Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bài viết của GS Nguyễn Lân Dũng- Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam về cách phân biệt 2 loại trên:
Chàng sinh viên trẻ Ngô Kim Lai (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) đang nghiên cứu một mẫu đông trùng hạ thảo. Ảnh: I.T
Nhầm lẫn giữa 2 loài nấm
Đông trùng hạ thảo là gì? Đó là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Thường gặp nhất là sâu non của loài Hepialus armoricanus.
Ngoài ra, còn 40 loài khác thuộc chi Hepialus cũng có thể bị Cordyceps sinensis ký sinh. Vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Mùa hè ấm áp nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất. Đầu của ngọn nấm là một thể đệm (stroma) hình trụ thuôn nhọn. Chỉ phát hiện được ĐTHT vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500-5.000m. Đó là các vùng Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam... (Trung Quốc). Các phân tích hoá học cho thấy trong sinh khối (biomass) của ĐTHT có 17 acid amin khác nhau, có D-mannitol, có lipid, có nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na...).
Chi nấm Cordyceps có tới 350 loài khác nhau, chỉ riêng ở Trung Quốc đã tìm thấy 60 loài. Tuy nhiên cho đến nay người ta mới chỉ nghiên cứu nhiều nhất được về 2 loài Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. và Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link. Loài thứ hai được gọi là dõng trùng thảo, ta dịch là nhộng trùng thảo (vì phát triển trên nhộng tằm). Theo sưu tập giống của chúng tôi, hiện đã có tới trên 5.000 chủng vi sinh vật, chúng tôi có sẵn chủng Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link và sẵn sàng cung cấp cho mọi đơn vị, nhưng đây là loài rất dễ nuôi (trên cơm và thêm hóa chất) nhưng giá trị dược liệu rất thấp và ở Trung Quốc bán giá rất rẻ, phải mua hàng cân để nấu canh.
Viện Vi sinh vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã gửi cho chúng tôi chủng ĐTHT Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc., nhưng sau khi kiểm tra ADN chúng tôi thấy không phải nên không dám sử dụng. Bên cạnh đó, Viện này cũng có cho chúng tôi một chủng Cordyceps sinensis, nhưng rất tiếc khi kiểm tra lại ADN thấy chưa đúng nên chưa thể đưa vào sản xuất.
Chỉ là nhộng trùng thảo
Nhiều viện nghiên cứu công nghệ sinh học ở Trung Quốc đã từ lâu phân lập thành công nấm Cordyceps sinensis trong ĐTHT và chứng minh được mọi dược liệu đều nằm trong phần “hạ thảo” chứ không hề có gì trong phần “đông trùng”. Vậy là họ đã có trong tay một của quý. Vì sao chúng được coi như một trong những loại thần dược nổi tiếng khắp thế giới?. Sách y học cổ truyền của Trung Quốc từ xa xưa đã coi ĐTHT là vị thuốc có tác dụng “Bổ phế ích can, bổ tinh điền tuỷ, chỉ huyết hoá đàm”, “Bổ phế ích thận, hộ dưỡng tạng phủ”, “Tư âm tráng dương, khư bệnh kiện thân”; là loại thuốc “Tư bổ dược thiện”, có thể chữa được “Bách hư bách tổn”. Nhộng trùng thảo cũng là dược liệu nhưng đâu có giá trị có thể so sánh với ĐTHT và có thể mua rất rẻ tại Nam Ninh, Quảng Châu... Tôi rất ngạc nhiên khi không hiểu cơ quan quản lý nào đã cho phép gọi nhộng trùng thảo là ĐTHT. Tôi nghĩ chúng ta có đầy đủ các cơ quan nghiên cứu vi sinh vật học, có đầy đủ trang thiết bị để giải trình tự ADN giúp định tên chính xác các loài vi sinh vật.
Vậy vì sao các cơ quan quản lý không yêu cầu xác minh tên loài trước khi cho phép chuyển giao công nghệ (rất đắt), rồi sản xuất, lưu hành và tuyên truyền rộng rãi với tên thương phẩm là ĐTHT? Sản phẩm nuôi cấy nhân tạo ở Trung Quốc là các sản phẩm lên men với các nồi lên men lớn từ chủng Cordyceps sinensis (Berk.)Sacc. chứ hoàn toàn không phải là chủng Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link. Đây là chuyện quan trọng liên quan đến đông đảo người tiêu dùng, tôi trân trọng đề nghị Bộ KHCN cùng Bộ Y tế cần lập nhóm thẩm định với sự tham gia của Hội các ngành sinh học Việt Nam để tránh sự ngộ nhận của đông đảo người tiêu dùng.
Đông trùng hạ thảo thứ thiệt
Đông trùng hạ thảo thật rất hiếm, khó mua
Do ĐTHT thu nhặt từ thiên nhiên chỉ có hạn, môi trường tự nhiên thích hợp cho sự phát triển của ĐTHT lại toàn là các vùng núi non và cao nguyên hiểm trở, xa xôi, cho nên càng ngày càng khan hiếm và khó mua. Vì đã chứng minh các hoạt chất đều tập trung trong nấm Cordyceps sinensis, nên nếu thấy con sâu khô nào đã rụng mất râu (chính là nấm Cordyceps sinensis), thì không còn tác dụng gì nữa. Thật tiếc khi có người đã gọi loài nấm nhộng trùng thảo Cordiceps militaris là ĐTHT.
Chúng tôi luôn bảo quản từ lâu chủng nấm này và cung cấp giống cho bất kỳ ai với giá chỉ khoảng... 5USD. Nhộng trùng thảo cùng chi với ĐTHT, nhưng khác loài và giá trị dược liệu thì hoàn toàn không thể so sánh được với ĐTHT. Cũng đã có đơn vị mua nhộng trùng thảo khô ở Trung Quốc rồi nghiền thành bột và đóng viên để tiêu thụ ở Việt Nam với tên thương phẩm là ĐTHT. Vì giá rất rẻ, nên ở Trung Quốc người ta mua với khối lượng lớn để dùng chứ không đóng viên nang hay viên nén với nhộng trùng thảo. Còn ĐTHT nguyên con với các tác dụng như nói trên thì rất đắt, mỗi 100gr khoảng 200 - 250 con (sâu + nấm) giá khoảng 100 triệu đồng.... Ngay người Trung Quốc cũng ít người dám mua và họ thường dùng loại dịch nuôi ĐTHT bằng con đường lên men.
Đông trùng hạ thảo thứ thiệt
Nhộng trùng thảo cùng chi với ĐTHT nhưng khác loài và giá trị dược liệu thì hoàn toàn không thể so sánh được với ĐTHT. Môi trường nuôi cấy rất rẻ tiền, chỉ cần trộn gạo với nước theo tỷ lệ 1:1, phân vào các bình tam giác rồi khử trùng, cấy giống, nuôi cấy trong phòng có nhiệt độ 20 - 250C với độ ẩm không khí khoảng 75 - 80%. Vậy mà nhiều người vẫn nhầm nhộng trùng thảo là ĐTHT.