doanh nghiệp cần trang bị hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ, đi kèm với nguồn nhân lực đủ khả năng quản lý và vận hành hệ thống này. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu trầm trọng năng lực kỹ thuật và tài chính để có thể triển khai sản xuất sạch hơn, chưa bàn đến nguồn lực để đầu tư cải tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi công ty hoạt động.


TS. Đoàn Duy Khương cũng cho biết, Trong những năm gần đây, VCCI đã tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước đưa công tác bảo vệ môi trường vào các khâu hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Tiêu biểu trong số đó là Dự án “Đào tạo sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải dành cho các doanh nghiệp tại Việt Nam” do Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VP PTBV) thuộc VCCI thực hiện.


Ngoài ra, thông qua Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), VCCI đã dành nhiều nỗ lực trong công tác thúc đẩy thể chế hóa và hỗ trợ các doanh nghiệp lập Báo cáo Bền vững (BCBV). Đây là loại hình báo cáo rất phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.


Bên cạnh công tác hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tích hợp việc bảo vệ môi trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, VCCI cũng tạo cơ chế giúp doanh nghiệp trao đổi, đóng góp ý kiến với các cơ quan Chính phủ về những chương trình, kế hoạch, chính sách có liên quan đến môi trường.

BT (tổng hợp)