Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bán một tạ muối chỉ được chừng 50.000 đồng, đủ mua 2 tô bún!
Một bài báo mới đây thông tin, giá muối ở Bình Định rớt xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua, khiến những người dân các xã ven biển thuộc các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước... cảm thấy đắng chát. Ai cũng mong “được mùa” nhưng cũng sợ nhất là vế câu đi kèm “mất giá”, bởi miếng cơm manh áo hàng ngày của họ đặt cược cả vào đồng muối. Trong khi, bán một tạ muối chỉ được chừng 50.000 đồng, đủ mua 2 tô bún!
Năm 2014, ở đồng muối Bạc Liêu, diêm dân tính toán để mua một bát phở Hà Nội cần phải bán những 50 kg muối!?
Muối chỉ là một trong số những mặt hàng luôn bị xếp vào bảng danh sách những sản phẩm nông nghiệp rẻ mạt nhất hiện nay. Trước đó, như đã đưa tin, nông dân Đồng Tháp đang bán những sọt chanh 40kg có 6.000-8.000 đồng. Cứ tưởng tượng, cả một sọt chanh lớn, gom hái từ chục cây, được bà con chăm bón trong cả năm trời, giờ không bằng một ổ bánh mì lót dạ buổi sáng.
Không ngờ, một bán phở, tô bún 30.000 đồng; ổ bánh mì 10.000 đồng hay ly trà đá 3.000 đồng,... những bữa ăn sáng thường ngày của dân thành phố, lại trở nên có giá trị, dùng để quy đổi với những mặt hàng nông sản, lẽ ra, đã thu về cho người nông dân số tiền gấp nhiều lần như thế.
Một cách ví von gần gũi, quá đủ để thấy sự bấp bênh về thu nhập và số phận của bà con nông dân.
Điều đáng ái ngại, giá muối ở nơi sản xuất có 500 đồng/kg, thì tại Hà Nội, người Thủ đô phải mua muối với giá đắt gấp hơn 10 lần, tức 5.000-6.000 đồng/kg. Chanh ở nơi trồng chỉ 300 đồng/kg mà tại Hà Nội và TP.HCM, nó đội giá lên 15.000-20.000 đồng/kg. Dưa hấu ở nơi trồng được thì đổ bỏ, cho bò ăn, còn dân thành phố phải mua với giá trên 10.000 đồng/kg,...
Còn rất nhiều loại nông sản khác của Việt Nam giá từng rớt thảm hại, khiến những hình ảnh ví von trở nên chua xót, như 2 kg khoai lang bằng ly trà đá (3.000 đồng), 20kg dưa hấu đổi được một bát phở, còn hành tím bán cả yến, ổi bán 30kg cũng không mua nổi bát phở,... Chưa kể, hết dưa hấu, hành tây,... đến thanh long, cà chua,... phải đổ bỏ cả tấn.
Rõ ràng, ngoài số ít mặt hàng nông sản có giá trị, bươn chải xuất khẩu thu về tỷ đô như cá tra, con tôm, gạo, cà phê, điều,tiêu,... thì còn rất nhiều sản phẩm khác đang chịu cảnh tiêu thụ bế tắc, thừa mứa, rẻ bèo.
Ngoài sự lãng phí, người ta nhìn thấy ở đó là một nền nông nghiệp sản xuất manh mún, không theo nhu cầu thị trường, cả về số lượng và chất lượng; sự bế tắc trong việc điều tiết tiêu thụ nông sản và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc; sự bị động đến tội nghiệp của nông dân khi không biết phải làm thế nào để kết nối được với hệ thống phân phối bán lẻ mà phải trông cậy cả vào thương lái,...
Bao mồ hôi nước mắt, tiền của, kỳ vọng,... của bà con nông dân giờ vỡ vụn. Gần đây, những phong trào thiện nguyện, kêu gọi người dân tiêu thụ giúp đã diễn ra ở nhiều nơi, với một số mặt hàng, nhưng không thể trông chờ mãi vào việc hỗ trợ kiểu thụ động - cách điều hành thị trường kiểu con tim - như vậy.
Chính vì thế, sẽ không có nhiều ngạc nhiên khi một công bố gần đây cho thấy, thu nhập bình quân của người dân nông thôn một năm chỉ có 200 USD/người (khoảng 4,5 triệu đồng), tức mỗi tháng chưa đầy 400.000 đồng, so với bình quân cả nước là 1.600 USD/người, thua tới 8 lần.
Trong khi đó, có tới 70% dân số cả nước vẫn sống bằng nghề nông. 57% lực lượng lao động xã hội làm việc trong ngành nông nghiệp, nhưng chỉ tạo ra chưa đầy 20% GDP. Do đó, họ cũng chỉ được hưởng lợi trong khuôn khổ con số đó.
Hệ lụy, theo kết quả điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách PTNN-NT, có tới 47,4% hộ nông dân không hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Tại một hội thảo mới đây về “Đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều biện pháp, trong đó yêu cầu cấp bách là sự thay đổi cách tiếp cận truyền thống, chuyển từ chú trọng sản lượng sang chất lượng và giá trị, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại; thoát ra khỏi tư duy của nền kinh tế nông nghiệp khép kín, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất lớn; đặc biệt là làm sao thu hút và hấp dẫn được các doanh nghiệp.
Nói nghe có vẻ to tát, nhưng thực tiễn gần đây cho thấy, với sự đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn lớn vào nông nghiệp, với một quy trình khép kín, đã giúp nhiều nông dân, nhiều vùng nông thôn đổi đời. Chẳng đâu xa, nhờ sự điều tiết của các cơ quan chức năng và sự vào cuộc của doanh nghiệp, lần đầu tiên, vải thiều đã thoát khỏi chu kỳ được mùa rớt giá, thu về nhiều ngàn tỷ.
Chúng ta đã thành công trong việc cứu giá cho vải thiều, thì không phải là quá khó khi triển khai với các mặt hàng nông sản khác.