Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cậu bé quét rác vào đại học

(20:03:50 PM 05/09/2015)
(Tin Môi Trường) - 3g sáng, dáng cậu học trò Ngô Minh Thoại - Trường THPT Đốc Binh Kiều, thị xã Cai Lậy - nhỏ thó bên bà Trần Thị Nguyệt (dì Thoại) đẩy xe rác trong màn sương sớm.

Cậu bé quét rác vào đại học
Thoại và dì đang thu gom rác - Ảnh: THÀNH NHƠN


Sau hơn ba giờ tất bật, người quét và gom rác, người hốt và cho rác vào thùng, Thoại mới ngơi tay trò chuyện.

Vắt nhanh chiếc áo đẫm mồ hôi nhỏ lộp độp xuống nền đường, Thoại nói: “Mình làm công nhân vệ sinh từ năm lớp 5, đã gần tám năm rồi, mỗi tháng có 200.000 đồng phụ dì đóng học phí và lo ăn ở, giờ đang lo học phí đại học”.

Vắng tình cha mẹ

Thoại sớm thiếu vắng tình thương khi cha mẹ ly dị năm Thoại học lớp 5. Mẹ bỏ xứ vì nợ nần chồng chất, Thoại về sống với bà ngoại. Năm sau ngoại mất, Thoại được dì cưu mang. Thấy dì làm công nhân vệ sinh, Thoại xin đi theo.

Sợ cháu cực nhọc nên ban đầu bà Nguyệt chỉ cho Thoại lấy rác từ những hộ gia đình trong khu phố nhưng rồi Thoại cứ nằng nặc đòi qua chợ Cai Lậy phụ thêm.

“Thằng nhóc gầy đét, ốm nhom à. Hồi nó còn học lớp 5 nhìn chẳng thấy nó đâu. Nó đẩy phía sau mọi người chẳng thấy nó chỉ thấy mỗi xe rác băng băng trên phố. Tụi tui hay chọc nó là xe rác di động.

Nghèo vậy chứ nó trì chí và giàu nghị lực lắm nghen. Mấy lần hốt rác chứ không quên lượm ve chai đem về bán kiếm thêm” - ông Tăng Hùng Dũng, công nhân vệ sinh làm cùng đội với Thoại, cho biết.

Ngoài thời gian làm công nhân vệ sinh thu gom rác, Thoại còn xin vào làm cho một cơ sở thuốc nam, đổi lại mỗi tháng em được cho đường, muối, gạo lo bữa ăn hằng ngày.

Thoại đảm nhận cắt thuốc, phơi thuốc rồi cả việc vận chuyển thuốc đến các cơ sở đông y hoặc chùa có nhu cầu nhận thuốc.

“Tiền kiếm được sau mỗi lần lao động nó đều đưa cho tôi. Hỏi sao đưa cho dì hết vậy thì nó nói con thương dì như mẹ vì có công cưu mang con. Nó nói mà tôi cầm lòng không được” - dì Nguyệt rưng rưng.


Cậu bé quét rác vào đại học
Thoại và dì đang thu gom rác - Ảnh: THÀNH NHƠN


Nghĩa tình thầy trò

Hỏi Thoại làm miết vậy lấy thời gian đâu mà học, làm có mệt không, Thoại trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Dù cha mẹ đứt gánh giữa đường nhưng bù lại được thầy cô hết sức thương yêu nên mình mới có được kết quả như ngày hôm nay”.

Người mà Thoại liên tục nhắc đến là thầy Lai Gia Huy, giáo viên chủ nhiệm năm học lớp 12 của Thoại.

“Học phí chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng là cả một gánh nặng với Thoại và người dì, thế nên tôi có xin nhà trường giảm cho em chi phí học trái buổi.

Còn chuyện học phí đầu mỗi học kỳ thì tôi vận động vài anh em trong hội cà phê buổi sáng được khoảng 300.000 đồng/tháng, mong con đường học của em bớt nỗi nhọc nhằn” - thầy Huy chia sẻ.

Cận kề ngày thi THPT quốc gia nhưng Thoại vẫn phụ dì đi lấy rác, cô Hồ Ngọc Xuyến, giáo viên ngữ văn Trường THPT Đốc Binh Kiều, gọi vào hỏi thăm.

“Thằng nhỏ chỉ gãi gãi đầu không nói. Thương cho em tuổi nhỏ đã cơ cực” - cô Xuyến nhớ lại. Những ngày đó, cầm trên tay 1 triệu đồng do cô Xuyến và các mạnh thường quân gom góp, Thoại tính toán sử dụng rất chi li cho việc đi lại và ăn uống.

Sáng đi thi bằng xe buýt, trưa ăn cơm “tiếp sức mùa thi”, Thoại nói: “Tiền mạnh thường quân gửi tặng thì không thể dùng hoang phí, tính ra bằng cả năm tháng quét rác chứ ít gì. Đợt đó thi xong hết các môn, mình còn dư hơn 500.000 đồng lận”.

Và rồi Thoại đạt 19,75 điểm, trúng tuyển ngành công nghệ thông tin Học viện Bưu chính viễn thông (cơ sở phía Nam). Cái tin thằng Thoại “lao công” đậu đại học như vỡ òa cả xóm nghèo bên chân cầu Tứ Kiệt.

 

Cậu bé quét rác vào đại học



Bài tính trước cửa giảng đường

Thoại tính sẽ xin vào ở ký túc xá của trường để giảm chi phí. Ngoài thời gian học, Thoại sẽ đi làm thêm.

“Những thời điểm khó khăn nhất mình đã vượt qua thì không hà cớ gì lại bỏ cuộc giữa chừng. Làm vậy chẳng khác nào phụ lòng tin yêu của thầy cô và người dì đã có công nuôi dưỡng mình khôn lớn” - Thoại chia sẻ.

“Thoại nghèo tiền bạc nhưng giàu về ý chí và nghị lực sống. Hỏi em làm công nhân vệ sinh không sợ bị các bạn cùng lớp nhìn thấy cười chê hay sao thì em trả lời với tôi rằng làm công nhân vệ sinh cũng là lao động bằng chính sức của mình, đổ mồ hôi để kiếm tiền thì không có gì đáng xấu hổ cô à"- Cô HỒ NGỌC XUYẾN

“Những hôm mưa gió thấy Thoại đẩy xe đi thu gom rác, cứng cỏi như tôi mà cũng không cầm lòng cho đặng. Thoại nghèo thiệt nhưng chưa bao giờ từ bỏ học hành. Tôi thường lấy nghị lực của Thoại kể với các học trò:- Thầy LAI GIA HUY

Theo Thành Nhơn/TTO