Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nước đã tới chân đê -Ảnh: TL
Nước đã tới chân đê
Là một trong những tỉnh có bờ biển dài với ba mặt giáp biển (trên 254 km), Cà Mau luôn là điểm nóng xảy ra sạt lở mỗi khi bước vào mùa mưa bão; trong đó, khu vực từ Hương Mai đến Tiểu Dừa của huyện U Minh với chiều dài hơn 5 km, đang trong tình trạng sạt lở ở mức cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra tình trạng vỡ đê bất cứ lúc nào.
Xóm biển Hương Mai, xã Khánh Tiến, huyện U Minh là nơi sinh sống của nhiều hộ dân di cư tự do, hành nghề đi biển. Thế nên dù Khu tái định cư Hương Mai được xây dựng vẫn còn hơn chục căn nhà tạm bợ cứ thế chơi vơi nằm sát ngay mé biển.
Trong căn nhà lụp sụp nhìn ra biển Tây, bà Lê Thị Thơ, xã Khánh Tiến, huyện U Minh tâm sự, gia đình bà sống ở ven đê biển Tây đã được 20 năm. Chồng bà hàng ngày đi theo ghe cào lưới nên muốn vào khu tái định cư cũng khó khăn. Vào đó thì gia đình bà không biết làm gì để sống, ở đây bà còn có thể dễ dàng đi bắt ốc phụ chồng mua gạo. Bà Thơ cho biết thêm, khoảng 4, 5 năm trở lại đây tình trạng sạt lở mới diễn ra nhanh đến vậy. Trước mặt tiền nhà bà vốn là rừng phòng hộ với hơn 1km nhưng bị sạt lở dần, đến nay thay vào đó chỉ là mênh mông nước. Nhà của bà cũng trong tình trạng có thể cuốn ra biển bất cứ lúc nào. Theo bà Thơ kể, vào mùa biển động, những con sóng cao 2-3m ập vào nhà diễn ra ngày một thường xuyên hơn...
Biển Tây của Cà Mau luôn luôn động, với gió cấp 7, cấp 8, gây ra sóng to làm sạt lở nhiều dải rừng phòng hộ biển Tây. Từ năm 2007 đến nay, bờ biển Cà Mau bị sạt lở bình quân 15 m/năm, có đoạn sạt lở đến 50 m/năm, làm mất đi diện tích rừng phòng hộ gần 305 ha/năm.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết: "Trong tháng gió Tây- Nam thổi lớn nên tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Hiện, sạt lở đã tới lòng mương. Tôi đã ở đây gần cả đời mà chưa thấy khi nào tốc độ sạt lở nhanh đến vậy. Cứ đà này nếu không có biện pháp gia cố kịp thời thì chắc chắn sẽ vỡ đê".
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau cho biết: “Vào mùa gió Tây - Nam chưa lâu nhưng trên đê phòng hộ biển Tây đã xuất hiện gần 20 điểm sạt lở. Diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ nét, thường xuyên uy hiếp đến đê biển của tỉnh Cà Mau. Trong năm 2015, sự uy hiếp diễn ra thường xuyên hơn, nguy hiểm hơn. Đai rừng phòng hộ ngày càng mất dần. Qua khảo sát đoạn từ Sông Đốc đến Tiểu Dừa, giáp ranh Kiên Giang thì đai rừng phòng hộ chỉ còn trên dưới 50m, còn rất nhiều đoạn chỉ 30m và thậm chí chỉ còn trên dưới 10m là sạt lở tới chân đê biển, riêng những đoạn này đã 6 km. Các xã Khánh Tiến(huyện U Minh), Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời)… với tổng chiều dài gần 20 km cũng là những khu vực có tình trạng sạt lở trong diện đặc biệt nguy hiểm mà nếu không có giải pháp phù hợp khắc phục thì đê biển ở những đoạn này sẽ bị vỡ bất cứ lúc nào”.
Nói về tình hình sạt lở ngày một nhanh dọc theo tuyến đê biển Tây trong những ngày qua, ông Hoai cho biết, rừng phòng hộ và cả đê bị tác động nhanh và mạnh nhất là vào mùa gió Tây - Nam. Cứ qua 1 mùa mưa bão, đai rừng phòng hộ ven biển (nơi chưa có kè) lại bị khoét sâu, có nơi từ 15-20 m, thậm chí 30 m, thân đê ngày càng bị đe doạ nghiêm trọng hơn. Ðiều đó đồng nghĩa với sản xuất và đời sống của 1.000 hộ dân sống ven theo đê cũng vì thế mà bị đe doạ do tình trạng xâm mặn, nguy cơ vỡ đê…
Ông Trần Văn Hai, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời bộc bạch: “Chỉ còn hơn 10m rừng phòng hộ nữa là biển đã tới chân đê. Bà con nơi đây lo sợ nhất là nếu không may bị đê vỡ thì công sức làm lúa bấy lâu nay xem như mất trắng, lúa mà gặp nước mặn vô thì trắng tay, không còn gì để hy vọng”.
Tập trung bảo vệ đê trước mắt, chờ giải pháp lâu dài
Trước tình hình phát sinh nhiều điểm sạt lở như hiện nay, tỉnh Cà Mau đã tập trung cử người túc trực tại các điểm phát hiện sạt lở 24/24 để kịp thời báo cáo tình hình. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tập trung huy động mọi lực lượng nhằm gia cố bằng kè bản nhựa và cừ tràm để chống sạt lở tạm thời tại những đoạn nguy hiểm để tránh vỡ đê. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế, tạm thời bởi nếu không có giải pháp căn cơ để bào vệ tuyến đê phòng hộ biển Tây - là hành lang bảo vệ trên 26.000 hộ dân và cho gần 130.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng hệ nước ngọt của U Minh, Trần Văn Thời thì rất khó để Cà Mau giữ được nguyên vẹn hệ sinh thái ngọt.
Nói về giải pháp lâu dài, ông Hoai cho biết: “Bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đầu tư hơn 500 tỷ đồng tạm khắc phục sạt lở ven biển tại những điểm xung yếu, với tổng chiều dài hơn 17,2 km, bằng giải pháp kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi... Trong đó, giải pháp kè ngầm chắn sóng tạo bãi (đang thực hiện chiều dài khoảng 10.000 m) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng đánh giá là khá tối ưu. Khảo sát gần đây cho thấy, những đoạn kè ngầm hiện đất bùn đã lắng lọc và bồi tụ, cây rừng như mắm, đước đã tái sinh, phát triển tốt. Chỉ với giải pháp này, việc tái tạo bãi và phục hồi rừng phòng hộ mới hy vọng giữ được các tuyến đê biển.
Tuy giải pháp đã có nhưng điều khó khăn nhất hiện nay chính là kinh phí đầu tư cho mỗi mét kè ngầm quá cao. Trung bình mỗi ki-lô-mét phải đầu tư gần 30 tỷ đồng. Để giảm chi phí đầu tư, tăng số ki-lô-met kè được xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu, chọn giải pháp thay thế đá hộc giữa các hàng cọc bằng cừ tràm và giảm mật độ cọc cặm. Theo cách này, mỗi ki-lô-mét kè ngầm tạo bãi chỉ phải đầu tư 15 đến 20 tỷ đồng. Bằng cách giảm chi phí xuống mức thấp nhất, cùng với nguồn ngân sách từ chương trình nâng cấp đê biển Tây nằm trong chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được Chính phủ phê duyệt, Cà Mau có thể tạm khắc phục những đoạn sạt lở xung yếu.