Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

TP.HCM sẽ hết ngập nếu có thêm 66.820 tỉ đồng

(01:15:05 AM 17/09/2015)
(Tin Môi Trường) - Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, trận mưa vào chiều tối 15.9 có đến 66 điểm ngập, là trận mưa lớn nhất từ trước đến nay mà trung tâm đo đạc được.

Mực nước ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh có lúc lên đến cả mét trong cơn mưa chiều tối 15/9- Ảnh: Phạm Hữu

 

Mưa quá to

Qua số liệu của Phòng quản lý hệ thống thoát nước TP.HCM, lượng nước đo được vào ngày 15.9 đều tăng đột biến. Cụ thể ở trạm An Lạc lên đến 142 mm, trạm Nhà Bè 134 mm, trạm Xuân Hòa 114 mm. Cùng lúc triều và mưa kéo dài trên 2 tiếng, lúc đó triều đang đạt +1,4 m.

"Qua đó cho thấy lượng mưa hôm qua rất là lớn, vượt qua tầng xuất thiết kế rất cao, tăng gấp đôi so với bình thường, trong khi đó thời gian mưa rất ngắn. Điều này cũng cho thấy tình hình biến đổi khí hậu của mình đã xảy ra rất lớn đối với cấp thoát nước", ông Long nói.


Trả lời câu hỏi: “Đến năm 2020, nếu mưa với vũ lượng như hôm 15.9, khu vực trung tâm TP.HCM có còn ngập hay không?”, ông Long nói: “Sẽ hết ngập nếu TP thực hiện xong các dự án theo quy hoạch thoát nước giai đoạn 2016-2020, đồng thời lượng mưa không vượt tần suất dự báo”.


Theo quy hoạch tổng thể thoát nước của TP.HCM đến năm 2020, tần suất thiết kế hệ thống thoát nước cống cấp 1 chịu được lượng mưa lớn nhất 85,36 mm trong vòng 3 giờ; cống nhỏ hơn chịu được lượng mưa 75,88 mm tương ứng với đỉnh triều là +0,32.


Ông Long cho biết thêm, theo khảo sát đo đạt cao độ diện tích TP.HCM thì có đến 63% diện tích cao độ nhỏ hơn 6,95 m. Tập trung ở các quận 5, 6, 7, 8, Bình Thạnh, Bình Tân, Nhà Bè. Với địa hình thấp như vậy rất bất lợi cho hệ thống cấp thoát nước.

Đánh giá về những dự án lớn có đầu tư chống ngập, ông Long cho rằng các dự án đã phát huy tác dụng. Theo đó, phương thức ngập của những dự án này nhìn chung rất hạn chế ngập, thường chỉ ngập trong mưa, sau khi hết mưa sẽ hết ngập.

Theo ông Long hiệu quả chống ngập tại trung tâm thành phố cơ bản đã được khắc phục ở các quận trung tâm thành phố. Tuy nhiên, tình trạng ngập ở các quận ngoại thành vẫn còn tiếp diễn và có khả năng tăng cao do tốc độ đô thị hóa đang tăng nhanh.

Theo thống kê dân số ở quận 12 và Bình Tân thì dân số đã tăng gấp đôi so với lần thống kê trước. Khi dân số tăng thì đô thị hóa tăng lên. Nhưng hạ tầng cơ bản chúng ta theo không kịp. Ví dụ như những năm trước, ở các vùng ven thoát nước ở hai bên ruộng và vườn, bây giờ tốc độ đô thị hóa lên thì chúng ta mất khả năng thoát nước tự nhiên

 

Mực nước ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh có lúc lên đến cả mét trong cơn mưa chiều tối 15/9- Ảnh: Phạm Hữu

Mực nước ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh có lúc lên đến cả mét trong cơn mưa chiều tối 15/9- Ảnh: Phạm Hữu


Thiếu tiền


Trong báo cáo tóm tắt giải quyết ngập khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu của UBND TP công bố ngày 7.7.2015, hiện thành phố đang thực hiện song song 2 quy hoạch chống ngập nước là: 752 và 1547.


Quy hoạch 752 tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước cho khu vực trung tâm: vùng Bắc, Đông Bắc, đông nam và tây thành phố. Quy hoạch này cần 87.418 tỉ đồng. Trong đó đã có nguồn vốn là: 32.608 tỉ đồng, chưa có nguồn cần huy động là: 54.810 ngàn tỉ.


Đối với quy hoạch 1547 tổng kinh phí là 12.823 tỉ đồng, trong đó đã nguồn là 813 tỉ đồng, cần huy động là 12.010 tỉ đồng.


Như vậy, TP.HCM đang cần thêm 66.820 tỉ đồng để thực hiện việc chống ngập đến năm 2020. Nếu được thực hiện sẽ giải quyết được ngập cho khu vực rộng 550 km2 và giải quyết an sinh xã hội cho khoảng 6,6 triệu người dân thành phố.


Vừa qua, theo ông Long thành phố đã hoàn thành 3 dự án ODA đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên còn những hạn chế chưa thực hiện được như khu vực quận 6 thuộc dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2; khu vực rạch xuyên tâm (quận Bình Thạnh) chúng ta đang kêu gọi đầu tư để cải tạo và nâng cấp.

Cụ thể đường Bạch Đằng, Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Cảnh đều nằm trong khu vực rạch xuyên tâm nên tương đối thấp, có khu vực chỉ có cao độ + 0,6 m, bởi vì nhiều kênh chưa được mở rộng nâng cấp được.

Ông Long cho biết, kịch bản ứng phó với ngập tại TP.HCM cũng đã có kế hoạch từ trước.

"Hiện nay chúng ta đã có chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng cho giai đoạn 2016 - 2020. Để hỗ trợ với sự biến đổi khí hậu thì hệ thống thoát nước cũ không thể nào đáp ứng đủ. Vì vậy chúng ta sẽ xây thêm nhiều hồ điều tiết, gồm 103 hồ nằm khắp thành phố. Trong đó, sẽ thí điểm 3 hồ Bàu Cát, Gò Dưa, Khánh Hội. Ngoài ra, dự án hệ thống đê bao toàn thành phố sẽ được triển khai trong tương lai để hỗ trợ cho việc chống ngập", ông Long nói.

Theo ông Long, thành phố đã có kế hoạch cụ thể, có nguồn lực đầu tư của mình.

"Trong đó giai đoạn 2011 - 2015 chúng ta tập trung nguồn lực cho vực trung tâm thành phố. Năm 2016 - 2020 sẽ tiếp tục giải quyết bền vững cho khu vực trung tâm và triển khai ở các vùng lân cận", ông Long kết luận.

"Theo thống kê dân số ở quận 12 và Bình Tân thì dân số đã tăng gấp đôi so với lần thống kê trước. Khi dân số tăng thì đô thị hóa tăng lên. Nhưng hạ tầng cơ bản chúng ta theo không kịp. Ví dụ như những năm trước, ở các vùng ven thoát nước ở hai bên ruộng và vườn, bây giờ tốc độ đô thị hóa lên thì chúng ta mất khả năng thoát nước tự nhiên", ông Long phân tích.

Theo TNO