Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vai trò giám sát môi trường của Quốc hội

(18:33:37 PM 30/09/2015)
(Tin Môi Trường) - Trong thời gian qua, hoạt động giám sát Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp về bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả tích cực; gắn liền với hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.

TS. Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội

TS. Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội


Đây là các nội dung được TS. Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày tại Hội nghị Phiên toàn thể Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, diễn ra vào ngày 30 tháng 9 năm 2015, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.


Theo báo cáo tại Hội nghị, Quốc hội đã ban hành Luật bảo vệ môi trường (BVMT), Luật tài nguyên môi trường biển, hải đảo, Luật tài nguyên nước, Luật đất đai, Luật đa dạng sinh học,… và Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành các hướng dẫn thi hành luật đáp ứng được yêu cầu BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nội dung giám sát trong lĩnh vực môi trường đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri quan tâm và đã góp phần mạnh mẽ đối với công tác BVMT ở nước ta.


Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Hội đồng Nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thực hiện quyền giám sát việc tuân theo pháp luật ở địa phương. Giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội, HĐND các cấp ở nước ta.


Trong những năm qua, Quốc hội và HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực BVMT; tăng cường hoạt động giám sát BVMT và đã đạt được nhiều kết quả, tác động tích cực, có sức lan tỏa lớn đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.


Theo Hiến pháp và các Luật Tổ chức Quốc hội, Tổ chức HĐND và UBND (nay là Luật tổ chức chính quyền địa phương); Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, v.v… thì Quốc hội và HĐND các cấp có vai trò giám sát trong lĩnh vực BVMT. Quốc hội và HĐND các cấp có các hoạt động giám sát chính trong lĩnh vực BVMT như sau:


(1) Xem xét báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và các báo cáo khác theo yêu cầu của Quốc hội và HĐND các cấp. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban của HĐND nghiên cứu và thẩm tra các báo cáo trên.


(2) Xem xét VBQPPL có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nghị quyết của HĐND các cấp.


(3) Giám sát chuyên đề về một vấn đề hoặc lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.


(4) Chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động giám sát, trong đó ĐBQH, đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của các cơ quan và yêu cầu người đứng đầu cơ quan này trả lời. Việc chất vấn và trả lời chất vấn thường được diễn ra tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH và kỳ họp của HĐND các cấp.


(5) Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát, bằng việc Quốc hội và HĐND các cấp lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn.


(6) Tổ chức hoạt động giải trình là việc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội yêu cầu các cơ quan giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc lĩnh vực do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phụ trách. Ủy ban KHCN&MT tổ chức việc giải trình đối với các bộ, ngành liên quan trong việc thực thi pháp luật về BVMT.


(7) Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là hoạt động giám sát, xem xét lại và xử lý các khiếu nại, tổ cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại, tổ cáo các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân.


Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp đã đạt được nhiều kết quả tích cực; luôn gắn liền với hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT. Quốc hội đã ban hành Luật BVMT, Luật TNMT biển và hải đảo, Luật thuế BVMT, Luật tài nguyên nước, Luật đất đai, Luật đa dạng sinh học,… và Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành các hướng dẫn thi hành luật đáp ứng được yêu cầu BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển bền vững KT-XH của đất nước. Nội dung giám sát trong lĩnh vực môi trường đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri quan tâm đã góp phần mạnh mẽ đối với công tác BVMT ở nước ta.


Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp vẫn còn một số hạn chế bởi nhiều vấn đề về mặt pháp lý cũng như thực tiễn. Việc thiếu các chế tài thực hiện các kiến nghị sau hoạt động giám sát trong lĩnh vực BVMT sẽ làm cho hiệu quả của giám sát chưa cao. Hy vọng tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, qua đó sẽ bổ sung các điều kiện cần thiết để đảm bảo hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp có hiệu quả thiết thực và ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bảo vệ đất nước.

BT (tổng hợp)