Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hằng đêm, ở các con suối, ao hồ bị nghi có rùa đều bị giăng bẫy kín. Họ tập hợp thành nhóm, đầu tư đến vài chục triệu đồng mua lồng, lưới, bỏ bê công việc hằng ngày, băng đồng, trắng đêm lùng sục… Theo họ, bắt được một con rùa là bằng còng lưng làm lụng cả năm.
Yếm rùa nước có vân rõ và đẹp nên gọi là rùa đẹp
Thương thay thân phận con rùa
Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, câu chuyện rùa nước bỗng dưng lan tỏa khắp các nơi ở hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Rất nhiều người dân lâu nay bán mặt cho đất bán lưng cho trời, công việc quần quật quanh năm nhưng giờ tạm gác lại mua lưới đi bắt rùa, bởi bắt được một ký rùa bằng “bắt” được cây vàng, làm nông cả năm làm gì có được. Anh Quang, một người tham gia săn rùa ở huyện Phù Mỹ (Bình Định), cho biết rất nhiều nhóm đi bắt, họ đi săn suốt ngày đêm, có khi đi vài tuần mới về nhà một lần.
Lưng rùa nước có 3 gờ chạy dọc, gờ giữa là rõ nhất
Nhưng để bắt được một con rùa nước, theo anh Quang, không phải đơn giản. Ngoài tiền mua lưới, hàng ngày phải mất cả trăm ngàn tiền mua mồi, rồi thức đêm lặn lội ngoài ao suối trong cái lạnh cóng. Nhiều nhóm trúng thu về hàng trăm triệu đồng, hỉ hả trong những cuộc vui thâu đêm.
Nhiều người thấy bắt rùa dễ lại nhiều tiền, nên cũng rủ nhau đi, có nơi đi cả làng. Một số địa phương ở huyện An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn (Bình Định); Tây Hòa, Sơn Hòa, Tuy An, Sông Hinh (Phú Yên) kéo nhau đi rất rầm rộ.
Anh V. ở huyện Tây Hòa (Phú Yên) tâm sự: "Nhiều người lâu nay đi làm thuê ở xa về nghe nói rùa có giá nên sau khi ăn tết xong ở lại quê đan lờ, mua lưới chuyển đổi nghề mưu sinh".
Việc săn rùa nóng dần lên khi giá ngày càng cao ngất ngưởng, hầu hết các ao hồ, đập, suối đều bị dân đi săn "hỏi thăm".
Anh Quang cho biết: "Ra ngõ là đụng chân. Nhiều nhóm đi hàng chục xe máy, xe nào cũng chở mấy bao lưới. Đi đâu cũng gặp người đi săn bắt, giành nhau dữ lắm".
Anh Nam, một người dân ở huyện Phù Mỹ cho biết thêm: "Trong nhà tui có một cái ao, xung quanh bụi rậm nhiều, nghi có rùa nên họ lẻn vào ban đêm phát quang, cảo sạch. Hầu hết những bờ ao, bờ suối ở đây đều bị như thế, chủ yếu họ làm ban đêm lúc gia đình ngủ say, nhưng nếu phát hiện thì cũng chỉ nhắc nhở họ thôi chứ biết làm gì?".
Cùng cảnh ngộ, nhiều ao, hồ nghi có rùa đều bị giẫm nát, phát trụi. Hồ nước hòn non bộ trong một ngôi chùa ở xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) có nuôi một cặp rùa, một thời gian ngắn sau khi giá rùa tăng cao, cặp rùa này đã không cánh mà bay.
Từ đầu mùa đến nay nhóm anh Quang đã bắt được khoảng gần 15 kg rùa, bắt được là chở thẳng đến đại lý hoặc gọi đại lý đến nơi mua.
"Ở bất cứ chỗ nào dù gần hay xa, chỉ cần a lô là họ tới ngay. Loài này bắt lên để một ngày là sụt đến một lạng, mà một lạng rùa là mấy triệu đồng rồi", anh Quang cho biết. Hệ thống thu mua ở khu vực này rất đông, cạnh tranh nhau nên chỉ cần gọi là họ tới ngay.
"Hình như họ cũng có lãi nhiều nên rất nhiệt tình, tiền mặt lúc nào cũng mang theo cả túi xách, đủ khả năng mua vài kg. Nghe nói mua xong là bán cho một đại lý chính rồi chuyển hàng ra Bắc đi Trung Quốc", anh Quang cho biết thêm.
Chuẩn bị lưới trước khi đi săn
Chim trời cá nước
Rùa nước có kích thước cỡ trung bình hoặc nhỏ, mai dẹp, dài khoảng 17 cm, màu xám sẫm; có 3 gờ chạy dọc lưng, gờ giữa lưng rõ nhất, rìa sau mai không có răng cưa. Yếm màu vàng hoặc màu cam có những đốm lớn màu đen ở mỗi tấm yếm. Vân ở yếm rùa này rõ và đẹp, không loang lổ như một số rùa rắn hay rùa mây (cũng sống ở vùng nước ngọt).
Thức ăn chủ yếu của loài này là thực vật (rau, hoa quả) và động vật (cá). Rùa Trung Bộ sống ở các đầm lầy và suối có dòng chảy chậm trong các khu rừng rậm.
Theo một số giáo sư về động vật học, rùa nước là một loài đặc hữu, chỉ có ở Trung Bộ (Việt Nam), sống tập trung trong phạm vi vài trăm km2, rất hiếm và cần được bảo vệ bằng mọi giá. Tuy nhiên, một thời gian khá dài, người dân lùng sục từng ngóc ngách, hốc cây bụi rậm, đi thành từng đoàn hoạt động suốt đêm nhưng chưa gặp sự cản trở nào.
Có nhóm đi săn trúng đậm nhưng cũng có nhóm đi cả tháng trời về trắng tay đành ngậm ngùi cất lưới. Anh T, một thợ điện ở Phù Mỹ (Bình Định) bỏ nghề theo đi săn rùa. Nhóm anh mua 30 tay lưới, cần, bẫy nhử gần 10 triệu đồng.
Đêm nào cũng đi, lặn lội hết nơi này đến nơi khác, chiều giăng lưới, cứ khoảng 3 giờ đồng hồ là đi kiểm tra một lần. Cứ như thế chập chờn giấc ngủ hơn hai tháng, cả nhóm không bắt được con nào, chỉ trúng toàn rùa rắn. Vừa lỗ công, lỗ vốn, mất ngủ, thiếu ăn đành phải cất lưới quay lại với nghề ban đầu.
Anh tiếc rẻ: "Tôi đi săn hơi muộn, mấy người đi trước bắt được nhiều, có người sắm được xe ga, ăn tiêu dữ lắm".
Thực tế người đi săn trúng cũng chỉ số ít, phần lớn là trắng tay bởi lượng người đi săn quá đông mà rùa thì rất hiếm. Theo anh Q. - một thợ săn rùa ở huyện Sông Hinh (Phú Yên), có quá nhiều nhóm đi săn, từ xã Sơn Giang đến Ea Bar, Ea Trol… (Phú Yên), "Thấy người ta trúng rùa mình cũng đi nhưng chẳng thấy rùa đâu mà nợ thì ngày càng chồng chất".
Nhiều đêm thức trắng bủa lưới đến sáng vẫn không thấy rùa vào
Nhiều loài rùa không có giá như rùa rắn, rùa mây, rùa đá sống ở khu vực này cũng bị vạ lây. Loại rùa này chỉ khoảng 100 ngàn đồng/kg, chủ yếu mua để bán cho một số quán nhậu.
Anh L. - một đại lý thu mua ở thị trấn Bồng Sơn (Bình Định) kể: "Người ta gọi mình tới mua nhiều nhưng chủ yếu là gặp các loại khác chứ rùa nước ít lắm, thậm chí có người bắt được cả chục ký ba ba. Nhiều nhóm đi săn chỉ nghe nói rùa có giá chứ không biết rùa gì nên gặp đâu bắt đó".
Người bắt không nhận ra rùa nước đã đành, người mua không rành cũng thường bị lầm. Giá rùa cao, dễ có lãi nên nhiều người chưa biết rùa cũng đi thu mua bán lại, nhiều lúc bị lầm dở khóc dở cười. Anh L. kể: "Anh bạn tôi đi mua trúng hai kg rùa rắn về lỗ gần 40 triệu đồng. Chim trời cá nước, mua rồi biết đâu mà trả lại"!
Một số đại lý thu mua cho biết, khoảng thời gian trước và sau tết mỗi ngày mua được khoảng vài kg, có ngày mua hơn chục ký nhưng thời gian gần đây rất ít, gọi cho một số người trước kia bắt nhiều họ cũng lắc đầu "hết thời rồi anh ơi"!
Rùa nước còn gọi là rùa Trung Bộ, có tên khoa học là Mauremys annamensis, là một loài rùa thuộc họ rùa đầm, nhóm IIB, có ghi trong Sách đỏ. Ngày 30.3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị định số 32/2006/NĐ-CP về bảo vệ các loài động vật hoang dã của Việt Nam. Trong đó rùa Trung Bộ được đưa vào danh sách những loài động vật được bảo vệ, cấm mua bán, trao đổi hay tiêu thụ. Rùa Trung Bộ cũng đã được ghi trong danh mục II, Công ước Quốc tế về cấm buôn bán động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). |