Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

VRN kêu gọi Chính phủ Lào xem xét lại quyết định thông qua dự án Don Sahong

(18:39:41 PM 18/09/2015)
(Tin Môi Trường) - Thứ Sáu, ngày 18 tháng 9 năm 2015, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) ra Thông cáo báo chí về vấn đề đập Don Sahong trên dòng chính Mê Công. TMT giới thiệu nội dung Thông cáo báo chí:

Toàn cảnh đập Don Sahong trên dòng chính Mê Công - Ảnh: TL

Toàn cảnh đập Don Sahong trên dòng chính Mê Công - Ảnh: TL

 

Theo báo Phnom Penh Post ngày 01/09/2015 đưa tin Quốc hội Lào đã Thỏa thuận nhượng quyền xây dựng công trình thủy điện gây nhiều tranh cãi Don Sahong cho Tập đoàn MegaFirst của Malayxia, dự kiến công trình này sẽ khởi công cuối năm nay. Trong khi đó, báo Vientiane Times ngày 10/09/2015 đưa tin Quốc hội Lào đã thông qua xây dựng đập thủy điện Don Sahong từ tháng Bảy năm nay. 
 
Sau Xayaburi, Don Sahong là đập lớn thứ hai được chính phủ Lào thông qua xây dựng trên dòng chính Hạ lưu vực sông Mê Công. Trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức trong khu vực và trên thế giới đã đưa ra những cảnh báo về tác động tiêu cực của thủy điện Don Sahong đến hệ sinh thái đa dạng và nguồn sinh kế của người dân sinh sống tại hạ lưu công trình, vùng châu thổ sông Mê Công, đặc biệt là vùng hồ Tonle Sap ở Campuchia và Đồng bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam.

 

Theo Trung tâm Quốc tế về Môi trường thì việc phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Công sẽ đẩy cuộc sống của 70 triệu dân trong lưu vực lâm vào cảnh khó khăn, gây tác động tiêu cực lớn đến ngành thủy sản, nông nghiệp và hành lang đường dây tải điện (ICEM, 2010). Ngoài ra, hệ lụy của dự án thủy điện này cùng với 11 dự án thủy điện khác trên dòng chính Mê Công sẽ góp phần làm gia tăng sự mất cân bằng phát triển kinh tế - xã hội ở các nước hạ lưu sông Mê Công, đặc biệt là đối với người nghèo ở khu vực vùng nông thôn và thành thị ven sông.

 

Gần đây, báo Telegraph của Anh đăng bài “Đập thủy điện đe dọa những cá thể cá heo cuối cùng” cho biết số phận 5 cá thể cá heo nước ngọt Irrawaddy cuối cùng sống tại vùng nước sâu ở biên giới Lào Campuchia phụ thuộc vào các con đập dòng chính Mê Công. Nếu loài cá heo này bị tuyệt chủng, nền kinh tế địa phương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì tour du lịch trên sông thu hút nhiều khách ngắm cá heo mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây.  
 
Cho đến nay, vẫn chưa có trả lời thỏa đáng nào cho những quan ngại nói trên, đặc biệt là chưa có báo cáo nghiên cứu khoa học nào từ chính phủ Lào hay từ nhà đầu tư chứng minh đập thủy điện dòng chính sẽ không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái lưu vực sông Mê Công.  
 
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam hiểu rằng, chính phủ Lào xây dựng đập thủy điện với mong muốn phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế không bền vững là hủy hoại hệ sinh thái tại tiểu vùng Mê Công và sự phát triển trong tương lai của hai quốc gia láng giềng Campuchia và Việt Nam. Bài học này đã được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận và hiện nay Hoa Kỳ đang dỡ bỏ rất nhiều đập thủy điện xây dựng từ hàng thập kỷ trước với hy vọng phục hồi hệ sinh thái sông ngòi.  
 
Trước thông tin Quốc hội Lào thông qua dự án thủy điện Don Sahong trên dòng chính sông Mê Công, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam ra thông cáo báo chí đề nghị: 


Chính phủ Lào xem xét lại quyết định xây dựng dự án thủy điện Don Sahong vào cuối năm 2015 và nghiên cứu kĩ lưỡng về tác động xuyên biên giới của thủy điện Don Sahong


Chính phủ Thái Lan, Campuchia và Việt Nam lên tiếng kêu gọi chính phủ Lào dừng tất cả các hoạt động xây dựng đập trên dòng chính Mê Công cho đến khi có báo cáo khoa học chính thức đánh giá tác động tới các nước ở hạ lưu và cần có sự đồng thuận giữa bốn quốc gia thành viên Ủy hội Mê Công quốc tế về các dự án phát triển dòng chính Mê Công


Tập đoàn MegaFirst của Malayxia phải xem xét và dừng kế hoạch đầu tư của mình vào thủy điện Don Sahong - một công trình gây nhiều tác động lớn đến môi trường, sinh thái và sinh kế người dân lưu vực hạ lưu sông Mê Công.  

TMT