Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chảy máu dược liệu

(19:34:06 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Lạng Sơn có nhiều cây dược liệu quý hiếm, mọc tự nhiên trên đồi, núi. Người dân bản địa đang thi nhau chặt hạ, tróc tận rễ các loài cây dược liệu tự nhiên đem bán cho tư thương xuất qua biên giới.

 

Lên núi hái cút mây Ảnh: Đông Bắc.

 

Tận diệt ở Mẫu Sơn

 

Mẫu Sơn được ví như vành đai xanh giữa Việt Nam và Trung Quốc, bao gồm hàng trăm quả núi lớn, nhỏ. Đồng bào nơi đây chủ yếu dựa vào rừng để sinh sống. Những cánh rừng nguyên sinh lùi dần vào các khe núi sâu, các cây leo, cây bò còn sót lại, cũng được tận dụng để đem bán.

 

Bùng bay là loài cây rừng có đường kính thân từ 5 đến 15 cm, mọc nhiều trên Mẫu Sơn, có tác dụng làm thuốc chữa các bệnh đau bụng, thấp khớp, người dân địa phương hái cây về, thái thành miếng, ngâm rượu uống, hoặc sắc thành thuốc chữa bệnh. Gần đây, tư thương dưới chân núi đặt mua với giá trên một nghìn đồng/kg, gom hàng mang sang chợ Ái Điểm (Trung Quốc) bán kiếm lời.

 

Góp mặt cùng dân bản địa, một số lâm tặc ở các xã Xuân Lễ, Bằng Khánh (huyện Lộc Bình) mang dao, rìu đến khai thác. Họ còn lôi kéo phụ nữ, trẻ em tham gia, mỗi ngày hàng chục người leo rừng, lấy cây về bán. Ông Triệu Chằn Sìn, Trưởng thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn cho biết: Hằng ngày, tiếng xe mô tô vang vọng vách núi, cứ tưởng khách du lịch, ai ngờ họ lên “hôi của” rừng. Gần đây, họ lại lên núi săn cây cút mây. Cây này, bên Trung Quốc vừa bắn tiếng đặt mua, dân thi nhau tìm kiếm.

 

Theo chân một người trung niên dân tộc Dao, chúng tôi ngược núi, tìm cây. Anh ta thoăn thoắt bới từng góc núi, rồi reo lên, giới thiệu: “Cây cút mây như những dây tơ hồng chằng chịt vắt ngang ngọn cây, bò dưới đất, lan vào các khe đá. Vậy nên, lấy được cút mây, phải kéo đổ hàng loạt cây khác”. Theo tính toán của anh Đ., người có thâm niên đi rừng kiếm dược liệu, hiện một cân cút mây có giá trên 2 ngàn đồng. Mỗi ngày may mắn cũng kiếm được 25 cân. Thấy được tiền, dân đi từng đoàn lên núi như duyệt binh.

 

Người em họ của Đ. cũng lên rừng, nhưng lại đi tìm cây Sa mạ (tai ngựa). Ngày trước dân hái Sa mạ về nấu cơm, nhưng nghe nói, bên Trung Quốc đã sơ chế thành thuốc chống ung thư, họ mua cả cây, lá và rễ.

 

Trưởng bản Khuổi Cấp, ông Triệu Sằn Sìn trăn trở: Mẫu Sơn với những cánh rừng nguyên sinh, có những loài cây đặc hữu. Gần đây, dân lại kháo nhau đi tìm cây sặt. Sặt thuộc họ cây trúc rừng, thân thẳng và chắc, sống nơi khí hậu mát mẻ. Cây phát triển chậm nhưng chắc và tươi tốt quanh năm. Tư thương ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh đến tổ chức thu gom để bán cho nhà máy chế biến giấy hoặc xuất khẩu. Nhiều nhóm người rủ nhau lên rừng thuộc thôn Khuổi Cấp, Bản Tẳng, Lặp Pịa (huyện Lộc Bình), núi Cha (huyện Cao Lộc), săn lùng dược liệu để bán. Những cánh rừng trở nên xác xơ.

 

San phẳng đồi sim

 

Một người phụ nữ dân tộc Nùng, tên là Hoàng Thị Yên hăm hở dẫn chúng tôi đến khu vực thôn Long Đầu (xã Yên Khoái, Lộc Bình). Khu vực này cách cửa khẩu Chi Ma chừng mười cây số, có nhiều khe lạch, đồi mâm xôi. Thác Long Đầu là một nơi lý tưởng cho giới trẻ píc níc. Gần đây, người dân địa phương không đến đây để tắm, nghỉ dưỡng, mà săn lùng cây sim mọc tự nhiên, bán sang Trung Quốc.

 

Chị Yên bảo, khi cày cấy ruộng nương xong, chị cũng tham gia vào đội quân đi đào cây sim. Mới đây, tư thương tăng giá lên 1.500 đồng/kg. Rễ sim bán đắt hơn cả, hằng ngày từng tốp vài chục người mang thuổng, dao tới các khu đồi đào rễ sim. Trên đường đi, chi chít các hố sâu hoắm do người dân đào bới gốc sim để lại. Ông D. hằng ngày đào được khoảng 200 kg rễ sim, cho biết: “Ngày trước, đào trước cửa nhà cũng có cái ăn, bây giờ phải đi sâu tít vào khe núi, cách nhà 7-8 km, mới có cây sim ”. Sau khi đào rễ tươi về, ông D. cùng vợ con thái thành từng lát nhỏ, phơi cho se khô rồi đóng vào bao, thuê xe công nông chở sang chợ Ái Điểm (Trung Quốc) bán.

 

Sim có tác dụng rất tốt để chữa các bệnh về tim, mạch. Cây sim rừng chứa nhiều chất sắt, rễ, thân, lá, hoa đều dùng được để giải độc, cầm máu. Quả ăn tươi, hoặc làm rượu bổ, chữa bệnh tiêu chảy.

 

 

Gom cây đem bán .

 

Dược liệu quý mất dần

 

Nhìn cánh tay chằng chịt vết sẹo trên tay anh Đ., một người Dao nom lam lũ, chúng tôi không khỏi ái ngại. Anh bảo, đó là do gai cút mây cào. Người cùng bản với anh Đ., chị Hà Thị Tập cho biết, ở bản, có người mới đi rừng, chưa lấy được nhánh thảo dược nào đã trượt chân ngã gãy chân tay, có người bị ong đốt, rắn cắn, phải nằm viện.

 

Theo lời ông Hoàng Phúc Lỷ, Chủ tịch UBND xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, xã Công Sơn tổ chức lực lượng dân quân đến nhắc nhở, thuyết phục, răn đe. Họ “lẩn” vào rừng, khi lực lượng chức năng rút đi, lại ra chặt cây. Phó Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Lộc Bình, Vi Văn Kỷ cho biết, từng có nhiều loại cây người ta thu mua tận gốc trốc rễ đến khi ngành dược liệu cần đến thì chẳng còn. Theo ông Kỷ, cơ quan chức năng cần có những văn bản cụ thể nhằm giữ rừng, đảm bảo tính đa dạng sinh học. Còn bây giờ, rất khó cấm đoán người dân lên núi.

 

Chiều 25-5, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Toàn, Chi cục phó Hải quan cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình), cho hay, đơn vị ít làm thủ tục cho những lô hàng xuất khẩu dược liệu lớn. Còn việc bà con mang vác từng bó, gánh nhỏ lẻ theo dạng xuất cảnh cư dân biên giới, thì lực lượng Hải quan không thể kiểm soát được.

 

Kỹ sư Hoàng Lê Minh, Giám đốc Cty giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc không khỏi lo lắng cho rằng, hiện tượng dân lên rừng khoét núi đồi, tìm cây bán qua biên giới là điều đáng báo động, bởi vì đó là hành vi Ăn tài nguyên, ăn phần của tương lai, trong khi đó Lạng Sơn lại chưa có những chế tài, biện pháp nào để ngăn chặn. Cũng theo lời của kỹ sư Minh, chúng ta đang suy kiệt tài nguyên, các loại dược liệu tốt chảy qua biên giới, nó được sơ chế rồi lại được nhập về Việt Nam với giá cao gấp nghìn lần. Nhưng điều tai hại hơn, một số loài dược liệu quý đã mất dần trên bản đồ nước ta. Đã đến lúc, Lạng Sơn cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể, loài cây nào được phép xuất khẩu, loài cây nào không. Nếu không làm được việc này, chúng ta sẽ bị sa mạc hóa trong tương lai!

 

Ông Triệu Chòi Hình, Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn cho biết: Mẫu Sơn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 320ha và chỉ có khoảng 80ha ruộng cấy được lúa, trong đó diện tích đất 2 vụ cũng chỉ chiếm khoảng 20ha. Chưa có công trình thủy lợi lớn để phục vụ tưới tiêu cho toàn khu vực, vì vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. 

 

 

Theo Nguyễn Duy Chiến/TP