Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cá nuôi trong lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu của ngư dân chết trắng bụng vào sáng 6-9 - Ảnh: Đ.Hà.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng không chỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà đang xảy ra ở hầu hết các địa phương. Ngày có càng nhiều những dòng sông chết, nhiều làng ung thư, có nơi người dân phải ăn cơm trong mùng vì ruồi hoặc mắc rất nhiều loại bệnh do nhà máy gạch, nhà máy nhiệt điện than hay bụi công trình… Theo Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có khoảng 20 bãi rác, 10 bệnh viện chưa hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 8 bãi rác do cấp tỉnh quản lý, 5 bệnh viện trực thuộc các bộ, 42 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, 2 bệnh viện tư nhân, 21 trung tâm chữa bệnh, giáo dục, xã hội và 108 cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải hoàn thành việc xử lý trước ngày 31-12-2015. Trên thực tế, số lượng địa chỉ gây ô nhiễm lớn hơn nhiều. Đáng ngạc nhiên và hết sức thất vọng là trong số những điểm ô nhiễm nghiêm trọng nêu trên, chiếm tỉ lệ không nhỏ là những bệnh viện công và những cơ sở đầu tư công.
Dù rằng đầu tư chống ô nhiễm môi trường phải tốn chi phí lớn nhưng không vì thế mà lờ đi trách nhiệm với sức khỏe và tài sản của người dân. Bảo vệ môi trường chính là tinh thần thượng tôn pháp luật, là đạo đức, là văn hóa doanh nghiệp - đơn vị. Nếu vì lợi nhuận mà xem thường cộng đồng thì chắc chắn doanh nghiệp ấy, đơn vị ấy không thể tồn tại lâu dài được. Trường hợp của Vedan là một bài học mà đến nay chắc ai cũng còn nhớ.
Người dân sống trong khu vực bị ô nhiễm khi vượt mức chịu đựng thường phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng tại sao chính quyền địa phương không biết hoặc làm ngơ không giải quyết để các điểm ô nhiễm tồn tại dài ngày, gây hại cho cộng đồng dân cư? Vì thiếu trách nhiệm, xem thường ý kiến người dân hay vì những lý do nào khác? Cho dù với lý do gì đi nữa, để người dân sống trong ô nhiễm quá lâu là lỗi của chính quyền. Nhà chức trách có dám đến ở trong môi trường ô nhiễm đó vài tuần?
Phát triển nóng, quy hoạch thiếu bài bản, buông lỏng quản lý môi trường là thảm họa mà nhiều nước đang phát triển hiện phải gánh chịu hậu quả. Với Việt Nam, nhất là các đô thị lớn, không thể chần chừ mà phải sớm cân đối giữa sản xuất và môi trường, tăng cường trách nhiệm về quản lý môi trường, nhất là công tác kiểm tra có tiêu cực hay không trong xử lý vi phạm môi trường. Chúng ta hiện còn phải đối mặt với nhiều thiệt hại và trả giá từng ngày do ứng xử kém với môi trường, như lấp kinh, rạch để làm khu nghỉ dưỡng; phá rừng xây thủy điện; lấn sông làm khu đô thị... Nếu vẫn lửng lơ trách nhiệm trong ngăn chặn và khắc phục tình trạng trên thì cái lợi trước mắt về kinh tế hôm nay sẽ chẳng thể nào bù đắp được những tổn thất nặng nề hơn nhiều trong tương lai không xa.