Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung đàm phán tham dự Hội nghị COP21 tại Paris

(23:48:13 PM 24/09/2015)
(Tin Môi Trường) - Ngày 23/9, tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc chuẩn bị nội dung Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, Cộng hòa Pháp từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 11 tháng 12 năm 2015.

Chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung đàm phán tham dự Hội nghị COP21 tại Paris

 

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Trần Hồng Hà và lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Môi trường, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH), Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Tổng cục Môi trường, Văn phòng Bộ.

Hội nghị COP21 sẽ đánh dấu việc hoàn thành nội dung đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu (BĐKH) theo Định hướng Durban đã được các bên tham gia Công ước thống nhất tại Hội nghị COP17 năm 2011 tại Durban, Nam Phi, trong đó gồm hai nhóm công việc: (1) Xây dựng thỏa thuận quốc tế mới về biến đổi khí hậu, chậm nhất kết thúc vào năm 2015 và sẽ có hiệu lực sau năm 2020; (2) Tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trước giai đoạn 2020.

Với tầm quan trọng như vậy, theo dự kiến của nước chủ nhà Cộng hòa Pháp, sẽ có khoảng 40 nghìn đại biểu đến từ 195 bên tham gia Công ước, các nước quan sát viên, trong đó có Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ của nhiều quốc gia. Đồng thời, trong thời gian diễn ra Hội nghị COP21 sẽ tổ chức nhiều diễn đàn, đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu.

Là một quốc gia chịu tác động nặng nề của BĐKH, Việt Nam tham dự COP21 với hai mục tiêu chính: thứ nhất, khẳng định Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực, mang tính xây dựng và những đóng góp cụ thể để đạt được thỏa thuận toàn cầu về BĐKH; thứ hai, thể hiện với quốc tế những tác động của BĐKH đối với Việt Nam và những nỗ lực Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện hiện để ứng phó với BĐKH.

Việt Nam sẽ hoàn thành đúng thời hạn dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam gửi Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, là nội dung thể hiện nỗ lực cụ thể của mỗi quốc gia chống lại BĐKH toàn cầu. INDC của Việt Nam sẽ cung cấp các thông tin ban đầu về mức đóng góp dự kiến của Việt Nam với các thông tin rõ ràng, minh bạch, có định lượng và kỳ vọng về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các hành động ưu tiên thích ứng với BĐKH sẽ được thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 cho Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC). Qua đó thể hiện nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng thế giới ứng phó với BĐKH và góp phần giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2oC vào cuối thế kỷ 21 để bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất và phát triển bền vững trong thời gian tới. Thông qua INDC, Việt Nam tái khẳng định cam kết của quốc gia nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện mục tiêu của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH. Việt Nam tin rằng INDC của Việt Nam là công bằng và thể hiện nỗ lực cao nhất, khả thi và có thể đạt được và cam kết tiếp tục giải quyết vấn đề BĐKH dựa trên các nguồn lực trong nước và với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Tính đến nay, đã có 37 quốc gia, nhóm các quốc gia đệ trình INDC cho Ban thư ký UNFCCC, trong đó: có 25 INDC bao gồm cả phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phần thích ứng với biến đổi khí hậu; có 12 INDC chỉ bao gồm phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tổng lượng giảm phát thải cam kết trong các INDC đã gửi chiếm 62,9% lượng phát thải toàn cầu.

Đóng góp của Việt Nam gồm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, vừa thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong xây dựng Thỏa thuận 2015, vừa đảm bảo khả năng thực hiện, đồng thời tạo không gian cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong suốt thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ Việt Nam giao cho chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế, đã rất nỗ lực xây dựng INDC của Việt Nam; đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua INDC và sẽ gửi cho Ban thư ký UNFCCC trước ngày 01/10/2015.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định, Hội nghị COP21 là Hội nghị cấp cao quan trọng nhất của Liên hợp quốc về BĐKH trong năm 2015. Tham dự Hội nghị COP21 lần này, Việt Nam tiếp tục khẳng định quan điểm: Thỏa thuận 2015 cần thể hiện đúng các nguyên tắc của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, đó là nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt. Theo đó, tất cả các bên cần có đóng góp chung vào mục tiêu toàn cầu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên cơ sở năng lực và hoàn cảnh quốc gia, trong đó tính đến nhu cầu phát triển của các nước đang phát triển, trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển. Vì vậy, cần chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án đàm phán kỹ thuật của Việt Nam để việc tham gia các phiên đàm phán thảo luận các nội dung của dự thảo Thỏa thuận 2015 được chủ động và tích cực.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang yêu cầu, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua, Cục KTTV&BĐKH nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan để đệ trình INDC của Việt Nam lên Ban thư ký Công ước đảm bảo đúng hạn. Đồng thời, Cục KTTV&BĐKH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Hợp tác quốc tế bổ sung, hoàn thiện nội dung Đề án dự kiến Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị COP21 theo thông tin cập nhật của các nước và Ban tổ chức Hội nghị. Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện các phương án đàm phán; chuẩn bị tốt nội dung Hội thảo cấp cao tại COP21; đồng thời theo dõi, cập nhật và bổ sung các nội dung chính trong quá trình đàm phán quốc tế về xây dựng Thỏa thuận 2015 từ nay đến khi diễn ra Hội nghị COP21, kịp thời báo cáo diễn biến mới nhất để Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

T.H