Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường TS. Hoàng Dương Tùng chủ trì Hội thảo
TS. Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan đến từ các Bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức chính trị/xã hội, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được về phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những sức ép rất lớn về môi trường. Ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông, khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề gia tăng đã trở thành những vấn đề nóng và là mối quan tâm của toàn xã hội. Đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân.
Trong trong giai đoạn 2011-2015, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, với sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi của các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và các địa phương trên cả nước, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một số kết quả nổi bật đạt được trong giai đoạn này có thể kể đến như: hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, ngày càng phát huy hiệu lực và hiệu quả; hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường không ngừng được củng cố, năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tiếp tục được nâng cao; nhận thức vàtrách nhiệm bảo vệ môi trường đã được nâng cao trong toàn hệ thống chính trị cũng như đến từng tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Với những thành công nêu trên, Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống mà Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đáng ghi nhận đã nêu, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn còn tồn tại, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế có nhiều vấn đề mới nảy sinh. Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận, phân tích và đánh giá những vấn đề còn tồn tại cần được Đảng, nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm tập trung tìm giải pháp hữu hiệu hơn như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn chồng chéo, tồn tại và bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu nhằm chỉnh sửa, bổ sung cho đầy đủ, đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương cần được củng cố, kiện toàn bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả; công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; hoạt động quản lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, Chương trình mục tiêu hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giai đoạn 2016 – 2020...cần được quan tâm hơn nữa; công tác bảo tồn đa dạng sinh học cần được quan tâm và phát huy hiệu quả hơn nữa...
Năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thành công Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III và các sự kiện liên quan. Hội nghị đã thực sự trở thành ngày hội của những người làm công tác bảo vệ môi trường, từ các nhà quản lý, hoạch định chính sách đến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, đại diện tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, tổ chức quốc tế cùng tham gia trao đổi, thảo luận xác định các vấn đề cốt lõi, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015.
Toàn cảnh hội thảo
Để chuẩn bị cho Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV (Phiên toàn thể) sẽ diễn ra vào ngày mai (30/9/2015), hôm nay, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo quản lý nhà nước về môi trường nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, xác định những vấn đề còn tồn tại, khó khăn và vướng mắc, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho công tác bảo vệ môi trường ở nước ta trong giai đoạn 5 năm tới.
Hội thảo này là sự kiện hết sức quan trọng với mục tiêu nhằm thống nhất nhận thức về những vấn đề môi trường lớn đặt ra đối với đất nước ta, xác định các nhiệm vụ trọng tâm và đề xuất các giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016 - 2020 để báo cáo trước Phiên toàn thể của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, đồng thời tạo lập diễn đàn chung để các nhà quản lý các cấp, các chuyên gia trao đổi, thảo luận, đánh giá về các vấn đề môi trường, các nhiệm vụ và giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Với mục tiêu và ý nghĩa quan trọng của Hội thảo như trên, Tổng cục Môi trường phân chia nội dung của Hội thảo thành ba (03) Phiên họp, bao gồm:
Phiên buổi sáng: chủ đề chính là “Môi trường Việt Nam - Những vấn đề đặt ra và định hướng giải quyết”, tập trung vào hai (02) nhóm nội dung chính là phòng ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; quản lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với các vấn đề môi trường toàn cầu của Việt Nam.
Phiên buổi chiều: chủ đề chính là “Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường”, tập trung vào hai (02) nhóm nội dung là hoàn thiện thể chế, pháp luật và huy động nguồn lực để bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, cộng đồng.
Với các nhóm nội dung nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các đại biểu tổng hợp, phân tích, đánh giá những mặt đã đạt được, nêu rõ thực trạng, khó khăn và dự báo thách thức trong thời gian tới, từ đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn giúp tăng cường năng lực thực thi công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại tất cả cấp từ trung ương đến địa phương của Việt Nam.
Phần cuối Phiên họp buổi chiều, sau khi trao đổi, thảo luận về các nhóm nội dung nêu trên, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ cùng nhau trao đổi, thống nhất ý kiến xây dựng và hoàn thiện báo cáo tổng kết Hội thảo với các nội dung thiết thực để báo cáo trước Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV.
Trong toàn bộ thời gian của Hội thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đại biểu tham gia tích cực trong việc trao đổi và đóng góp các ý kiến quý báu nhằm xây dựng các kiến nghị, đề xuất, giải pháp hữu hiệu với mục tiêu đưa ra được “kim chỉ nam” cho việc triển khai hiệu quả sự nghiệp bảo vệ môi trường bền vững trong thời kỳ mới nhằm đảm bảo “quyền được sống trong môi trường trong lành” của mỗi người dân Việt Nam đã được Hiến pháp quy định, cũng như đáp ứng các điều kiện hội nhập toàn cầu.