Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Quản lý, khai thác vùng biển bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu- Ảnh minh họa: IE
Theo đó, tầm nhìn đến năm 2030, đới bờ của Việt Nam sẽ sạch, đẹp và an toàn để sinh sống, làm việc và đầu tư; nơi mọi người dân được quyền làm chủ và hưởng thụ tối đa; các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử, sinh thái, cảnh quan được bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo, đồng thời gắn với việc thích nghi biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Sóc Trăng là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, có vùng biển, ngư trường rộng tới 30.000 km2. Tỉnh còn có 3 huyện ven biển là Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, đây là những khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội đa ngành nghề như: Nông - lâm - thủy sản - dịch vụ và du lịch. Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế biển, vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 khu vực này đóng góp khoảng 37-40% GDP của tỉnh. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội vùng ven biển đều tăng trưởng khá, phát triển sản xuất nông - ngư nghiệp ổn định; cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư, đời sống nhân dân vùng ven biển đã có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng an ninh giữ vững; công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường cũng được quan tâm nhiều hơn.
Theo ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Trong quá trình phát triển kinh tế biển, tỉnh luôn chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững tài nguyên và môi trường; việc xây dựng kết cấu hạ tầng luôn chú ý đến yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, những năm qua, tỉnh được các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, hợp tác triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tổ chức hợp tác phát triển của CHLB Đức (GIZ) đã có nhiều hỗ trợ quan trọng trong việc bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, chống xói lở bờ biển trong tình hình biến đổi khí hậu - nước biển dâng tại Sóc Trăng.
Trong lĩnh vực khai thác biển, Sóc Trăng hiện có đội tàu đánh bắt xa bờ trên 340 chiếc và hơn 800 tàu khai thác gần bờ; ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực triển khai các quy định mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về quản lý khoanh vùng đánh bắt thủy hải sản theo quy định vùng khai thác đối với loại tàu thuyền, góp phần tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên, để hoạt động đánh bắt mang tính bền vững hơn.
Với lợi thế là vùng biển bồi rộng, trải dài trên 70km, Sóc Trăng là địa bàn có tiềm năng rất lớn về tài nguyên rừng phòng hộ, hình thành các bãi nghêu, sò, khu vực tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản tự nhiên ven bờ. Theo các nhà chuyên môn, cứ mỗi ha rừng phòng hộ sẽ tái tạo được gần 100 kg giống thủy hải sản và là nơi trú ngụ, phát triển của gần 1 tấn thủy hải sản. Chính đặc thù đó mà Sóc Trăng là tỉnh có số lượng tàu thuyền đánh bắt ven bờ khá lớn, đồng thời các tàu thuyền có công suất nhỏ cũng tập trung vào khu vực bãi bồi ven biển Sóc Trăng để đánh bắt thủy hải sản tự nhiên như khai thác nghêu, sò, cá kèo giống vùng ven biển thuộc địa bàn huyện Cù Lao Dung, thị xã Vĩnh Châu. Nhiều tàu thuyền có công suất dưới 90 mã lực (CV) của Sóc Trăng tập trung khai thác nghêu giống, nhiều tàu công suất nhỏ của các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre cũng tập trung vào khu vực ven bờ, gần bờ để đánh bắt thủy hải sản.
Để hạn chế khai thác bừa bãi nguồn lợi thủy hải sản ven bờ, tỉnh đã tăng cường quản lý, khai thác thủy hải sản ven bờ theo Nghị Định 33/CP của Chính phủ, quy định các loại tàu thuyền đánh bắt có công suất trên 20CV không được khai thác vùng ven bờ; tàu đánh bắt có công suất từ 20CV đến dưới 90CV chỉ được khai thác vùng gần bờ và tàu đánh bắt có công suất 90CV trở lên khai thác vùng khơi và vùng biển, trong giấy phép khai thác của mỗi tàu đánh bắt đều có ghi tàu nào được khai thác ở tuyến nào, nếu khai thác sai tuyến sẽ bị xử phạt theo qui định.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý, xử lý đối với các hoạt động đánh bắt thủy hải sản gây tổn hại đến nguồn lợi thủy sản ven bờ, phá hoại rừng phòng hộ ven biển, nhất là khu vực rừng trồng mới ở huyện Trần Đề và Cù Lao Dung, tình trạng xâm hại rừng phòng hộ do khai thác thủy sản vẫn còn, chưa có các chế tài xử lý nghiêm, hàng năm có khoảng gần 400 ha rừng phòng hộ ven biển được trồng mới nhưng cũng có một số diện tích bị thiệt hại do tàu thuyền đánh bắt, khai thác gây ảnh hưởng đến diện tích rừng mới trồng.
Ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Sóc Trăng cho biết: Trong thời gian gần đây, Chi cục đã thường xuyên mở các đợt kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc khai thác ven bờ, gần bờ… nhằm lập lại trật tự đánh bắt thủy sản theo đúng quy định, để hoạt động này an toàn, bền vững hơn. Qua kiểm tra, có tới trên 80% tàu, thuyền có công suất nhỏ của các tỉnh lân cận như Bến Tre, Trà Vinh vi phạm vùng khai thác cho phép. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm nhưng mức xử phạt hiện hành vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Hiện Chi cục đang phối hợp với các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền đến các đối tượng là ngư dân khai thác ven bờ, người dân vùng ven biển để có ý thức tự giác hơn cùng bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên ven bờ một cách hợp lý, khai thác bền vững về lâu dài.
Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đa dạng sinh học biển, nguồn lợi, tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển nước ta đang bị suy giảm, đặc biệt ở các vùng cửa sông và vùng biển ven bờ; môi trường biển bị biến đổi theo chiều hướng xấu; việc chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất ở vùng ven biển và biển ven bờ diễn biến phức tạp, theo chiều hướng ngày càng tăng… Do đó, nhu cầu áp dụng Quản lý tổng hợp đới bờ ở Việt Nam nói chung, Sóc Trăng nói riêng để giải quyết các vấn đề về tài nguyên, môi trường theo cách tiếp cận tổng hợp để thúc đẩy sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách hiện nay.