Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa: TL
Gần 100 năm qua, theo yêu cầu thực tiễn, thế giới đã xuất hiện hàng loạt “sáng kiến” có tính lịch sử, như: "an ninh lương thực" (food security), "tăng trưởng xanh" (green growth), "nông nghiệp thông minh với khí hậu" (climate-smart agriculture), “phát triển bền vững” (sustainable development)…
Trong vô số các sáng kiến đó, “phát triển bền vững” và “tăng trưởng xanh” là “bộ đôi” vừa thịnh hành, vừa phức tạp hơn cả – tạo ra “vòng xoáy” khiến các nước trên thế giới cũng như Việt Nam lúng túng trong cách tiếp cận.
Bài viết này dùng một nhân tố điển hình – có ý nghĩa trung tâm - là rừng để nhận diện ra cái “vòng xoáy” đó, như là một lời chú thích rằng: chúng ta cần nhìn ra và đặt đúng vị trí cũng như tầm quan trọng của rừng trong mọi vấn đề của xã hội.
Nhận diện “vòng xoáy”
Trong khi khái niệm phát triển bền vững được nhận diện, hình thành và hoàn thiện rất sớm – từ năm 1972 đến 1987; thì khái niệm tăng trưởng xanh xuất phát muộn hơn nhiều – tại Rio 2012 (Hội nghị trái đất lần thứ 3); dù cả hai khái niệm có vẻ như có cùng một nguồn gốc, đó là suy thoái môi trường và phát triển kinh tế.
Với khái niệm phát triển bền vững trong những so sánh giữa thế giới và Việt Nam có sự ‘lệch pha” nhau đáng kể.
Trong khi, ngay từ năm 1972, thế giới đã nhận thấy hai khía cạnh lớn cho phát triển bền vững - phát triển kinh tế và suy thoái hệ sinh thái trái đất có mối quan hệ mật thiết với nhau - thì Việt Nam chỉ tập trung cho phục hồi kinh tế sau chiến tranh.
Nhưng cũng may mắn thay, khi phát triển bền vững được phổ biến rộng rãi (từ năm 1987) thì cũng là giai đoạn Việt Nam có sự đột phá về nhận thức, với nhiều văn kiện của Trung ương Đảng, như: Chỉ thị số 187-CT/TW (năm 1991), Chỉ thị số20-CT/TW (năm 1988) và Chỉ thị số 65-CT/TW (năm 1995). Song song, Chính phủ có “Định hướng Chiến lược phát triển bền vững” (gọi tắt là Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), ban hành kèm theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg.
Theo Chương trình nghị sự 21, Việt Nam có Hội đồng Phát triển bền vững Quốc gia, do một Phó Thủ tướng Chính Phủ làm Chủ tịch và bao gồm 30 thành viên là đại diện các cơ quan hữu quan như: quốc hội, chính phủ, các bộ/ngành, các tổ chức xã hội và nghề nghiệp, doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông đại chúng...
Với khái niệm tăng trưởng xanh, bắt đầu đưa ra cùng với “phát triển bền vững” tại Rio 2012, và cũng là hai chủ để duy nhất tại Hội nghị này. Điểm đặc biệt là Hội nghị Rio 2012 đã phân loại ra 7 lĩnh vực cơ bản để giải quyết hai chủ đề đã đưa ra, bao gồm: việc làm, năng lượng, thành phố bền vững, an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, nước, đại dương, và chuẩn bị sẵn sàng cho thiên tai.
Ở Việt Nam, khái niệm tăng trưởng xanh tuy cũng được giới thiệu chính thức thời gian này; nhưng trước đó nó đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Đó là vào đầu năm 2008, Chương trình Môi trường và Phát triển bền vững Liên Hợp Quốc (UNEP - United Nations Environment Programme) đã dẫn đầu sáng kiến nền kinh tế xanh thông qua một chiến lược hướng tới tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Như một hệ quả tất yếu, ngay từ năm 2011 (đầu Nhiệm kỳ Đại hội XI), Trung ương Đảng đã đưa vào chủ trương “chuyển đổi mô hình tăng trưởng” (của nền kinh tế), và được cụ thể hóa bằng “Chiến lược Tăng trưởng Xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050” (ban hành kèm theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg năm 2012).
Như vậy, dù phát triển bền vững có trước hơn nhiều, nhưng vì sự chung nhau cùng bản chất, vì nhiều cái lợi ích cụ thể nên thế giới đã đi đến những thống nhất rất căn bản về tăng trương xanh, mà Việt nam cũng không thể là ngoại lệ.
Tăng trưởng xanh hứa hẹn để chuyển từ mô hình “khai thác - sản xuất - và xả thải” (không bền vững) sang mô hình 3 trụ cột “kinh tế - môi trường - xã hội (bền vững).
Tăng trưởng xanh sẽ đáp ứng đầy đủ “7 lĩnh vực” mà Rio 2012 đã phân loại, và một vài ví dụ điển hình cũng đã có trong thực tiễn. Đơn cử như: các tính toán năm 2009 cho thấy với tăng trưởng xanh, cộng đồng EU và Mỹ đã tạo ra 2,0 - 3,5 triệu việc làm; Trung Quốc tạo nên 10 triệu việc làm trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo với doanh thu 17 tỷ USD/năm…
Xác định vị trí của rừng
Ngay tại Hội nghị trái đất Lần đầu tiên - Rio 1992, rừng đã được đưa vào chương trình nghị sự cấp cao với nhấn mạnh bằng thông điệp: “Rừng nên được quản lý toàn diện với sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội”. Tuy nhiên, nó (rừng) đã không được ghi nhận bằng một hiệp ước cùng với ba hiệp ước lớn khác (biến đổi khí hậu, bảo tồn sinh học và chống sa mạc hóa) được đề xuất.
Đối lập với thực trạng vừa lạc quan vừa bi quan này, Việt Nam lại sớm thể hiện “xứng tầm” là một “quốc gia về rừng”. Ngay từ năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi Tết trồng cây để bảo vệ môi trường. Sau này, Đảng và Nhà nước đã chủ động trong việc tham gia các tổ chức quốc tế liên quan, như: CITES (1995), Công ước về Đa giạng Sinh học (1994); và 7 văn kiện chuyên đề về bảo vệ môi trường.
Nhờ kết quả tích cực sau RiO 1992, thế giới cũng như Việt Nam đã có nhận thức tốt hơn về các lợi ích đa dạng của rừng, mối quan hệ với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, vấn đề năng lượng và sinh kế khu vực nông thôn. Tuy vậy, các giá trị của rừng và đóng góp Nghành Lâm nghiệp vào nền kinh tế quốc gia vẫn bị đánh giá dưới đúng mức rất nhiều.
Đáng chú ý là, đến Rio 2012 đã trở thành “một bước đi thụt lùi” khi rừng bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự cấp cao và hoàn toàn bị bỏ qua trong các thảo luận của 7 vấn đề chính như đã phân loại (việc làm, năng lượng, đô thị, lương thực, nước, đại dương và thảm họa tự nhiên). Rừng chỉ được nhắc đến khá mờ nhạt trong thảo luận liên quan đến “lương thực”.
Với Việt Nam, đối lập với sự “lùi bước” của các Rio (1992, 2002, và 2012), luôn giữ được sự quan tâm đến phát triển rừng, thể hiện qua những Chương trình/Dự án lớn xuyên suốt như: Chương trình “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” (trước năm 1992 – theo Quyết định số 327/QĐ-TTg), Dự án trồng mới 5triệu ha rừng (từ 1998 – 2010, theo Quyết định số 661/QĐ-TTg), “Chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006 –2020” (theo Quyế định số 18/2007/QĐ-TTg), và gần đây nhất “Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020” (theo Quyết định số 57/QĐ-TTg).
Đi vào cụ thể, sau năm 2012 – gần đây, bộ tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững đã đưa 5/7 tiêu chí liên quan trực tiếp đến rừng. Việt Nam cũng là một nước tiên phong trong số 16 nước tham gia vào chương trình Giảm Phát thải từ Mất rừng và Suy thoái rừng của Liên Hợp Quốc (UN – REDD, the United Nations Programme on Reducing Emissions from Deforestation and Forest Degradation), ban hành kèm theo Quyết định số 799/QĐ-TTg năm 2012.
Gói gọn lại, dù thừa nhận hay chưa thừa nhận, một thực tế tất yếu là rừng có vai trò trung tâm trong giải quyết mọi vấn đề kinh tế - xã hội – môi trường cho trái đất, trong đó Việt Nam càng là điển hình với đặc thù là một “quốc gia về rừng”.
Ở cấp độ thế giới, rừng giữ vai trò sống còn trong việc đạt được phát triển bển vững và chống biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Thế giới, có khoảng hơn 1,6 tỷ người (23% dân số thế giới) sống phụ thuộc vào rừng. Ngành công nghiệp lâm sản tạo ra rất nhiều việc làm, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Tiêu biểu như: những nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi các nhà khoa học của CIFOR trên khắp thế giới đã chỉ ra lợi ích đa dạng của rừng với bao phủ đầy đủ 7 lĩnh vực mà Rio 2012 đã xác lập.
Tương tự, Việt Nam, với ¾ diện tích lãnh thổ là đồi núi, gần 50% diện tích là rừng, hơn 30% dân số sống dựa hẳn vào rừng, trong đó chủ yếu là người nghèo và dân tộc thiểu số… thì rừng – một lần nữa có ý nghĩa “sống còn” cho 7 lĩnh vực và Rio 2012 đã xác lập.