Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

“Khóc” vì mưa lũ

(08:30:42 AM 18/08/2015)
(Tin Môi Trường) - Trận mưa lũ lịch sử nhất trong 40 năm qua ở Quảng Ninh đã gây ngập lụt nghiêm trọng và hư hại nặng nề cho ngành than. Nhiều máy móc, thiết bị, tài sản của ngành than bị hư hỏng. Tại các kho than, nước lũ đã cuốn trôi hàng tấn than ra ngoài.

Trước nguy cơ tiền bị mất trắng, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chỉ đạo các đơn vị huy động tối đa phương tiện và nhân lực vừa giúp dân khắc phục hậu quả, vừa ra sức cứu than để sớm ổn định sản xuất ngay khi lũ rút. Đồng thời, đảm bảo cung ứng than cho các nhà máy điện và các hộ tiêu thụ.

 

Trận mưa lũ lịch sử nhất trong 40 năm qua ở Quảng Ninh đã gây ngập lụt nghiêm trọng và hư hại nặng nề cho ngành than

Trận mưa lũ lịch sử nhất trong 40 năm qua ở Quảng Ninh đã gây ngập lụt nghiêm trọng và hư hại nặng nề cho ngành than


Xót xa nhìn than…trôi


Đến với vùng than Mông Dương trong ngày mưa lũ. Cả thành phố Cẩm Phả ngập trong biển nước. Dòng sông Mông Dương đen ngòm bởi than. Bất chấp trời mưa, hàng chục máy xúc hai bên bờ sông của tư nhân hoạt động hết công suất xúc than từ dười lòng sông lên. Hai bên bờ suối H5, khu vực Cẩm Phả do có nhiều nhà dân nên máy xúc không thể tiếp cận, người dân hai bên bờ tràn ra dùng máy lọc than để hút, lọc.


Chị Hoàng Thị Tươi, thành phố Cẩm Phả cho biết, đã nhiều năm nay làm nghề này nhưng chị chưa thấy năm nào lượng than trôi ra sông lại nhiều như vậy. Nhiều hộ dân tranh thủ, cố gắng kiếm thêm thu nhập. Than "mót" lên lẫn nhiều bùn, chất lượng không tốt chỉ có thể làm than đốt như than bùn, than tổ ong. Số than này cung ứng làm chất đốt cho các vùng nên được nhiều tư thương mua lại vì giá rẻ hơn mua than sạch rất nhiều. Còn ông Nguyễn Quang Lân cũng ở thành phố Cẩm Phả cho hay, nếu như chúng tôi không “mót” thì sẽ rất lãng phí vì than sẽ trôi hết ra biển.


Theo ước tính của một người dân, trung bình một gia đình khoảng 4 người mỗi ngày mót than cũng có thu nhập khoảng vài triệu đồng. Những người có điều kiện hơn thì thuê máy xúc, lượng than “mót” được sẽ nhiều hơn và từ đó họ sẽ có thu nhập hàng chục triệu đồng. Vì vậy, họ đã tranh thủ tận dụng tối đa cơ hội này để có thể “kiếm thêm”. Mặc dù biết là rất nguy hiểm nhưng vì mưu sinh, người dân ở đây bất chấp tính mạng, trầm mình dưới làn nước đen ngòm để xúc than. Các lực lượng chức năng cũng không thể làm gì được bởi số lượng người “mót than” quá lớn.


Trả lời câu hỏi tại sao ngành than không dùng phương tiện để thu gom lại số than trôi này, đại diện Mỏ than Mông Dương cho biết, than khi trôi ra ngoài sông sẽ lẫn nhiều tạp chất nên chất lượng kém không đảm bảo cung ứng cho bạn hàng. Trong khi đó, các mỏ của ngành than cũng đang trong tình trạng nguy cấp. Vì vậy, ngành cũng đang tập trung để “cứu mỏ” nên thà để cho người dân “mót than” còn hơn là để than trôi hết ra biển.

 

Nhiều máy móc, thiết bị, tài sản của ngành than bị hư hỏng

Nhiều máy móc, thiết bị, tài sản của ngành than bị hư hỏng- Ảnh: TL

 

Dồn lực “cứu” mỏ


Theo thống kê sơ bộ Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, đợt mưa lớn vừa qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của tất cả các đơn vị thành viên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là tại hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả. Mưa lũ ập xuống không chỉ cuốn trôi hàng ngàn tấn than các loại mà còn gây ngập úng nặng nề cho các mỏ lộ thiên, hầm lò của tất cả các đơn vị khai thác, sàng tuyển, kho vận ở Quảng Ninh.


Một số đơn vị khai thác than hầm lò bị ngập sâu như Quang Hanh, Mông Dương và Hòn Gai. Một số đơn vị khai thác than lộ thiên bị ngập moong, thiết bị, máy móc bị vùi lấp, sạt lở bờ kè, chân bãi thải, đập ngăn đất đá. Các đơn vị sàng tuyển, kho vận, cảng, do mưa lớn, lượng đất đá trôi lấp làm các kho than bị ngập. Một số tuyến đường sắt, đường vận tải than cũng bị vùi lấp, sạt lở nhiều đoạn làm chia cắt giao thông. Về thiệt hại, đến nay chưa thống kê hết, nhưng ước tính tổng thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng. Đó là chưa kể mưa lớn kéo dài đã làm cho sản xuất của các đơn vị thuộc Tập đoàn trên địa bàn Hạ Long và Cẩm Phả bị ngưng trệ và tê liệt hoạt động, phải ngừng sản xuất.


Công ty Than Mông Dương là mỏ hầm lò chịu tổn thất nặng nề nhất của Tập đoàn trong đợt mưa lũ. Công ty phải dừng toàn bộ hoạt động sản xuất để tập trung khắc phục sự cố. Do lượng nước đổ vào lò tăng, cùng với sự hỗ trợ của Tập đoàn, Công ty đã lắp đặt bổ sung các thiết bị bơm tại các khu vực đường lò ngay khi tiếp cận được nhằm đẩy nhanh tiến độ bơm thoát nước. Công ty quyết tâm bằng mọi giá kiểm soát được mực nước ở mức -97,5m. Dự kiến, kế hoạch xử lý sự cố phải hết tháng 11 mới thực hiện xong.


Còn Công ty Than Hòn Gai lại bị thiệt hại nặng cả về sản xuất lộ thiên lẫn hầm lò. Khu vực lòng moong khai thác lộ thiên bị khoảng 300.000m3 đất đá vùi lấp. Hệ thống kè, cống, mặt bằng công nghiệp cũng bị khoảng 200.000 m3 đất đá vùi lấp. Tuyến đường liên lạc trong mỏ bị phá vỡ hoàn toàn; khu vực cửa lò +65 cũng bị vùi lấp bởi đất đá. Công ty phải mất 15-20 ngày khắc phục mới khôi phục được sản xuất.


Trước những thiệt hại trên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn cho biết, thiên tai là điều không mong muốn với tỉnh Quảng Ninh cũng như với ngành than. Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tối đa mọi nguồn lực cho công tác phòng chống, khắc phục, xử lý hậu quả của mưa lũ, khôi phục sản xuất, nhất là các đơn vị bị ảnh hưởng lớn. Theo đó, các đơn vị triển khai đồng thời nhiệm vụ vừa kiểm soát, vừa khắc phục thiên tai và khôi phục sản xuất. Quá trình triển khai rất thận trọng, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Các đơn vị tập trung công tác cứu hộ các mỏ than hầm lò, bơm thoát nước; bảo vệ các kho than và tài sản; huy động thiết bị phương tiện ngăn chặn tối đa đất đá trôi, chống sạt lở các bãi thải.


Công ty Môi trường và các đơn vị huy động thiết bị khai thông các tuyến đường vận chuyển; công tác hậu cần đảm bảo nhiên liệu, điện, thông tin liên lạc thông suốt; chủ động ứng cứu, xử lý các sự cố kịp thời. Tập đoàn cũng phối hợp với địa phương trong công tác cứu hộ, thăm hỏi gia đình công nhân bị nạn tại khu dân cư do sạt lở đất. Việc chủ động xây dựng các phương án xử lý các tình huống, ứng cứu sự cố; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực tại các vị trí xung yếu đã giúp Tập đoàn không có thiệt hại về người.

Đỗ Thảo Nguyên