Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nông dân Trà Vinh phá bỏ gần 500 ha mía Tin mới nhất

(10:59:17 AM 11/08/2015)
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ năm 2012 đến nay, ở vùng mía nguyên liệu tỉnh Trà Vinh, nông dân đã phá bỏ gần 500 ha mía để chuyển sang nuôi trồng cây con khác do giá mía liên tục giảm, người trồng không có lãi.

 Nông dân Trà Vinh phá bỏ gần 500 ha mía

 Nông dân Trà Vinh phá bỏ gần 500 ha mía


Nguyên nhân chính xảy ra tình trạng trên là từ năm 2011 đến nay, giá mía nguyên liệu không ổn định và luôn đứng ở mức thấp, mía loại 10 chữ đường (10 CCS) chỉ dao động từ 885 đến 992 đồng/kg. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp, công lao động, cước vận chuyển… năm sau cao hơn năm trước từ 10% trở lên. Hơn nữa, các hộ trồng mía cho rằng, họ bị thiệt thòi do chữ đường trong cây mía ít khi đạt được 10 chữ đường (chỉ đạt từ 7 đến 8), cứ giảm 1 chữ đường họ phải chịu mất thêm tiền; trong khi đó, việc định chữ đường đều do cán bộ nhà máy đường Trà Vinh quyết định…

Ông Tăng Văn Nhường, ấp Vịnh, xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú) cho biết, trước đây, kinh tế gia đình ông chủ yếu dựa vào 0,5 ha đất trồng mía. Từ niên vụ mía 2011- 2012 do giá mía quá thấp, tuy năng suất đạt khá cao, từ 120 đến 130 tấn/ha/vụ nhưng thu lãi chẳng bao nhiêu. Thấy cá hộ nuôi cá lóc ở xã Định An (huyện Trà Cú) có lãi khá, ông quyết định vay tiền ngân hàng thuê cơ giới phá bỏ mía, đào ao nuôi cá lóc… Liên tiếp trong 2 vụ nuôi đầu tiên, năm 2013- 2014, gia đình ông lãi ròng gần 200 triệu đồng. Riêng vụ nuôi 2015, gia đình ông vừa mới thu hoạch xong trên 15 tấn cá thương phẩm, bán tại ao cho thương lái giá 38.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu được hơn 90 triệu đồng tiền lãi.

Cũng tại xã Lưu Nghiệp Anh, ông Sơn Cưa, ngụ ấp Mộc Anh quyết định chuyển 0,7 ha đất trồng mía sang trồng lúa cho rằng, tuy giá lúa không cao nhưng nếu đạt năng suất 5-6 tấn/ha/vụ, 3 vụ lúa trong năm nông dân có thể thu lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, trồng lúa đỡ vất vả và hiệu quả hơn so với trồng mía.

Ông Sơn Nê, Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Nghiệp Anh cho biết, toàn xã có khoảng 1.800 ha chuyên trồng mía, năng suất đạt từ 110 đến 130 tấn/ha/vụ. Tuy vậy, do 4 năm qua giá mía nguyên liệu luôn đứng ở mức thấp, hộ nào trồng giỏi lắm cũng chỉ thu lãi được khoảng 3 triệu đồng/ha, sau gần 1 năm trồng, số hộ còn lại là hoà vốn hoặc thua lỗ. Vì thế, kể từ năm 2012 đến nay, nhiều nông dân đã đầu tư cải tạo chuyển khoảng 105 ha đất trồng mía sang trồng lúa hoặc nuôi cá lóc và tập trung chủ yếu ở các ấp Mộc Anh, Lưu Cừ I, Long Hưng…

Niên vụ mía 2015- 2016 nông dân tỉnh Trà Vinh chỉ trồng khoảng 4.300 ha, giảm hơn 200 ha so vụ trước; trong đó, huyện Trà Cú chiếm hơn 4.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Lưu Nghiệp An, Đại An, Tân Sơn, Tập Sơn và Kim Sơn. Nhằm đáp ứng đủ mía nguyên liệu cho nhà máy đường Trà Vinh có công suất chế biến 2.650 tấn mía cây/ngày, tỉnh Trà Vinh đã quy hoạch vùng mía nguyên liệu khoảng 8.000 ha; tập trung tại 3 huyện Trà Cú, Tiểu Cần và Duyên Hải. Tuy vậy, do liên tiếp 4 vụ liền giá mía nguyên liệu luôn đứng ở mức thấp, khiến nhiều nông dân đang “đua” nhau phá bỏ mía để nuôi, trồng cây con khác. Tuy Công ty Mía đường Trà Vinh cùng ngành nông nghiệp địa phương đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp “cứu” cây mía nhưng xem ra “lực bất tòng tâm”. Nếu giá mía nguyên liệu tiếp tục đứng ở mức thấp, người trồng mía thu không đủ bù chi, vùng mía nguyên liệu của tỉnh tiếp tục bị thu hẹp và hệ luỵ là nhà máy đường Trà Vinh “đói” nguyên liệu là điều khó tránh khỏi.

Huy Hoàng