Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hà Nội: Chậm di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường

(10:35:48 AM 03/09/2015)
(Tin Môi Trường) - Di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư thuộc các quận nội thành Hà Nội là chủ trương, công việc cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện dẫn đến tiến độ xử lý, di dời chậm, số lượng cơ sở đã di dời còn rất hạn chế.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: TL


Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến nay, thành phố đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ năm 2003, thành phố đã chủ động rà soát, lập danh mục và hướng dẫn di chuyển các cơ sở công nghiệp thuộc 17 ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch (khoảng hơn 400 đơn vị). Song, hiện mới có 41 đơn vị thực hiện di chuyển và đầu tư mới tại các huyện hoặc sang các tỉnh khác.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác di dời nhằm tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện nhiệm vụ này. Hiện, các sở, ngành chức năng đang khẩn trương lập danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch của thành phố. Đồng thời, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời trên địa bàn 12 quận nội thành (nhất là 4 quận trung tâm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng).

Lý giải nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch ra khu vực đô thị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Tâm lý doanh nghiệp ngại di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế nên không đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải tại nơi di chuyển đến. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế suy thoái từ năm 2011, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, nguồn lực của Nhà nước trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại địa điểm mới còn hạn chế, chưa được xây dựng đồng bộ.

Cũng theo ông Nghĩa, việc lập và hoàn thiện quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng theo Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt kết hợp cùng với chủ trương hạn chế công trình cao tầng khu vực nội đô đang được triển khai cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương di dời theo Quyết định 86/2010/QĐ - TTg.

Đáng chú ý là cơ chế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế nên chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện, tích cực chuyển đổi ngành nghề, chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch hoặc tự nguyện di dời.

Bên cạnh đó, sự phối hợp chưa thường xuyên, liên tục giữa các sở, ngành, quận, huyện cũng như các doanh nghiệp cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, trong tháng 7/2015, các quận, huyện phải hoàn thành danh sách các cơ sở cần phải di dời gửi về Sở tổng hợp nhưng đến cuối tháng 8/2015, sau 2 lần thành phố ra văn bản “đôn đốc” thực hiện mới có 15 đơn vị nộp báo cáo. Ngay cả 41 doanh nghiệp đã di dời cũng chủ yếu là do sự chủ động của các doanh nghiệp chứ chưa có sự “can thiệp” của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Thời gian tới, để đẩy mạnh thực hiện công tác này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND thành phố tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường bắt buộc phải di dời gắn với tiến độ cụ thể; đồng thời có kế hoạch quản lý sử dụng hiệu quả diện tích đất thu hồi theo hướng thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, đúng quy định. Trước mắt, tập trung điều tra, rà soát về hiện trạng sử dụng đất và mức độ gây ô nhiễm của các cơ sở công nghiệp thuộc 17 ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm để lập và công bố công khai danh mục các cơ sở phải di dời từ 2015 – 2020. Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để tiến hành đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường trước khi di dời cũng cần bố trí kinh phí trung bình khoảng 40 triệu đồng/đơn vị.

Cùng với việc khẩn trương xây dựng lộ trình di dời cụ thể, thành phố chỉ đạo kiên quyết xử lý các trường hợp gây ô nhiễm nghiêm trọng không thực hiện di dời bằng biện pháp cưỡng chế buộc ngừng sản xuất hoặc thu hồi đất. Sở Quy hoạch – Kiến trúc phải đẩy nhanh hoàn thiện phê duyệt, công bố công khai các quy hoạch ngành, các quy hoạch phân khu định hướng cho các đơn vị di dời lập phương án. Thành phố sẽ tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh mới phục vụ cho các cơ sở sản xuất di dời.

Minh Nghĩa