Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Mưa lớn Sài Gòn nhớ câu" Nước chảy chỗ trũng"
Hình như miền Trung bị bão số 3 nhưng hoàn lưu bão lại chạy tuốt vô Sài Gòn trút mưa. Sài Gòn "các phố bỗng là dòng sông uốn quanh", đêm không cần "mơ" cũng thấy "thác đổ". Dân lành la thất thanh! Cô em ở Sài Gòn ỉ ôi: " Chị ơi ! Mưa to lắm, mưa cả ngày, nước ngập quá trời. Em không đi làm được. Mưa gì mà sốt ruột quá hà !". Than mưa miền Nam với người miền Trung làm sao tin được. Nhưng sáng ra thấy tràn ngập các nơi là hình ảnh người Sài Gòn lội nước bì bõm. Ôi ! Thôi thôi...!
Lỗi tại ai đây ? Thành phố lớn nào cũng nhanh chóng phổ nhạc những giai điệu trên khi mưa xuống! Ai cấm được ông trời mưa cơ chứ ? Con người tự vây bọc mình và ngăn nước lại đó thôi. Ở thành phố không khí thở còn thiếu bởi sự bao bọc của những ngôi nhà cao rồi, cao nữa. "Nước chảy chỗ trũng" . TP làm gì còn chỗ trũng cho nước chảy. Nếu còn nó cũng bị o ép đủ bề, chỉ còn là những vệt nước chảy mà thôi. Nước chảy đi đâu được. Nó tràn tứ bề.
Chỉ một cơn mưa kéo dài hơn 1 ngày nghe người Sài Gòn la í ới. Mới thấy miền Trung trung kiên ghê. Mưa nhé! Không mưa thì thôi chứ mưa ngắn hạn không dứt cũng phải một tuần. Mưa dài hạn một tháng. Mưa cứ mưa, nước chảy cứ chảy. Lũ vào rồi lũ ra nhịp nhàng. Người ta còn lấy mưa, lấy lũ làm thành sản phẩm du lịch lôi kéo du khách.
Nói chuyện mưa Sài Gòn với một ông anh ở Hội An và nghe kể: Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cái túi nước mùa mưa. Thế nhưng chỉ mùa lũ mới bị ngập vài tuyến phố. Mưa xong là hết nước.Từ nhiều năm trước, quy hoạch phát triển kiểu gì Hội An cũng giữ lại những con rạch, cái ao giữa phố. Ông nói: " Không bỗng nhiên mà nó có." Ao, rạch thường xuyên được đắp đào để có nơi thu nước. Nếu chỉ vì ham lợi mấy lô đất tiền tỉ giữa phố thì Hội An có còn là Hội An.
Ông kể ý tưởng quyết tâm giữ ao rạch Hội An bắt từ một chuyện trong vườn nhà ông. Nhà ông vốn có một cái ao nhỏ trong vườn trước dùng để thả bèo, lấy nước tưới cây. Lâu nay không dùng, cây cối um tùm, muỗi mòng làm ổ. Lấp lại được hơn 100 mét vuông. Chưa kịp mừng, mùa mưa tới tự dưng nước tràn vào nhà. Không hiểu sao ? Mưa đâu có lớn. Chợt nghĩ ra, cái ao giữa vườn là nơi thu nước. Lấp ao rồi nước không có chỗ trũng để chảy nên nó tràn vào nhà thôi. Thế là đào lại ao.
Từ cái vườn nhà nhìn ra phố xá, làng mạc cũng thế cái gì cũng phải hài hòa. Không có gì thừa gì thiếu. Cái gì của thiên nhiên hợp lý thì phải giữ, không thì sẽ phải trả giá đắt. Ông đã huy động mọi người khơi lại một con rạch chết thành dòng sông nhỏ nhập ra sông lớn tiêu nước cho thành phố. Ao lớn, ao nhỏ gì cũng giữ lại. Mùa khô cho dân trồng rau muống, mùa mưa thì là nơi chứa nước...
Ông bà đã bảo " Đừng bẻ nạng chống trời" ! Phát triển mà đi ngược lại quy luật thiên nhiên, quy luật cuộc sống thì luôn luôn phải trả giá! Tội cho dân lành thành phố lớn!