Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo dự thảo mới nhất này thì trụ sở các bộ, ngành xây mới sẽ được đặt tại Mỹ Đình, Tây Hồ Tây. Còn hệ thống cơ quan công sở cấp Trung ương như các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ được xác định tại khu vực Ba Đình. Các công sở cấp Trung ương được ở lại trong khu vực nội đô sẽ được cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu làm việc. Công sở cấp thành phố như Trụ sở Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP được bố trí tại khu vực xung quanh Hồ Gươm. Tại khu vực đô thị trung tâm, sẽ xây mới Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại quốc tế ở Mễ Trì và Đông Anh; Trung tâm tài chính thương mại quốc tế tại khu vực Tây Hồ Tây; Trung tâm thương mại tài chính ngân hàng tại các khu đô thị Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Trì trong chuỗi đô thị dọc vành đai 4. Dự thảo mới nhất này đã giữ nguyên trục Hồ Tây - Ba Vì. Tuy nhiên, trong dự thảo mới nhất này, Bộ Xây dựng không cho biết rõ, trục này sẽ chạy thẳng một mạch hay sẽ uốn cong theo kiến nghị mới đây nhất của Hà Nội. Theo Dự thảo, các tuyến đường vành đai sẽ được cải tạo, mở rộng, xây dựng mới. Cụ thể, vành đai 1 đoạn Cầu Giấy - Trần Khát Chân dài 10,2 km sẽ có quy mô 6 - 8 làn xe, một số đoạn cuối có thể xây dựng cầu cạn. Vành đai 2 với tổng chiều dài khoảng 44 km có quy mô 10 làn xe. Vành đai 3 có chiều dài khoảng 65 km, quy mô 10 -12 làn xe, trong đó có 4 làn xe cao tốc đô thị trên cao đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Vành đai 3,5 sẽ chạy dọc chuỗi đô thị phía Đông. Vành đai 4 với việc hoàn thiện đường 5 kéo dài từ cầu chui Đông Trù, Đông Anh đến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài và Mê Linh tạo thành tuyến giao thông đô thị xương sống cho các khu đô thị mới Mê Linh - Đông Anh, Long Biên - Gia Lâm.