Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hai ngôi mộ vợ chồng ông Lê Phát An - Ảnh: H.Đ.N
Nhà thờ Hạnh Thông Tây, ở góc đường Quang Trung - Lê Văn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM), được xây từ năm 1921 - 1924, do vợ chồng ông Lê Phát An bỏ tiền ra thuê 2 nhà thầu Baader và Lamorte xây dựng. Vì thế sau khi hai ông bà qua đời, thi hài của họ được an táng trong nhà thờ như một cách ghi ơn.
Hai ngôi mộ ở hai bên hông nhà thờ, gần cung thánh. Nhìn tổng thể nhà thờ như hình một cây thánh giá với phần đầu là cung thánh, hai nhà mồ lồi ra như nét ngang còn phần đuôi là loạt ghế quỳ của giáo dân chạy dài đến cửa chính nhà thờ.
Bia mộ ông Lê Phát An chỉ ghi ngày và nơi mất (17.9.1946 tại Sài Gòn, thọ 78 tuổi) mà không ghi năm sinh. Mộ của bà (Trần Thị Thơ) cũng thế, chỉ ghi mất tại Thủ Đức ngày 18.1.1932, thọ 60 tuổi. Như vậy ông sinh năm 1868, bà sinh năm 1872 nhưng bà lại mất trước ông những 14 năm.
Tượng vợ chồng trước mộ
Đẹp và cảm động là trước mộ của người vợ thì có tượng của người chồng đang quỳ cầu nguyện, ngược lại trước mộ của chồng là tượng người vợ ôm choàng lấy bia mộ. Hai pho tượng được tạc bằng đá cẩm thạch trắng còn mộ phần bằng đá hoa cương. Riêng phần tượng được chạm khắc sống động, tinh tế đến từng nét. Tượng ông đầu đội khăn đóng, mặc áo dài quỳ trên gối, trước gối quỳ có đặt bó hoa ông đem tặng vợ mình. Ông có đôi mày rậm, để ria mép. Hai bàn tay ông đan vào nhau đưa lên phía trước ngực, nét mặt thành kính nửa như đang cầu nguyện, nửa như đang thầm thì nói chuyện với bà...
Tượng của bà cũng quỳ trên gối, hai tay cầm 2 bó hoa huệ ôm choàng lấy bia mộ của chồng. Bà để đầu trần, tóc búi, đầu hơi cúi nhìn nghiêng vào mộ ông. Bà mặc áo dài cài nút thắt, cổ đeo dây chuyền có mặt ngọc, chân mang dép mũi hài. Ngón tay áp út của bàn tay trái và ngón giữa bàn tay phải có đeo nhẫn mặt đá hột to, cổ tay phải đeo vòng đá...
Mộ và tượng do hai nhà kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng người Pháp là A.Contenay và Paul Ducuing thực hiện (P.Ducuing cũng là người làm hai pho tượng cho lăng vua Khải Định). Nét độc đáo là P.Ducuing đã lột tả được khuôn mặt của bà, một khuôn mặt phụ nữ Nam bộ thuần phác, đẹp và phúc hậu, bà nhìn vào mộ bia chồng với ánh mắt đầy yêu thương. Sự tinh tế của nhà điêu khắc không chỉ ở nét mặt biểu cảm, các nếp gấp quần áo mềm mại, uốn lượn mà thậm chí đến đường viền, những hoa văn chạm chìm trên mũi hài, trên chiếc gối thêu bà quỳ cũng được thể hiện một cách tuyệt mỹ.
Người “bắc cầu” cho vua Bảo Đại và cháu gái
Ông Lê Phát An là con trưởng của đại phú hộ Lê Phát Đạt (Huyện Sỹ), từng du học bên Pháp. Về nước, ông và một số anh em ruột (trong đó có người em ruột là Lê Thị Bính cùng chồng là Nguyễn Hữu Hào - cha mẹ của Nam Phương Hoàng hậu) lên Đà Lạt mở đồn điền trồng trà và cà phê. Chính tại đây, ông là người đã “bắc nhịp cầu” để cô cháu xinh đẹp Nguyễn Hữu Thị Lan được ra mắt Hoàng đế Bảo Đại.
Theo nhiều tài liệu, hôm đó, ông Darle, Đốc lý thành phố Đà Lạt gửi giấy mời tới ông Lê Phát An, mời ông và Nguyễn Hữu Thị Lan đến dự dạ tiệc ở Hotel Palace. Lúc đầu cô Nguyễn Hữu Thị Lan không muốn đi nhưng bị ông thuyết phục và hứa là chỉ đến tham dự một chút, vái chào nhà vua xong là về nên cô miễn cưỡng đồng ý. Cô chỉ trang điểm sơ sài, mặc cái áo dài bằng lụa đen mua bên Pháp.
Họ đến trễ nên buổi tiệc đã bắt đầu từ lâu. Ông Darle chạy đến chào hai cậu cháu và dẫn họ đến bái yết nhà vua. Nhờ các nữ tu ở Trường Couvent des Oiseaux chỉ dạy nên cô Nguyễn Hữu Thị Lan đã đến trước mặt hoàng thượng và hành lễ. Vua gật đầu chào, đúng lúc tiếng nhạc vừa trỗi dậy theo nhịp tango, ngài ngỏ lời mời người đẹp ra sàn nhảy, rồi họ bắt đầu nói chuyện. Sau cuộc gặp gỡ ấy, thỉnh thoảng họ lại gặp nhau...
Năm 1934, cô Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành Nam Phương Hoàng hậu. Quà mừng của ông Lê Phát An tặng cháu gái (và vua Bảo Đại) là 1 triệu đồng Đông Dương (tương đương 20.000 lượng vàng vào thời điểm đó). Lê Phát An được Hoàng đế Bảo Đại phong tước An Định Vương, tước hiệu cao quý nhất của triều đình và chỉ phong cho một người duy nhất ở Nam kỳ thuộc hàng dân dã.