Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ứng phó với biến đổi khí hậu:Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân

(07:44:41 AM 31/07/2015)
(Tin Môi Trường) - Là một trong năm quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang từng bước tìm cách ứng phó với thách thức nghiêm trọng này bằng nhiều giải pháp khác nhau. Tuy vậy, tất cả các giải pháp đều cần sự tham gia của từng người dân thông qua việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi.

Là một trong năm quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu

Là một trong năm quốc gia trên thế giới Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu- Ảnh: TL



* Khi nguy cơ đã hiện hữu

Có mặt ở vùng tâm hạn của cả nước - Ninh Thuận, chúng tôi mới thấy rõ sự khốc liệt của thiên nhiên và những ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Hàng nghìn ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở đây đang bị bỏ hoang và có nguy cơ hoang mạc hóa nếu tiếp tục không có mưa. Lượng nước tích trữ tại các hồ đập cũng đã cạn kiệt. Đến giữa tháng 7, người dân nơi đây vẫn đang vật lộn để duy trì đủ nước sinh hoạt hàng ngày. “ Biến đổi khí hậu” - Cụm từ đến nay đã không còn xa lạ với từng người dân bởi những nguy cơ được dự báo trong những nghiên cứu trước đó đã hiện hữu.

Trong những năm gần đây, do sự biến đổi của khí hậu toàn cầu, hiện tượng hạn hán, thiếu nước trong mùa khô xảy ra liên tiếp ở nhiều nơi, trong đó Ninh Thuận là địa phương có lượng mưa thấp nhất cả nước, tình hình hạn hán càng trở nên nghiêm trọng hơn và đi cùng với nó là tình trạng hoang mạc hóa ngày càng mở rộng.

Theo kết quả kiểm kê đất đai, diện tích đất trống đang bị thoái hóa và hoang mạc hóa chiếm 33,9% tổng diện tích tự nhiên và phân bố tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Ninh Sơn. Hạn hán ở đây còn khốc liệt hơn do năm nay, khu vực này chịu ảnh hưởng của hiện tượng El - Nino nên lượng mưa trên địa bàn tỉnh đạt thấp hơn trung bình nhiều năm từ 40 - 50%. Do không có mưa nên dòng chảy trên các sông, suối nhỏ đã cạn kiệt. Tình trạng thiếu nước đang xảy ra nghiêm trọng và hết sức gay gắt trên diện rộng. Theo đó, các khu vực giáp ranh tỉnh Lâm Đồng đang ở cấp độ 1, khu vực Mỹ Sơn, Ninh Sơn ở cấp độ 3; khu vực đồng bằng ven biển đang ở cấp độ 4 và lần đầu tiên Ninh Thuận phải công bố tình trạng thiên tai.

Đánh giá của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho thấy: Tình trạng thiếu nước, khô hạn ở Trung bộ, đặc biệt là ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ sẽ còn tiếp tục kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 9/2015. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung bộ, Tây Nguyên tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 - 60%; riêng các tỉnh ở Nam Trung bộ thiếu hụt từ 60 - 95%. Ở hạ lưu, nhiều sông sẽ xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ hoặc thấp nhất lịch sử.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, nền nhiệt trung bình ở hầu hết các vùng khí hậu của Việt Nam đều cao hơn trung bình nhiều năm, trong khi lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, do đó nắng nóng, hạn hán diễn ra ở nhiều vùng khí hậu Việt Nam. Nguyên nhân gia tăng các đợt nắng nóng có thể liên quan tới hiện tượng El Nino đang hoạt động và có khả năng duy trì đến mùa đông 2015-2016. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng góp phần khiến nắng nóng khắc nghiệt thêm.

Ngoài nắng nóng, hạn hán thì các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan khác cũng có thay đổi. Mưa cực đoan có xu thế biến đổi khác nhau trên các khu vực, xu thế giảm ở hầu hết các trạm thuộc Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, trong khi các vùng khí hậu khác mưa cực đoan có xu thế tăng ở phần lớn các trạm. Mưa cực đoan thường xảy ra trong giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 7 ở miền Bắc và miền Nam, sớm hơn đối với phía Bắc và muộn hơn đối với phía Nam. Trong khi đó ở miền Trung, mưa cực đoan thường xảy ra vào tháng 9 tới tháng 11. Số ngày không mưa liên tục tăng lên ở miền Bắc, giảm đi ở miền Nam . Tổng lượng mưa năm cũng có xu thế giảm ở miền Bắc và tăng ở miền Nam .

 

Ứng phó với biến đổi khí hậu:Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân

Cần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân -Ảnh: TL



* Để thích ứng với biến đổi khí hậu


Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu thông qua việc chuyển đổi cách thức hành động. Mỗi địa phương, mỗi vùng miền với đặc tính tự nhiên khác nhau có những phương thức ứng phó thích hợp.

Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ngoài các giải pháp công trình như xây dựng hệ thống thủy lợi, đập dâng nước, đào ao tận dụng nước ngầm… phải kể đến các giải pháp phi công trình hiệu quả địa phương này đã áp dụng như: Sử dụng các biện pháp tưới nước luân phiên, quản lý chặt chẽ nguồn nước, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tiết kiệm nước. Qua thực tế cho thấy, Ninh Thuận hiện đã xây dựng được mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích đất sản xuất lúa nước 1 vụ và 3 vụ chuyển sang trồng các cây dùng ít nước, sử dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm như: Nho, trôm, điều, táo, tỏi, cỏ voi… kết hợp nuôi các loài vật thích ứng với biến đổi khí hậu như: Cừu, dê, kỳ nhông, dông…

Tại Khánh Hòa, nhiều giải pháp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả. Địa phương này đã mở rộng diện tích rừng trồng, xây dựng dải rừng ngập mặn ven biển để chắn sóng, chắn gió, phát huy tối đa chức năng của rừng phòng hộ đầu nguồn các sông, suối, hồ đập, công trình thủy điện. Bên cạnh đó, Khánh Hòa chủ trương phát triển kinh tế biển với nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, tận dụng nắng phát triển nghề làm muối.

Đặc biệt, Khánh Hòa còn thực hiện một số đề tài khoa học và công nghệ nghiên cứu các loại cây trồng, vật nuôi, các giống thủy, hải sản có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tìm hiểu các ứng dụng tiến bộ khoa học giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái biển, rừng tự nhiên nhằm gia tăng khả năng hấp thụ khí thải nhà kính trong thời gian tới.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Một trong những bài học quan trọng là cần khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho người dân thông qua các hình thức giáo dục và truyền thông hiệu quả, chỉ rõ mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các cực đoan khí hậu, rủi ro thiên tai.

Những bài học từ ứng phó thiên tai cho thấy thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ nên tập trung vào các giải pháp công trình mà cần có sự kết hợp hài hòa với các biện pháp phi công trình như sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của người dân, kết hợp với các biện pháp cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức, huy động cả hệ thống chính trị - xã hội với việc phân công trách nhiệm ở từng cấp. Việc chia sẻ thông tin kịp thời sẽ phục vụ cho việc xây dựng chính sách, các kế hoạch và biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả…

Thu Phương – Minh Nguyệt