Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bước vào hè, các trẻ em dân tộc Khmer đến các nhà chùa học chữ Khmer- Ảnh: TL
Mặc dù các lớp học được tổ chức trong 3 tháng hè nhưng thu hút khá đông con em đồng bào dân tộc Khmer đến học. Năm nay, chùa Pô Tum Vong Sây tiếp nhận gần 30 em, đông nhất từ trước đến nay. Đại đức Lâm Út Hiền, Trụ trì chùa Pô Tum Vong Sây cho biết: Bà con phật tử, đồng bào rất quan tâm học chữ Khmer. Vào dịp hè, nhiều phụ huynh cho các em vào chùa đăng ký học. Đặc biệt, nhiều chùa còn tiếp nhận con em đồng bào dân tộc Khmer ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Việc các chùa tổ chức dạy tiếng Khmer cho con em đồng bào dân tộc là hoạt động rất ý nghĩa trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa dân tộc, đồng thời giúp trẻ em nông thôn có không gian sinh hoạt lành mạnh, thiết thực, bổ ích. Em Nguyễn Thị Nghi (học sinh lớp 8, trường Phổ thông dân tộc nội trú Him Lam, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A) chia sẻ: Là người Khmer mà không biết chữ của dân tộc mình thì thật hổ thẹn nên khi nghỉ hè, em xin cha mẹ vào chùa để học. Em học được 4 năm và đã biết nhiều chữ Khmer. Đến chùa học, em còn quen nhiều bạn, được chơi nhiều trò chơi bổ ích.
Thượng tọa Lý Vệ, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, việc dạy chữ Khmer cho con em phật tử vào dịp hè để các em biết chữ của dân tộc mình, từ đó giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Hàng năm, Hội yêu cầu 15 chùa Khmer trên địa bàn mở lớp, tận dụng mái hiên, sảnh của chùa để dạy. Tuy còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng tinh thần học tập của các em rất cao.
Tỉnh Hậu Giang có 5.550 hộ dân tộc Khmer, với hơn 26.250 người, chiếm 3,5% dân số, sống tập trung ở 23 xã của 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn được cải thiện đáng kể. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang rộng khắp phum sóc, con em có điều kiện đến lớp. Nhiều phum sóc trở thành làng, dòng họ hiếu học, nhiều con em dân tộc Khmer học hành thành đạt, tham gia công tác xã hội, được bổ nhiệm làm cán bộ chủ chốt ở địa phương.