Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Trả lại màu xanh cho rừng

(19:34:45 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Cặm cụi chuốt từng chiếc lạt giang dẻo oặt để buộc lán nhốt vịt kề bờ ao của trang trại, nét mặt ngượng ngịu không ai nghĩ Nguyễn Ngọc Hội đã ở tuổi 41, giọng rỉ rả: Sớm xa quê, nhưng Quân Khê, Hạ Hòa, Phú Thọ mình thì ông lạ gì nữa. Xưa, đất lâm nghiệp và rừng có tới trên 400 ha, phía tây nam là ngọn núi Nả cao 1.300m so với mặt biển.



Nguyễn Ngọc Hội với cánh rừng 3 năm tuổi ( Ảnh 2)

 

Núi Nả tạo nên phong cảnh thơ mộng, huyền bí của Suối Tiên; giăng giăng suốt mạn tây là ngọn đèo Quân trập trùng với cả chục con ngòi, khe suối quần tụ tạo nên những đầm hồ tự nhiên. Thuở xưa dân cư thưa thớt, Quân Khê như một kho lâm sản ăm ắp đủ các loại gỗ, nứa, mây, song, chim chóc, hổ, báo, hươu, nai, lợn rừng…

 

Nhưng rồi “người đông của khó”. Rừng không chủ nên bị tàn phá trọi trơ tới đỉnh núi Thanh, núi Trưa xuyên sang tận đèo Quân, núi Giác… Sau đấy kiểm lâm tới lập trạm kiểm soát, hô hào nhân dân làm chủ tập thể, cũng chỉ cốt để giữ lấy rừng tái sinh.

 

Cha chung chẳng ai thèm khóc. Đói thì đầu gối phải bò… Cho nên anh Thắng, cán bộ Kiểm Lâm huyện Hạ Hòa, bảo cháu là tên trộm rừng thì không sai, nhưng hơi quá lời. Nói đi thì cũng phải nói lại, cháu là con thứ 5 trong gia đình tới 9 anh chị em. Tuổi 16 - 17 ăn như hùm đổ đó, lúc nào cũng đói queo đói quắt.

 

Bởi thế sinh ra ở đất rừng chỉ còn cách lủi vào rừng chặt ngả cây cối làm củi chở ra phố Hiền bán lấy tiền đong gạo. Ngày nhiều cũng chỉ đủ mua mươi cân gạo. Hôm bị kiểm lâm giữ thì không chỉ cháu đói mà cả nhà cũng xỉu theo!... Tự dưng đôi tròng mắt Hội ứa lệ, giọng ngắt khoảng: Lạ lắm.

 

Ngày ấy nghèo khổ, sao cháu thèm cơm đến vậy. Hễ bị kiểm lâm giữ là nhớ bữa, chỉ sợ chết đói nên chu chéo gọi bố gọi mẹ. Thương tình nên các anh ấy tha cho. Nhưng vì đói nên mấy ngày sau chứng nào tật ấy… lại lẻn vào rừng đốn củi.

 

Ngẫm lại ngày xưa ấy mà xót lòng thương bố thương mẹ. Khi có bát ăn bát để thì mẹ đã già, cha đã vội về nơi chín suối. Bây giờ đâu phải thiếu ăn, ấy vậy mà vợ chồng cháu đam mê bám miết lấy rừng như một lẽ sống ở đời!

 

Theo Nguyễn Ngọc Hội, tôi leo lên ngọn núi Thanh, núi Trưa nơi có mấy cây sồi gai cao vút, vòng thân cả người ôm còn sót lại sau một thời đua nhau tàn phá. Đứng ở đây, xoay 4 phía đâu đâu cũng ngằn ngặt mầu xanh keo lai đã qua thì khép tán. Tựa vào thân cây keo song sóng cao vút,  tôi hỏi: Sao Hội lại chọn khu rừng này làm nơi lập nghiệp?

 

Hội với giọng bâng bâng: Năm 1995, Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng cho dân. Ngày ấy người dân Quân Khê đâu có say mê làm rừng như bây giờ. Xã phải hết hơi hết sức vận động, giải thích người ta mới nhận cho. Phần đông mỗi hộ chỉ kham vài ba ha. Dăm bẩy hộ mạnh bạo nhận tới 10ha. Khi ấy cháu nhận 9ha.

 

Sau này được anh chị em trong nhà chuyển đổi nên cháu có thêm 3ha nữa. Vậy là cả thẩy cháu có tới 12ha đất rừng. Ấy là chưa kể, suốt mấy năm qua chúng cháu vượt đất, đắp đập, làm 3 – 4 cái ao tạo ra 2ha mặt nước để nuôi cá, nuôi vịt; khai hoang vỡ hóa chân khe chân dộc, tạo ra hơn 1ha mặt bằng làm vườn trồng xoan xen chuối và sắn.

 

Tổng cộng trang trại của cháu hiện thời có tới 15ha - thực hiện nuôi trồng theo công thức R-A-V (rừng-ao-vườn)!.. Đưa tay quyệt mồ hôi vã trên trán, mặt ửng hồng, giọng Hội nhỏ lại: Cháu nhận khu rừng xa xôi hẻo lánh này cũng là vì đã quen với nó từ cái thuở từng là tên “trộm rừng”.

 

Thế thôi! Những năm đầu hầu như tất cả các hộ nhận đất rừng nhưng không ai canh tác cho quy củ, chỉ trồng cây lõm bõm để lấy củi. Mà dạo ấy có trồng cây nguyên liệu bán cho nhà máy giấy thì cũng chẳng lời lãi gì, vì đường xá xa xôi, lối vào rừng không có, phương tiện vận chuyển cũng không, tư thương mua bán theo kiểu bắt chẹt.

 

Năm 1998, cháu tiến hành trồng đại trà quảng canh đủ thứ cây nguyên liệu giấy như bạch đàn, bồ đề, keo lai, tre măng rồi bỏ cho vợ con thỉnh thoảng nhòm ngó. Năm 2003, cháu sang Malaysia lái xe thuê cho chủ một công ty ở thủ đô Kuala Lumpur cốt đem tiền về thâm canh rừng.

 

Bốn năm sau trở lại, rừng đến kỳ thu hoạch, hèm nỗi có trồng nhưng không chăm bón nên thu vót vét cũng chỉ được 300 triệu đồng. Tiền làm thuê có được cháu cất ngôi nhà khá tươm tất cho mẹ và các con ở, rồi vợ chồng cháu vào dựng lán dưới chân núi này để quyết “sống chết” với rừng. Khốn nỗi, ý chí làm giàu rất lớn nhưng lưng vốn lại quá nghèo.

 

Để làm khu rừng này cho ra tấm ra món phải có tiền tỷ, chí ít cũng phải 700 – 800 triệu. Vậy mà chúng cháu chỉ có 400 triệu đồng, cho nên cháu phải thế chấp nhà cho ngân hàng để vay 100 triệu, nhờ anh chị em cho vay theo kiểu giúp đỡ được thêm 100 triệu nữa.

 

Số tiền có được cháu đổ cả vào rừng. Lúc này những người có rừng trong xã đều đua nhau thâm canh. Khu rừng của cháu được trồng quy củ, có hàng, có lối, đảm bảo mỗi ha trồng đủ 1.250 cây, nghĩa là 12ha phải trồng tới 15.000 cây, ấy là không tính đến số cây phải trồng dặm.

 

Đầu năm 2008 cháu thuê 10 lao động trẻ khỏe cùng vợ chồng cháu ròng rã cả tháng trời đào hố theo quy cách của lâm nghiệp. Sau 10 ngày, lần lượt các hố đã đào cháu cho san 2/3 đất mùn xuống; một tuần sau mỗi hố trên lại cho bỏ 0,5 kg NPK trộn đều với đất mùn rồi gạt đất lấp bằng miệng hố; nửa tháng sau trở lại đặt bầu.

 

Cứ thế cả vạn rưởi cây keo lai giống được gieo trồng khoa học như cây cảnh. Ấy là chuyện trồng, còn chuyện dặm vá, xới cỏ gốc, băm éo chồi, phát luổng, bón lót NPK, rồi bón thúc cũng phải tuân thủ đúng tuần, đúng tháng, đúng năm.

 

Mỗi đợt mỗi kỳ chăm bón như thế đều phải chi cả chục triệu đồng thuê mướn lao động từng quen công quen việc. Bởi thế rừng của cháu mới lớn đều tăm tắp như thế này. Kể từ khi đặt bầu tới nay vừa tròn ba năm, cây keo của cháu đã có đường kính gốc tới 10cm, cao trên 10m.

 

Mấy ngày gần đây người ta đồn đại cháu khó khăn vì vay mượn nhiều nên thương lái tới đo dò trả tỷ mốt, tỷ hai cho cả khu rừng. Gọi là đồn đại chứ thực ra cháu cũng rất khó khăn. Phân NPK hàng chục tấn rồi giống cây trồng nữa cháu phải thuê chở tận nhà máy Supe Lâm Thao, tận trại giống cây trồng Phù Ninh về đây.

 

Rồi tiền thuê máy ủi, máy xúc đào ao, đắp bờ, xây cống hết cả trăm triệu. Ấy là chưa nói tới nửa trăm triệu đồng mua giống cá quý đắt tiền như trắm đen, nheo lai, chim trắng, rô phi đơn tính… đều chưa thu.

 

Nguồn thu duy nhất của cháu lúc này là 400 con vịt đẻ, lời lãi mỗi ngày cũng chỉ vài trăm nghìn đồng. Khi ấy phải nuôi con gái học đại học năm thứ hai, con trai học PTTH. Tất tật phải chạy gằn. Giầu có thì vẫn ở phía trước. Nhưng cứ nhìn lên rừng thấy rừng ngằn ngặt xanh như thế kia là vui lắm rồi!

 

Ngước mắt nhìn cánh rừng bên phía bờ ao, Hội nói như cắt chỉ: Rút kinh nghiệm để đỡ căng khi thời vụ gieo trồng cũng như thu hoạch, cháu sẽ chia rừng làm ba khoảnh; khoảnh nọ trồng dãn cách thời gian với khoảnh kia một năm.

 

Để tăng thêm thu nhập ngay từ rừng, tạo việc làm cho người lao động, cho dân địa phương tiêu thụ sản phẩm tại chỗ; cháu đang bắt tay lập xưởng  bóc gỗ với hai máy loại xịn ngay tại chân rừng này!...

 

Trước lúc chia tay, nâng ly rượu quê trong gian lán bên rìa núi bốn bề gió lộng, tôi hỏi Nguyễn Ngọc Hội: Thành chủ rừng ở xứ sở này, điều gì là quan trọng nhất?

 

Lời chắt lọc, như đong như đếm, Hội bảo: Phải kiên trì. Làm rừng không phải thứ ăn ngay. Trồng cấy phải theo khoa học. Quảng canh nhưng nhất thiết phải thâm canh. Giống má phải tốt. Lợi ích của mình phải đặt trong lợi ích chung. Nghĩa là lợi ích của mình phải chứa đựng lợi ích của xã hội. Các thành viên làm rừng trong xã cũng như khu vực phải gắn bện với nhau…Có như thế thì  mới trả lại màu xanh cho rừng!

Bút ký của Nguyễn Uyển