Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Duy Xuyên là huyện có nhiều làng nghề truyền thống với 3 loại hình chính là ươm tơ dệt lụa, dệt chiếu và chế biến hải sản.
Việc quản lý của chính quyền và nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường tại các làng nghề còn nhiều hạn chế, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của người dân quanh khu vực.
Chỉ cần dạo một vòng qua làng nghề dệt vải, tơ lụa Mã Châu (Thị trấn Nam Phước) dễ dàng nhận thấy không khí làm việc hối hả của các thợ dệt bên những khung dệt.
Trong quá trình CNH – HĐH, sản phẩm tơ lụa sử dụng thêm các hóa chất tẩy nhuộm, ngành ươm tơ, dệt lụa truyền thống dần đi vào “ngõ cụt”, người dân nơi đây chuyển hướng mạnh sang lĩnh vực dệt vải sợi tổng hợp với nhiều xưởng dệt, cơ sở hồ mắc sợi ra đời gây ô nhiễm môi trường.
Một số hộ dân sống quanh các xưởng dệt cho hay, tiếng ồn ngày cũng như đêm phát ra từ các khung dệt tạo cảm giác rất khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài ra, hệ thống thu gom, xử lý chất thải tại các làng nghề này hầu như chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
Qua khảo sát thực tế, cho thấy, làng nghề vải, tơ lụa Mã Châu cùng với làng nghề dệt vải Phú Bông – Thi Lai đang đặt ra vấn đề ô nhiễm môi trường cần được xử lý, đặc biệt là ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi và chất thải hóa học.
Ông Phan Xuân Cảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, tiếng ồn phát sinh chủ yếu do hoạt động của máy dệt và máy kéo sợi, bụi phát sinh là bụi bông ở dạng sợi bay. Cả hai loại ô nhiễm này tại các cơ sở dệt đều vượt mức cho phép. Ngoài ra còn có ô nhiễm về khí thải khi đốt là hơi bằng than và củi.
Kết quả phân tích môi trường tại các làng nghề ươm tơ, dệt lụa, dệt vải gần đây cho thấy, các chỉ tiêu như hàm lượng BOD5, COD, Caliform... đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép loại C (TCVN5945-1995) nhiều lần.
Trong quá trình đốt cháy nhiên liệu than và củi làm phát sinh khí thải chứa bụi khói và các khí độc hại như SO2, NOx, CO... Điểm có tiếng ồn vượt cao nhất là tại làng nghề Mã Châu, vượt 9dB (ngưỡng cho phép của tiếng ồn công nghiệp là 85 dB, ở nơi cư ngụ là 55 dB vào ban ngày và 45 dB vào ban đêm – PV).
Ông Phan Xuân Cảnh cho hay, các đây 7 năm, UBND huyện đã đầu tư kinh phí hỗ trợ cho HTX làng nghề tơ lụa Mã Châu, HTX dệt may Duy Trinh và dệt vải Phú Bông – Thi Lai xây dựng hệ thống xử lý môi trường.
Hầu hết, các cơ sở hồ mắc sợi đã đầu tư hệ thống xử lý bụi bằng xyclon khô sau đó phát tán ra ngoài ống khói. Tuy nhiên, biện pháp này không xử lý được bụi có kích thước nhỏ và hàm lượng độc trong khói thải.
Xử lý nguồn thải của làng nghề chế biến hải sản An Lương (xã Duy Hải) đang là vấn đề nan giải đối với địa phương.
Theo thống kê, làng nghề, hiện có 7 cơ sở chế biến nước mắm, sản lượng trên 4 triệu lít/năm; 2 cơ sở chế biến cá bò pile và 3 cơ sở chế biến cá luộc và nhiều hộ chế biến. Các cơ sở này đều nằm sát khu dân cư gây ô nhiễm môi trường do nước thải từ cá luộc, cá tẩm do chỉ được xử lý bằng cách đào hố tự hủy.
Ngoài vấn đề nước thải, những người dân nơi đây còn phải hứng chịu mùi hôi, tanh bốc ra từ các chất cặn bã của sản xuất mắm, cá khô… phát tán trong không khí.
Môi trường ô nhiễm kéo theo những căn bệnh nghề nghiệp đối với những người trực tiếp sản xuất tại làng nghề chiếu cói Bàn Thạch (Xã Duy Vinh) và làng nghề dệt chiếu An Phước (Duy Phước).
Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam đưa ra báo cáo thống kê có khoảng 80% người dân tại các làng nghề này mắc bệnh nấm móng, thấp khớp... do thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, phẩm nhuộm độc hại.
Phó Chủ tịch Phan Xuân Cảnh khẳng định về vấn đề bệnh tật tại các làng nghề này là có thực. Trung bình mỗi hộ dân tại làng chiếu cói dùng khoảng 2kg thuốc màu/tháng, nhuộm cho khoảng 200kg sợi cói.
Điều này đồng nghĩa với một lượng phẩm nhuộm được thải trực tiếp ra môi trường, vườn nhà. Riêng các loại phẩm màu dùng để nhuộm chiếu có tác động thế nào với môi trường, ông Cảnh phân bua là chờ các ngành chức năng phân tích, kiểm định (PV).