Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ngồi trong gian trọ chật chội, nóng bức, được quây lại bằng những tấm tôn gỉ màu, chiếc đèn chữ U tỏa ánh sáng leo lét, chị Trần Thị Hoàng (quê Phú Thọ) kể, tuổi thơ của chị gắn với con trâu, mảnh ruộng. Cuộc sống hồi ấy tuy vất vả nhưng được cái không lo đói kém. Nhưng vài năm trở đây, đất đai bạc màu lại thêm thiên tai nên mùa màng thất bát, cấy lúa không đủ ăn. Cực chẳng đã, vợ chồng chị quyết định rời quê, dắt díu nhau vào Nam tìm kế sinh nhai và kiếm tiền gửi về quê nuôi 2 đứa con ăn học.
Hàng đêm khi thành phố đã chìm vào giấc ngủ, người phụ nữ vẫn lầm lũi với nghề lượm rác mưu sinh. Ảnh: Thi Ngoan.
Không đồng vốn, không học hành, hồi mới vào Sài Gòn, hai con người tha phương loay hoay kiếm sống với đủ mọi nghề từ ở đợ, bán vé số, làm tạp vụ đến bán xôi, rau muống... Thu nhập ba cọc ba đồng cũng đủ sống nhưng lại bấp bênh lúc có, lúc không. Cho đến khi gặp được một số người đồng hương làm nghề lượm ve chai (đồng nát) đêm ở Sài Gòn, anh chị quyết định theo chân họ "học nghề" và cho đến nay đã hơn 5 năm gắn bó với cái nghiệp này. Họ cùng nhau thuê nhà, lập thành xóm ở trên đường Nguyễn Hữu Thọ, phường 15, quận Gò Vấp, TP HCM.
"Phải thức khuya, đạp xe mỗi ngày cả mấy chục cây số vừa mệt vừa buồn ngủ nhưng được cái thu nhập ổn định hơn. Mỗi đêm như thế hai vợ chồng cũng kiếm hơn 150.000 đồng để dành đến tháng gửi về quê cho ông bà nuôi các cháu ăn học", Anh Kiên (chồng chị Hoàng) nói.
Cũng như nhiều người ở xóm ve chai này, sống đến nửa đời vẫn chưa biết đến chiếc xe máy, chỉ lầm lũi đạp xe nhặt rác, vợ chồng anh Kiên vốn chẳng màng đến nhân tình thế sự hay giá xăng, giá vàng tăng giảm thế nào. Cho đến khi chủ thông báo giá phòng trọ tăng, đi chợ thấy giá thịt, rau cũng đồng loạt đội lên, được giải thích họ mới hiểu thì ra do giá xăng đã tăng.
Nếu mấy năm về trước, nghề lượm ve chai đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người lao động nghèo ở xóm này thì hiện nay nhiều người đã bỏ về quê vì không kham nổi cảnh chi phí ngày càng đắt đỏ. Chị Hoàng cho biết, giá phòng trọ ở đây năm trước chỉ 500.000 đồng một tháng thì năm nay đã lên 650.000-700.000 đồng, riêng tiền điện, nước cũng tăng thêm dăm ba chục nghìn mỗi tháng.
Những người phụ nữ xóm ve chai đêm mỗi sáng giặt bọc ni lông và phơi cho khô để bán. Ảnh: ĐL.
"Giá ve chai thì chẳng lên được đồng nào nên càng phải tiết kiệm, cả mấy năm rồi tôi chưa dám mua chiếc áo mới. Nghĩ cũng vì con cái nên vợ chồng mới cố gắng bám trụ ở đây chứ không thì về lâu rồi", chị Hoàng bộc bạch. Thời gian trước, mỗi ngày chị chỉ làm từ 9 đến 10 tiếng đồng hồ, đến nay để có thêm thu nhập, anh chị phải "tăng ca" lên 12 tiếng để đi đến những nơi xa hơn mới mong có nhiều ve chai.
Quá nửa đêm, khi gia đình chị Hoàng chuẩn bị đi nghỉ thì nhiều người trong "ốc đảo" ve chai này mới cọc cạch đạp xe về. Thành quả lao động của họ là những bao tải nặng chật cứng đồng nát. Những thứ gì khô ráo sạch sẽ thì họ lựa chọn bán ngay ở vựa, còn bọc ni lông ướt, dơ chưa bán được phải chờ giặt, phơi khô mới chở đi bán.
Trên con đường Lê Đức Thọ heo hút tối đen như mực, men theo bờ kênh đen nồng nặc mùi xú uế, những chiếc chòi tôn lụp xụp, hai bên bờ rào chất trắng xóa bọc ni lông, dây điện chằng chịt. Đây là nơi sinh sống của làng ve chai với khoảng 80 con người. Tếng cót két của những chiếc xe đạp đã cũ hòa lẫn với những câu chuyện và tiếng hỏi han đặc sệt giọng quê: “Hôm nay lượm được nhiều không?”, “Chán lắm, đi xa mà chẳng được bao nhiêu ”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, trung bình chị kiếm được từ 70.000 đến 80.000 đồng một ngày. Mỗi tháng trừ chi phí ăn uống, 2 vợ chồng để dành được một triệu đồng gửi về cho ông bà nuôi cháu. "Sống xa con, thương và nhớ chúng lắm nhưng cũng không dám cho chúng đi cùng bố mẹ vì vào đây làm gì có tiền đi học", người mẹ trẻ lắc đầu ưu tư. Bù lại, mỗi năm vào dịp Tết, cả xóm trọ lại kéo về quê, dù chỉ vài ngày để gặp gỡ, trò chuyện và dặn dò con cái cho vơi đi nỗi nhớ.
Cái vất vả, cái cực nhọc của nghề này đã khiến chị Tuyết cũng như nhiều phụ nữ ở đây này trông già trước tuổi. Khuôn mặt chị sạm đi vì nắng gió, bàn tay chai sần đen đủi vì thường xuyên phải tiếp xúc với rác bẩn, mỗi ngày chị tất bật đi làm từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ, về đến nhà lại lo giặt giũ bao ni lông.
Trên con đường ngập ngụa rác rưởi dẫn vào xóm, những người phụ nữ giặt bọc ni lông dưới dòng kênh đen ngòm bốc mùi hôi thối. Ảnh: ĐL.
Cuộc sống vốn đã khó khăn, nhất là từ hôm giá xăng lên hơn 21.000 đồng kéo theo mọi nhu yếu phẩm cũng tăng theo, bữa cơm gia đình ở xóm nghèo này được tiết kiệm đến mức tối đa, chỉ quanh quẩn đĩa rau luộc hay vài quả trứng, con cá khô. “Thèm thịt lắm cũng chỉ dám mua ít đầu thừa đuôi thẹo chỉ vài nghìn một lạng. Còn quần áo thì lúc nào cần lắm mới dám ra chợ mua đồ cũ đại hạ giá", chị Tuyết bộc bạch.
Ngồi quây quần nói chuyện ở mảnh sân giữa xóm, một bà mẹ trẻ khác cũng góp chuyện với tiếng thở dài: “Nhiều khi nghĩ cái chỗ trọ này chẳng bằng cái góc bếp nhà mình nhưng vẫn phải ở. Ở để đi làm lấy tiền mà nuôi con. Về nhà làm ruộng thì chết đói”.
Vất vả là vậy, song với câu hỏi tại sao không tìm một công việc ổn định khác ở đất Sài Gòn này thì vẻ mặt của các chị, các mẹ lại chùng xuống đầy vẻ ưu tư. Bà Hoàng Thị Tân, 50 tuổi, một trong những người làm nghề lượm ve chai lâu nhất ở đây bần thần: “Người như chúng tôi thì đổi nghề gì được, không học hành, không bằng cấp, muốn đi buôn thì không có vốn. Mà mới nghe nhà nước có lệnh cấm ve chai hoạt động trong nội thành, bắt phải ra vùng ven, nhưng ở đó thì có gì mà nhặt...”.