Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thiếu trường lớp - bài toán chưa có lời giải tại Đồng Nai

(08:41:21 AM 13/08/2015)
(Tin Môi Trường) - Đồng Nai là một trong những tỉnh công nghiệp phát triển nhất với 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút trên 850 nghìn công nhân lao động, thu ngân sách luôn đạt từ 35 nghìn - 36 nghìn tỷ đồng mỗi năm gần đây. Kinh tế phát triển, song ngành giáo dục không được đầu tư tương xứng dẫn đến tình trạng thiếu trường lớp, nhiều nơi học sinh vẫn phải học ca 3.

Thiếu trường lớp - bài toán chưa có lời giải tại Đồng Nai

Thiếu trường lớp - bài toán chưa có lời giải tại Đồng Nai- Ảnh minh họa: TL


Năm học 2015 - 2016, thành phố Biên Hòa sẽ có trên 190 nghìn trẻ mầm non, học sinh tiểu học và trung học cơ sở, tăng trên 8.500 học sinh so với năm học trước. Tuy nhiên, năm học này, thành phố chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 công trình trường học với tổng số 37 phòng học, chỉ có khả năng tiếp nhận khoảng 1.500 học sinh.

Thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho thấy, năm học 2015 - 2016, Biên Hòa sẽ có trên 5.700 học sinh sẽ phải dồn lớp hoặc phải học ca 3. Dự kiến, toàn thành phố có 58 lớp ở 5 trường tiểu học phải học ca 3, trong đó, đông nhất là Trường tiểu học Trảng Dài với 27 lớp. Ngoài ra, hiện các Trường tiểu học An Bình, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu đang đề xuất mượn phòng hội đồng để làm phòng học, nếu đề xuất này không được chấp thuận, có 11 lớp của 3 trường sẽ phải học ca 3.

Theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bình quân mỗi lớp có 35 học sinh, tuy nhiên, ở thành phố Biên Hòa, những trường tiểu học như Lý Thường Kiệt, Quang Vinh có sĩ số bình quân trên 55 học sinh. Đặc biệt, Trường tiểu học Trịnh Hòa Đức có tới 59 học sinh/lớp. Ở bậc trung học cơ sở, tình trạng học 3 ca không xảy ra nhưng do học sinh năm sau luôn cao hơn năm trước (năm học 2015 - 2016 tăng 3.000 học sinh so với năm 2014 - 2015) nên hàng loạt trường như Hoàng Diệu, Quyết Thắng, Lê Lợi… phải dồn lớp, học sinh trung bình trên 50 em/lớp.

Cô Trần Thị Thu Thùy, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Trảng Dài chia sẻ: Phường Trảng Dài có 2 trường tiểu học nhưng chỉ có 1 trường trung học cơ sở, học sinh tốt nghiệp 2 trường tiểu học đều học ở Trường trung học cơ sở Trảng Dài. Hiện trường đã tiếp nhận trên 1.000 học sinh vào lớp 6, trong khi số học sinh lớp 9 ra trường chỉ có 570 em. Để có đủ chỗ cho học sinh, Trường buộc phải dồn lớp, nâng số học sinh lên 56 em/lớp.

Tại thành phố Biên Hòa, không chỉ cấp tiểu học, trung học cơ sở gặp khó khăn về trường lớp mà hơn 10 năm qua, việc đầu tư cho các trường mầm non công lập cũng bị lãng quên. Nhiều trường mầm non đã xây dựng trên 20 năm, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng song không được sửa chữa, riêng phường Thống Nhất và Long Bình hiện vẫn chưa có trường mầm non công lập. Những bất cập này do Nhà nước quy định chỉ ưu tiên ngân sách để thành lập và xây dựng mới các cơ sở giáo dục mầm non ở nông thôn, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn. Thiếu trường mầm non công lập nên hàng ngàn gia đình phải gửi con ở các nhóm trẻ tư thục, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ không được đảm bảo.

Ông Bùi Văn Phương, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Biên Hòa cho biết: Tình trạng học ca 3 ở Biên Hòa đã diễn ra từ nhiều năm qua, nguyên nhân do thành phố tập trung đông công nhân lao động, trong khi đó trường lớp xây dựng không đáp ứng được yêu cầu. Học sinh đông khiến nhiều trường phải dồn lớp, sĩ số học sinh quá cao ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giáo dục.

Theo ý kiến của nhiều người, kinh tế Đồng Nai phát triển thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của của tầng lớp công nhân. Bằng lao động trực tiếp, công nhân tạo ra của cải vật chất cho xã hội, con em họ vì thế cần được quan tâm, việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục ở Đồng Nai chính là đầu tư cho sản xuất, giúp công nhân yên tâm lao động, tạo sự công bằng trong xã hội.

Để giải bài toán trường lớp, thành phố Biên Hòa đã phê duyệt 20 dự án sửa chữa, xây mới trường tiểu học và trung học cơ sở, song hằng năm kinh phí cấp chỉ 200 tỷ đồng nên mỗi năm thành phố chỉ xây mới được khoảng 3 trường học.

Theo ông Phạm Anh Dũng, quyền Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa, để đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, Biên Hòa đang rất cần cơ chế để hỗ trợ về vốn ngoài nguồn ngân sách được giao theo kế hoạch hàng năm. Thành phố kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi đất của các dự án đã giao cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả để điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch đất cho giáo dục; đẩy mạnh việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục, huy động các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức xây dựng trường học.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cho rằng, việc quá tải ở các trường trên địa bàn Biên Hòa đã tồn tại nhiều năm qua. Hiện Sở đang phối hợp cùng thành phố tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng các trường tiểu học, trung học cơ sở ở những nơi tập trung đông công nhân lao động như phường Long Bình, Trảng Dài, xã Phước Tân, An Hòa. Để giải quyết tình trạng này, thời gian tới, Đồng Nai sẽ đầu tư mạnh hơn cho việc xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất; đề ra chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập; kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng trường học phục vụ con công nhân.

Công Phong