Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa: TL
Theo ông Trần Nam Bình, chuyên gia tư vấn dự án: Dự án SPPEL được thực hiện nhằm đánh giá tổng quát về hiện trạng mua sắm công tại Việt Nam, từ các khía cạnh pháp lý, quy trình, quy chế, các cơ quan hữu quan; từ đó phân tích khả năng áp dụng mua sắm công bền vững, nhãn sinh thái vào mua sắm công.
Ông Bình cho rằng mua sắm công bền vững có thể được thực hiện thông qua sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn, thể hiện bằng việc ban hành các văn bản pháp luật với những hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, một chương trình hành động quốc gia về mua sắm công cần được xây dựng trong thời gian tới, trong đó bao gồm kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho các cán bộ chuyên trách, xây dựng một bộ tiêu chí bền vững có thể lồng ghép vào quy trình đấu thầu. Các chương trình nhãn sinh thái như Nhãn xanh Việt Nam, nhãn tiết kiệm năng lượng cũng cần được đẩy mạnh và thu hút sự tham gia của khối doanh nghiệp.
Theo báo cáo đánh giá hiện trạng mua sắm công bền vững tại Việt Nam, mua sắm công chiếm một phần không nhỏ trong tổng chi tiêu ngân sách của Việt Nam. Số liệu từ Cục quản lý Công sản, Bộ Tài chính cho thấy tổng ngân sách Nhà nước năm 2015 là hơn 314 tỷ đồng, trong đó gần 20% trong số này chi cho mua sắm công. Con số này có thể lên tới 50% nếu bao gồm ngân sách cho các công trình xây dựng. Cơ chế mua sắm công tại Việt Nam được thực hiện theo Luật Đấu thầu, việc lựa chọn cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được thực hiện theo các hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hành cạnh tranh, mua sắm trực tiếp và tự thực hiện.
Cho đến nay, chưa có một cách tiếp cận ở cấp quốc gia về mua sắm công bền vững tại Việt Nam. Nội dung về mua sắm công bền vững hiện đang được xây dựng trong Chương trình Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững do Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Dự kiến Chương trình này sẽ được ban hành vào năm 2017