Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đắk Lắk gặp khó trong việc phát triển cây ca cao

(16:50:59 PM 12/08/2015)
(Tin Môi Trường) - Từ năm 2011, tỉnh Đắk Lắk đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển cây ca cao, với mục tiêu đến năm 2015 đưa diện tích ca cao lên 6.000 ha; trong đó có 2.000 ha cho thu hoạch. Thế nhưng, đến nay, tỉnh chỉ mới có hơn 2.000 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch 1.469 ha, với năng suất đạt bình quân 12,71 tạ hạt khô/ha, sản lượng đạt 1.867 tấn hạt khô lên men.

Đắk Lắk gặp khó trong việc phát triển cây ca cao

Đắk Lắk gặp khó trong việc phát triển cây ca cao - Ảnh minh họa: TL

 

Đắk Lắk là một trong những địa phương có nhiều diện tích cây ca cao so với cả nước, chỉ đứng sau tỉnh Bến Tre. Diện tích cây ca cao phát triển ở 14/15 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, huyện Ea Kar là địa phương có diện tích cây ca cao nhiều nhất, với 793 ha. Phần lớn diện tích ca cao ở Đắk Lắk được đồng bào các dân tộc trồng bằng các giống ghép đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.


Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, cây ca cao có mặt ở Đắk Lắk từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ XX trồng xen ở một số đồn điền cao su, cà phê, nhưng mới chỉ ở dạng trồng thử, chưa trở thành hàng hóa, chưa có thị trường. Từ năm 1997 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương phát triển cây ca cao ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa bàn không thuận lợi trong việc phát triển cây cà phê nhằm đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc. Thế nhưng, thực tế, cây ca cao vẫn chưa thu hút được đồng bào các dân tộc. Một trong những nguyên nhân đó là do cách tiếp cận để hoạch định, định hướng phát triển cây ca cao không phù hợp; thiếu các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho việc phát triển ca cao, nhất là vấn đề về vốn đầu tư, khó tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng; đồng bào chưa quen với kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế cây ca cao. Là cây trồng mới đối với đồng bào các dân tộc nhưng hay bị các loại sâu bệnh, côn trùng gây hại, quả ca cao chín thường bị các loài gặm nhấm ưa thích cắn phá, giá cả không ổn định nên gây tâm lý e ngại cho người trồng...


Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk rà soát lại quy hoạch phát triển ca cao xác định quy mô sản xuất theo nhu cầu của thị trường, không phát triển theo phong trào. Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh Đắk Lắk chủ trương các vùng trồng ca cao cần lồng ghép với các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững khác để có định hướng đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ca cao bền vững. Tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức nghiên cứu kỹ hơn về cây ca cao, tiếp tục đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống ca cao có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với các vùng sinh thái, nghiên cứu quản lý tổng hợp; có chính sách về tổ chức ngành hàng, chính sách hỗ trợ cho phát triển ca cao nông hộ, chính sách hỗ trợ chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng ca cao…

Quang Huy