Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xóa lò gạch thủ công – bài toán khó ở Đồng Nai

(21:23:31 PM 15/08/2015)
(Tin Môi Trường) - Thủ tướng Chính phủ đã quy định các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, nơi tập trung đông dân cư phải loại bỏ lò gạch thủ công (đất sét nung) vào cuối năm 2017. Thời hạn chót đã gần kề, song tại Đồng Nai, gần 130 lò gạch đất sét nung vẫn ngày đêm nhả khói, không bị dẹp bỏ.

 

Sự tồn tại của loại lò gạch này tiếp tục gây hại cho môi trường, làm tổn thương sức khỏe người dân, tiêu hao một lượng lớn tài nguyên đất.


Tại nhiều tỉnh, thành, lò gạch thủ công thường được xây dựng ở vùng nông thôn, xa khu dân cư, trái lại, ở Đồng Nai, những địa phương đông dân cư như huyện Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, thành phố Biên Hòa lại là thủ phủ sản xuất gạch đất sét nung. Riêng trên địa bàn xã Bắc Sơn (Trảng Bom) hiện có 7 lò gạch, ở xã An Hòa (thành phố Biên Hòa) có đến 24 lò gạch đang hoạt động.


Theo tìm hiểu của phóng viên, các lò gạch ở xã Bắc Sơn, xã An Hòa hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, mỗi lò có tổng diện tích hàng nghìn mét vuông với hàng chục công nhân làm việc. Các lò này hoạt động liên tục 24/24 giờ. Một số lò chỉ cách nhà dân gần 10 m. Nhiều lò gạch sử dụng cả rác thải công nghiệp như nhựa, vải vụn, để đốt lò. Khói từ các chất đốt này kèm theo mùi hôi, khiến không khí bị ô nhiễm trầm trọng.


Bà Nguyễn Thị Lan (ấp 1, xã An Hòa) bức xúc: Dân ở đây ngày lại ngày sống chung với khói bụi, nhiều người mắc bệnh về đường hô hấp. Đường dân sinh trong ấp bị xe chở đất, chở gạch cày xới, băm nát. Mùa nắng bụi mù trời, đa số các hộ dân phải đóng kín cửa. Mùa mưa đường lầy lội, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Trong cách đợt tiếp xúc cử tri, dân liên tục phản ánh tình trạng này nhưng đến nay mọi thứ vẫn không thay đổi.


Chủ một doanh nghiệp sản xuất gạch thủ công ở ấp 1, xã An Hòa cho biết, thông tin di dời hoặc đổi mới công nghệ làm gạch để đảm bảo môi trường doanh nghiệp đã nắm được, nhưng các cấp chính quyền Đồng Nai chưa làm việc cụ thể với doanh nghiệp. Để đóng cửa lò gạch đất sét nung, doanh nghiệp cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị, Nhà nước cũng phải đề ra cơ chế hỗ trợ thích hợp giúp doanh nghiệp tái sản xuất.


Theo ông Tăng Văn Giác, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, các lò gạch đất sét nung trên địa bàn xã hình thành từ hàng chục năm trước, sự tồn tại của lò gạch đã tạo việc làm cho nhiều lao động, đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng. Về quy định loại bỏ lò gạch thủ công của Chính phủ, xã rất đồng tình, song xã không biết cụ thể việc thực hiện chủ trương này nên chưa có giải pháp xử lý dứt điểm đối với các lò gạch. Thời gian qua, xã vẫn thường tổ chức kiểm tra, nhắc nhở chủ lò gạch chấp hành các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý đối với những hành vi sai phạm.


Việc khuyến khích, phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung là một chủ trương đúng của Chính phủ. Điều này nhằm tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội. Tuy nhiên, loại bỏ lò gạch thủ công đang là bài toán khó ở Đồng Nai.


Lãnh đạo Sở Xây dựng Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân chính là nguồn cung cấp gạch chất lượng cao để thay thế gạch đất sét nung còn ít, trong khi đó nhu cầu đối với loại vật liệu xây dựng này rất lớn. Các lò gạch thủ công giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngoài ra, khi xóa bỏ lò gạch thủ công, các doanh nghiệp (đang sản xuất gạch) sẽ cần những cơ chế hỗ trợ để họ chuyển sang sản xuất theo công nghệ lò tuynel hoặc các lò công nghệ tiên tiến khác.


Thống kê của Sở Xây dựng Đồng Nai cho thấy, nhu cầu sử dụng gạch của Đồng Nai là 1,3 tỷ viên/năm, nhưng hiện gạch không nung chỉ mới sản xuất đạt 130 triệu viên/năm. Để đóng cửa tất cả lò gạch đất sét nung theo đúng lộ trình Chính phủ đề ra, từ nay đến năm 2017, Đồng Nai sẽ phải đầu tư khoảng 60 dây chuyền sản xuất gạch không nung, mỗi dây chuyền có công suất 16 triệu viên/năm – 17 triệu viên/năm. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai phải kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các công trình sử dụng vốn Nhà nước phải dùng 50% gạch không nung.


Hiện Đồng Nai vẫn đang thực hiện chương trình vật liệu xây dựng không nung theo lộ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, ngay những doanh nghiệp làm gạch thủ công cũng không biết cụ thể họ sẽ di dời đến đâu hay chuyển đổi công nghệ ra sao. Tiến trình này nếu không được cải thiện, nhiều khả năng đến hết năm 2017, Đồng Nai vẫn tồn tại lò gạch đất sét nung trong khu dân cư.

Công Phong