Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
TS. Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam và ThS. Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các nhà quản lý đến từ các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học cùng các phóng viên, nhà báo.
ThS. Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm đã trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo. Theo đó, một số kết quả trong công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Việt Nam thời gian qua đã được đưa ra thảo luận như việc nghiên cứu và phát triển các công cụ dự báo, phòng ngừa ô nhiễm; ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ (KHCN) trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hóa chất; trong quản lý nhà nước về sự cố môi trường và sức khỏe môi trường; quan trắc môi trường; xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường; cảnh báo ô nhiễm nước, lập bản đồ ô nhiễm, phân vùng môi trường, xác định hạng ngạch xả thải, xác định tải lượng ô nhiễm theo ngày; quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề; quản lý chất lượng không khí.
Bên cạnh đó, những ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN trong kiểm soát ô nhiễm đối với một loại nguồn gây ô nhiễm môi trường đang được ưu tiên kiểm soát hiện nay hoặc hướng tới sản xuất sạch hơn, sử dụng nguyên liệu/nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường bao gồm: Ứng dụng KHCN trong kiểm soát quá trình sản xuất và sử dụng bao bì nilon khó phân hủy, giải pháp tìm kiếm nguyên liệu, sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; trong tuần hoàn chất thải trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hướng tới mô hình khu/cụm công nghiệp “không phát thải”; việc xây dựng các mô hình làng nghề xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, tuần hoàn tái sử dụng chất thải...; tìm kiếm nhiên liệu sinh học nhằm hạn chế phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đã có những bước chuyển biến nhất định. Đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học đã được quan tâm và nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm từng bước được nâng cao.
Toàn cảnh hội thảo
Khoa học công nghệ trong kiểm soát ô nhiễm môi trường đã hướng tới khả năng ứng dụng, nhằm dự báo, phòng ngừa và kiểm soát, nâng cao ý nghĩa thực tiễn của các công trình, dự án. Chính vì vậy, các nghiên cứu không chỉ mang tính chung chung mà đi vào từng lĩnh vực cụ thể, hướng tới các nhóm đối tượng nhất định như kiểm soát ô nhiễm trong quá trình sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy, xây dựng các mô hình làng nghề xanh, sử dụng năng lượng bền vững, sử dụng năng lượng tái chế,... Các công trình nghiên cứu nhằm dự báo mức độ ô nhiễm đất, nước, không khí cũng được triển khai và mang tính ứng dụng cao, nhằm cảnh báo với các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp về khả năng lan truyền ô nhiễm, từ đó có các giải pháp về quản lý, công nghệ và xử lý phù hợp.
Ngoài ra, các mô hình ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường cũng được quan tâm, nghiên cứu và ứng dụng; các hướng dẫn kỹ thuật đối với từng lĩnh vực cụ thể cũng được xây dựng và là tiền đề để có thể phát triển thành các quy định pháp luật liên quan, áp dụng rộng rãi trong cả nước.
Bên cạnh đó, do nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực này còn hạn chế; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm còn chưa cao (chỉ mới chú trọng đến các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường); các quy chuẩn kỹ thuật cũng như các công cụ pháp lý đối với lĩnh vực này còn chưa đầy đủ; vì vậy, việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường vẫn còn nhiều hạn chế.
Trên cơ sở các yêu cầu của thực tiễn, Tổng cục Môi trường đã đề xuất một số định hướng cho nhu cầu phát triển khoa học, công nghệ trong phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, gồm các định hướng trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm đất, nước, không khí; kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; sức khỏe môi trường; kiểm soát ô nhiễm môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất,...
Để từng bước triển khai thực hiện được các nghiên cứu và ứng dụng này, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự quan tâm đúng mức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, là chìa khóa để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Các đề tài, nghiên cứu cần nêu được các giới hạn và nhấn mạnh, làm rõ được tính khả dụng khi áp dụng thực tế trong đó có tính đến các yếu tố tác động trong tương lai (quy hoạch nguồn thải). Các định hướng nghiên cứu, công cụ, giải pháp công nghệ mới cần triển khai nhằm phục vụ công tác dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang có định hướng phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ do đó nếu có sự phối hợp tốt thì hiệu quả của các nghiên cứu khoa học, công nghệ về bảo vệ môi trường sẽ được nâng cao; cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu làm nền tảng cho việc quản lý, kiểm soát.
Kết luận Hội thảo, ThS. Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm cho biết những thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường rất có ý nghĩa và đáng được ghi nhận, góp phần đắc lực trong việc thực thi các công cụ pháp luật nhằm tháo gỡ, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, mặt bằng của việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ còn chưa đồng đều; nhiều nghiên cứu chưa phát huy được hiệu quả, chưa đi đến tận cùng; sự liên kết giữa các nhà khoa học và nhà quản lý còn nhiều hạn chế; thiếu thông tin về khoa học và công nghệ; cần có diễn đàn nhằm chia sẻ thông tin về việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; các nhà khoa học cần có những đề xuất tổng quan gửi cơ quan quản lý để tổng hợp nhằm hỗ trợ và định hướng trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường.