Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sạt lở đe dọa đời sống và sản xuất vùng ven biển Gò Công- Ảnh: TL
Nhất là thời điểm từ tháng 9 trở đi kéo dài ngoài Tết Nguyên đán khi mùa gió chướng thổi mạnh. Sóng biển và triều cường liên tục đánh vào bờ kéo theo từng mảng lớn đất đai, phá hủy hạ tầng giao thông, nhà cửa.
Sạt lở là nỗi lo thường trực của những hộ dân nghèo nơi đây. Cách đây 1 năm, khu vực dãy nhà ngang, ấp Cầu Muống, xã Tân Thành còn cách mép nước khá xa thì bây giờ nước biển lấn sâu vào đất liền làm sập hai ngôi nhà. Những hộ còn lại triều cường lên, sóng biển đánh đến tận vách nhà.
Gia đình anh Nguyễn Văn Nghề đã bị sóng đánh sập phải cất tạm một ngôi nhà sàn bằng gỗ ngay trên nền ngôi nhà cũ. Anh Nghề cho biết: Gia đình có 4 khẩu gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ. Nhà không còn đất di dời nên trước mắt chọn phương án bám trụ tại chỗ để làm thuê, lo cho cuộc sống hàng ngày.
Cách nhà anh Nghề không xa là nhà của gia đình ông Lê Hoàng Trung. Mùa gió chướng năm 2014, nhà ông Trung bị đánh sập một phần. Phần còn lại, gia đình ông che chắn ở tạm nhưng vài tháng nữa khi gió chướng thổi mạnh căn nhà khó lòng trụ nổi.
Ông Trần Văn Trọn, nhà ở ấp Tân Phú, xã Tân Thành, Gò Công Đông cho biết, sạt lở ở đây rất nghiêm trọng. Con đường ấp Tân Phú dài khoảng 3 km được đổ bê tông kiên cố là thế nhưng chỉ qua mấy mùa gió chướng, sóng biển xâm thực gần hết chỉ còn một đoạn ngắn mấy trăm mét mà thôi. Đoạn còn lại này cũng khó tồn tại qua mùa gió chướng năm nay.
Những hộ dân ven biển Gò Công thuộc địa bàn xã Tân Thành, Gò Công Đông đang hàng ngày sống chung với thiên nhiên khắc nghiệt. Mùa mưa bão thì sóng to gió lớn gây sạt lở đất đai, nhà cửa, mùa khô hạn đối mặt với xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt triền miên.
Theo ông Đoàn Thanh Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành: Trung bình mỗi năm, biển lấn sâu vào đất liền từ 10 m đến 30 m gây sạt lở đất đai, nhà cửa và cơ sở hạ tầng. Có hai đoạn sạt lở nặng nhất là từ nhà hàng Hương Biển (ấp Tân Phú, Tân Thành) đến kênh sau cống Tân Thành dài khoảng 1.200 m và đoạn từ khu du lịch Vạn Bình An đến khu vực dãy nhà ngang ấp Cầu Muống dài khoảng 1.300 m.
Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết: Qua khảo sát, 47 hộ dân đang sống ở vùng nguy hiểm sạt lở, trong đó có 32 hộ dân nghèo, không có đất canh tác. Đã có 3 hộ phải di dời khẩn cấp khỏi nơi sạt lở.
Trước tình hình trên, tỉnh Tiền Giang đang lập phương án di dời dân đến nơi an toàn nằm trên địa bàn ấp Cầu Muống, xã Tân Thành. Đó là khu đất rộng hơn 1 ha nằm phía trong đê biển. Dự kiến, mỗi hộ dân di dời vào đây được cấp một nền nhà rộng khoảng 100 m2. Ngoài ra, để thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục sạt lở một cách căn cơ, tỉnh cũng có phương án xây dựng kè mềm phía ngoài, cách bờ biển hiện hữu khoảng 400 m nhằm gây bồi, tiến tới trồng rừng lấn biển, bảo vệ đê điều.
Tuy nhiên, đến nay các dự án vẫn chưa thực sự khởi động trong khi thời điểm này mùa gió chướng “đến hẹn lại lên” mang theo những nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tính mạng, tài sản người dân. Bà con mong mỏi địa phương khẩn trương triển khai dự án di dời tái định cư để “an cư lạc nghiệp”.