Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Ngô Tiến Dũng – Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm vùng 4 phát biểu
Khai mạc khóa tập huấn, ông Ngô Tiến Dũng – Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm vùng 4 cho biết: Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp Việt nam, tạo được sự chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng ngày càng tăng, đạt độ che phủ trên cả nước là 41% .
Tuy số vụ vi phạm lâm luật giảm đáng kể nhưng vẫn còn nhiều điểm nóng, việc chuyển đổi tái cơ cấu các Công ty lâm nghiêp còn nhiều vấn đề bất cập khó khăn, phức tạp dẫn dến diện tích rừng bị xâm hại, làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên. Tình trạng này dẫn đến vùng phân bố của các loài động vật hoang dã bị ảnh hưởng và nguy cơ bị bắt rất lớn. Trong khi đó công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm buôn bán động vật hoang dã ngày càng phức tạp khi các đối tượng dùng thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Theo thống kê của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 5 năm qua đã xảy ra 5.376 vụ vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ ĐVHD quý hiếm trên cả nước, bình quân mỗi năm xảy ra khoảng 1.095 vụ. Số động vật hoang dã và động vật rừng nguy cấp, quý hiếm tịch thu từ các vụ vi phạm bị phát hiện trên cả nước khoảng gần 60 nghìn con các loại. Tuy nhiên, số liệu này chưa đầy đủ bởi thực tế còn nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD chưa bị phát hiện, bắt giữ.
Xác định công tác khắc phục những tồn tại, hạn chế bất cập để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng chức năng đáp ứng yêu cầu quản lý lâm nghiệp trên địa bàn là nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2014 – 2020, Chi cục kiểm lâm vùng IV đã cùng Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) – Chương trình Việt Nam tổ chức khóa tập huấn cho 30 học viên là các cán bộ đến từ các cơ quan kiểm lâm, hải quan, cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường và bộ đội biên phòng của hai tỉnh Đăk Nông và Bình Phước, nhằm đóng góp xây dựng khung pháp lý liên quan đến kiểm soát buôn bán ĐVHD trái phép. Phần quan trọng trong khóa tập huấn này là củng cố kỹ năng của các học viên trong việc định danh loài, các bộ phận và sản phẩm ĐVHD thường bị buôn bán trái phép; Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến động vật hoang dã; các kỹ năng điều tra, xử lý liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã; xây dựng được kế hoạch truy quét trong thực tế triển khai tại hiện trường. Điều này sẽ hỗ trợ có hiệu quả trong việc đấu tranh với tội phạm buôn bán ĐVHD tại các địa phương.
Trong khóa tập huấn, các cán bộ thực thi pháp luật đã được các chuyên gia từ Viện sinh thái học miền Nam, Thảo cầm viên Sài Gòn và Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP) hướng dẫn định danh hàng trăm loài và sản phẩm ĐVHD thuộc bốn nhóm linh trưởng, thú móng guốc, thú ăn thịt nhỏ và bò sát, mô tả bằng hình ảnh và bằng chỉ dẫn làm nổi bật các đặc điểm nhận dạng để có thể xác định nhanh, cơ bản mẫu vật thuộc loài nào mà chưa cần có kiến thức chuyên sâu về loài.
Ông Ngô Tiến Dũng đánh giá cao chất lượng của khóa tập huấn và khẳng định đây là cơ hội để các học viên củng cố và tăng cường kiến thức và kỹ năng liên quan, mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan chức năng trong hai tỉnh Đăk Nông-Bình Phước cũng như trong phạm vi 11 tỉnh của Chi cục kiểm lâm vùng IV. Đây là tiền đề góp phần hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm thực hiện thành công Đề án kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm lâm giai đoạn 2014 – 2020 theo quyết định số 1920/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 24/10/2014.
Một số hình ảnh của khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực về nhận dạng loài, các sản phẩm động vật hoang dã:
Sử dụng internet để tìm kiếm thông tin liên quan đến tội phạm buôn bán ĐVHD
Thảo luận nhóm về các khung pháp lý liên quan đến ĐVHD
Thảo luận, hỏi đáp về công tác thực thi pháp luật
Thực hành nhận diện loài
Trao đổi, trình bày các khung pháp lý
Theo báo cáo: “Đánh giá một số tác động về môi trường, kinh tế và xã hội của chính sách về buôn bán động, thực vật hoang dã ở Việt Nam” được thực hiện bởi Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam năm 2007: Tổng doanh thu hàng năm từ buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam là khoảng 66 triệu USD. Chính lợi nhuận khổng lồ này đã khiến cho công tác đấu tranh chống lại các hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã nguy cấp ở Việt Nam trở nên phức tạp. Các nghiên cứu ước tính rằng, số vụ bắt giữ, tịch thu động vật hoang dã bị buôn bán bất hợp pháp hằng năm chỉ chiếm dưới 20% con số thực tế. Từ đó có thể thấy rằng, mỗi năm hàng ngàn tấn động vật hoang dã khác bị tiêu thụ trong nước hoặc bị buôn lậu ra nước ngoài.