Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

22.000 ha rừng bị mất: Hệ lụy từ nạn phá rừng ở Điện Biên

(13:18:49 PM 07/08/2015)
(Tin Môi Trường) - Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: “Theo số liệu điều tra chưa chính thức, tỉnh Điện Biên đã mất khoảng 22.000 ha rừng trong thời gian qua”. Còn lực lượng Kiểm lâm và người dân huyện Mường Nhé (Điện Biên) thừa nhận, họ đã kiệt sức và đơn độc trong cuộc chiến chống lại nạn phá rừng của những người dân di cư tự do.

 22.000 ha rừng bị mất: Hệ lụy từ nạn phá rừng ở Điện Biên

 22.000 ha rừng bị mất ở Điện Biên


Có mặt tại khe Chí Xé thuộc bản Phứ Ma, xã Lenh Su Sìn, huyện Mường Nhé, phóng viên bàng hoàng trước việc những triền núi dài ngút mắt trước kia là rừng, giờ chỉ còn là đám lúa nương thưa thớt mọc dưới đám cây rừng đã cháy trụi chỉ còn trơ thân. Có nơi cây bị chặt xuống rồi mới đốt, mặt đất vẫn còn những thân cây ngổn ngang cháy đen lẫn trong đám lúa. Có những triền núi, cây bị đốt cả ngàn thân cây cháy trụi cành vẫn còn đứng sừng sững.

Ông Sừng Go Lồng, Trưởng bản Phứ Ma cho biết: bản có 49 hộ người dân tộc Hà Nhì sống lâu đời bên những cánh rừng này. Từ năm 2011, xuất hiện 36 hộ dân di cư tự do đến lập bản Cà Là Pá gần đó. Đến nay, số hộ di cư tự do ở bản này đã lên tới 350 hộ, họ phá hết rừng trong khu vực để làm nương. Từ 1.000 ha rừng mà bản Phứ Ma được giao quản lý, giờ chỉ còn 350 ha. Trước họ còn chặt trộm, giờ họ công khai chặt phá giữa ban ngày. Khi dân bản cùng lực lượng Kiểm lâm đến ngăn chặn, họ kéo 50 - 60 người đến áp đảo. Có cán bộ Kiểm lâm còn bị dọa hành hung, riêng ông đã 3 lần họ đến tận nhà dọa đánh.

Ông Lò Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé chỉ tay ra phía những cánh rừng mới bị triệt hạ đầu năm nay cho biết: Chúng tôi đã kiệt sức rồi, cả huyện chỉ có 22 cán bộ Kiểm lâm, tính ra mỗi Kiểm lâm quản lý tới 5.000 ha, trong khi theo qui định chỉ 500 - 1.000 ha. Những người di dân tự do đến đây phá rừng, trước họ dùng cưa máy phá rừng vào ban đêm, giờ thì ban ngày họ vào rừng phát thực bì dưới gốc, chờ khô rồi đốt cả cánh rừng vẫn còn xanh tốt. Lực lượng quá mỏng, lại không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Hạt Kiểm lâm có lập biên bản xử lý vài người thì họ kéo cả gần trăm người ra áp đảo...

Theo trích lục Biểu tổng hợp che phủ rừng năm 2010, Lenh Su Sìn có hơn 11.000 ha rừng tự nhiên, đến nay chỉ còn chưa đầy 8.000 ha, vậy trong 5 năm đã có trên 3.000 ha rừng bị mất. Nhưng theo báo cáo của chính quyền địa phương thì Lenh Su Sìn chỉ mất 285 ha rừng.

Không chỉ rừng ở tận bản Phứ Ma bị tàn phá, mà ngay tại cánh rừng ở khe Huổi Háng, Huổi Phi Nhặc trước mặt thị trấn huyện Mường Nhé đã có tới 147 ha bị triệt phá, chủ yếu từ năm 2014 đến nay.

Ông Ma Công Sít, người bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé cho biết: Đây là diện tích rừng phòng hộ đã giao cho bản quản lý. Ban đầu chỉ một vài hộ dân di cư tự do vào rừng dựng lán, chúng tôi báo chính quyền xã nhưng không thấy giải quyết. Mấy hôm sau đó họ bắt đầu phá rừng làm nương, dân bản chúng tôi đến ngăn cản thì họ bỏ đi. Khi chúng tôi vừa đi khỏi, thì hàng chục người lại lao vào chặt phá. Nếu chính quyền kiên quyết đuổi họ ra khỏi rừng ngay từ đầu thì rừng đã không bị tàn phá như vậy...

Tìm hiểu về vấn đề này, sau một hồi né tránh, ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé đã đồng ý làm việc với nhóm phóng viên. Ông Dế khẳng định, diện tích rừng bị phá chủ yếu từ năm 2013 đến nay chỉ có 478 ha. Tuy nhiên, Biểu đồ tổng hợp độ che phủ rừng năm 2010 cho thấy khi đó, huyện Mường Nhé có tới gần 88.000 ha có rừng, còn số liệu thống kê đến hết tháng 12/2014 thì tổng diện tích rừng tự nhiên và rừng sản xuất (cao su) của huyện này chỉ còn trên 72.000 ha. Như vậy trong 5 năm, địa phương này đã mất tới gần 16.000 ha rừng, và đó mới chỉ là con số trên báo cáo.

 

 22.000 ha rừng bị mất: Hệ lụy từ nạn phá rừng ở Điện Biên

 22.000 ha rừng bị mất ở Điện Biên


Qua tìm hiểu của phóng viên từ người dân và chính chuyền địa phương thì nguyên nhân chủ yếu của tình trạng phá rừng là do những người dân di cư tự do từ các tỉnh khác đến. Báo cáo số 172 ngày 15/7/2015 của UBND huyện Mường Nhé cho thấy: năm 2012, khi mới chia tách và thành lập, huyện Mường Nhé có gần 33.000 nhân khẩu, nay đã tăng lên trên 38.000 người, đều là số người dân di dịch cư tự do từ các tỉnh khác đến. Trong đó điển hình là bản Cà Là Pá, khi mới thành lập chỉ có khoảng 30 hộ dân, nay đã tăng lên tới 350 hộ với hơn 2.300 nhân khẩu. Vì không có đất sản xuất, cái đói đã buộc họ phải liều mình phá rừng để sinh tồn. Câu hỏi đặt ra: Rừng ở Mường Nhé bị tàn phá do những người di dịch cư tự do, vậy nguyên nhân những cánh rừng ở các địa phương khác trong tỉnh cũng bị mất dù không có người di cư tới là do đâu?

Ngày 31/1/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 141 “Sắp xếp, ổn định dân di cư tự do huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008-2012”. Tiếp đó ngày 12/1/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015”, gọi tắt là Đề án 79. Mục tiêu của Đề án là bố trí sắp xếp, ổn định đời sống cho gần 11.000 hộ với 62.000 nhân khẩu. Thời gian thực hiện từ 2011- 2015 với tổng nguồn vốn thực hiện là 1.552 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Đề án 79 mới chỉ thực hiện được khoảng 30% khối lượng công việc.

Rừng đã mất, Đề án 79 dù đã sắp hết thời hạn nhưng vẫn còn dang dở, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước thực trạng trên?. Được biết năm 2014, đã có 7 lượt với 5 cán bộ Kiểm lâm huyện Mường Nhé bị kỷ luật, trong đó có cả Hạt trưởng và Hạt phó vì những vi phạm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Thế nhưng không có cán bộ chính quyền, kể cả cán bộ cấp xã phải chịu trách nhiệm?

Như ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định: việc xem xét phải có quy trình, quan điểm của tỉnh là trách nhiệm đến đâu, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Việc này có thể kiểm điểm, nhắc nhở từ sinh hoạt đảng cho đến chính quyền, chứ chưa đến mức phải xem xét kỷ luật.

Về thực trạng mất rừng ở Điện Biên trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: Giữ rừng được hay không, trước hết phải do chính quyền các cấp. Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ quy định rõ trong Quyết định 245/1998/QĐ-TTg về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp và Quyết định 07/2012/QĐ-TTg Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng. Nếu nơi nào để xảy ra phá rừng nghiêm trọng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Và chỉ có khi nào các địa phương, trong đó có Điện Biên thực hiện đúng tinh thần của Quyết định 07 khi đó, việc phá rừng mới được kiểm soát.

Trong mùa mưa bão năm nay, Điện Biên là một trong những tỉnh chịu hậu quả lớn của thiên tai. Chỉ trong vòng 4 ngày từ 31/7- 1/8, thiệt hại do mưa lũ tại địa phương này đã lên tới gần 174 tỷ đồng. Mưa, lũ đổ về bởi thiếu những cánh rừng phòng hộ ngăn nước, là hệ quả tất yếu của nạn phá rừng.

Chu Quốc Hùng