Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khô cằn ở Ninh Thuận- nẢnh : TL
Tuy nhiên vào mùa mưa, lượng mưa lớn lại tập trung ở khu vực này trong thời gian ngắn vì thế gây ra lũ lụt, lũ ống, lũ quét và úng ngập nghiêm trọng ở nhiều nơi. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng hạn hán đã và đang diễn ra trên toàn bộ địa bàn tỉnh Ninh Thuận và một số huyện của tỉnh Bình Thuận từ đầu năm 2015 đến nay. Nếu địa phương không thực hiện ngay các giải pháp quy hoạch hệ thống thủy lợi nhằm giảm thiểu và thích ứng với thiên tai thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.
* Đề xuất xây dựng hồ chứa
Ninh Thuận là địa phương có trữ lượng nước ngầm thuộc loại nghèo, chỉ đủ khai thác cho các hộ dân cư quy mô nhỏ. Riêng khu vực đồng bằng ven biển Phan Rang có tầng chứa nước mỏng và nhiều nguy cơ nhiễm mặn, nên nguồn nước cung cấp chủ yếu cho sản xuất và đời sống của tỉnh phụ thuộc vào sông Cái Phan Rang.
Từ vụ hè thu năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El - Nino, tỉnh Ninh Thuận hầu như không có mưa. Lượng mưa trên địa bàn tỉnh đạt thấp hơn trung bình nhiều năm từ 40 - 50%. Do đó, nhiều sông, suối bị khô kiệt nghiêm trọng. Tính đến giữa tháng 7, lượng nước tích của 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn 16,30 triệu m3/ 194,27 triệu m3, đạt 8,48% dung tích thiết kế, trong đó 4 hồ đã trơ đáy.
Bên cạnh đó, do không đủ hồ chứa trữ nước từ mùa mưa sang mùa khô, đồng thời hệ thống kênh nối mạng thủy lợi giữa các hồ chứa nhằm tiết kiệm nguồn nước xả ra biển và ứng cứu kịp thời cho các khu vực khô hạn chưa hoàn thiện nên tình hình hạn hán của Ninh Thuận ngày càng khốc liệt.
Ông Trần Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo tính toán cân bằng nước của Báo cáo dự án rà soát điều chỉnh quy hoạch thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đến 2020, tầm nhìn 2030 thích ứng biến đổi khí hậu, ở giai đoạn hiện tại, tổng lượng nước yêu cầu của địa phương là 989,25 triệu m3. Đến năm 2020, tăng lên là hơn 1,3 tỷ m3 và giai đoạn 2030 là hơn 1,4 tỷ m3. Trong khi đó, tổng lượng nước bình quân trên lưu vực sông Cái là 2,032 tỷ m3. Như vậy, lượng nước trên địa bàn Ninh Thuận có trong cả năm nhiều hơn lượng nước địa phương này cần cho phát triển kinh tế xã hội rất nhiều. Thế nhưng tình trạng hạn hán kéo dài trên địa bàn Ninh Thuận vẫn đang diễn ra nghiêm trọng.
Lý giải về sự bất cập này, ông Tuấn chia sẻ, nguồn nước mặt trên địa bàn phụ thuộc vào mưa nên dòng chảy về mùa mưa khá phong phú nhưng đến mùa khô, dòng chảy nhiều sông suối lại khô kiệt. Vào mùa mưa lũ hàng năm, hồ Sông Sắt thuộc huyện Bác Ái có dung tích 69,33 triệu m3 thường xuyên phải xả lũ. Trong khi đó, hồ Sông Trâu có dung tích thiết kế 31,53 triệu m3 thuộc huyện Thuận Bắc phía hạ nguồn thì không đủ nước để tích. Đến nay, hồ này chỉ còn 1,61triệu m3 nước. Tại lưu vực Hồ Cho Mo - Suối Ngang hồ Phước Trung và hồ Thành Sơn trong đó có địa bàn xã Phước Trung, vùng khô hạn nhất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Phía thượng lưu có đập Ô Căm chuyển nước về Suối Ngang hồ Phước Trung nhưng do quy mô công trình quá nhỏ, chỉ chuyển được một phần dòng cơ bản của suối Cho Mo nên vẫn phải xả lũ khi mùa mưa đến. Trong khi đó, hồ Phước Trung quanh năm thiếu nước. Tính đến thời điểm hiện nay, hồ chứa Phước Trung với dung tích thiết kế 2,35 triệu m3 chỉ còn 0,32 triệu m3.
Hay như tại lưu vực hồ Tân Giang- hồ Sông Biêu - hồ Suối Lớn thuộc huyện Thuận Nam, điều kiện địa hình từ hồ Tân Giang đến hồ Sông Lớn từ cao xuống thấp, đảm bảo khả năng dẫn nước tự chảy. Lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của hồ Tân Giang là trên 48 triệu m3 trong khi dung tích hồ là 13,39 triệu m3. Hàng năm, hồ Tân Giang thường xuyên phải xả lũ còn hồ Sông Biêu thì không đủ nước để tích. Đến nay, hồ Sông Biêu là một trong 4 hồ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã cạn đáy.
Qua thực tế quản lý khai thác, ông Trần Văn Tuấn đề xuất việc xây dựng hồ chứa, kết nối hệ thống liên thông thủy lợi giữa các nguồn nước trên địa bàn là điều cấp bách nhất hiện nay khi tình hình hạn hán ngày càng gia tăng.
* Kết nối mạng lưới thủy lợi, hiệu quả lâu dài
Việc kết nối mạng lưới thủy lợi giữa các nguồn nước mang lại hiệu quả đã được thấy rõ đối với tỉnh Bình Thuận. Toàn tỉnh hiện có 9 hệ thống kênh nối mạng đã hoàn thành và một số hệ thống kênh nối mạng đang trong quá trình xây dựng. Các kênh nối mạng này đã và đang phát huy tối đa hiệu quả trong việc điều tiết nước cho vùng khô hạn, giúp những vùng đất này “hồi sinh” mạnh mẽ.
Điển hình như vùng hạn xã Hồng Sơn, thị trấn Ma Lâm thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, từ khi khu vực này được hệ thống kênh chuyển nước 812- Châu Tá – Sông Quao dài 32 km đưa nước về bao phủ, nơi đây đã thoát khỏi “bản đồ hạn” của Bình Thuận. Những cánh đồng trước đây hoang hóa nứt nẻ nay đã là những cánh đồng thanh long xanh mướt cho lãi hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng/ha. Hệ thống kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập cũng giúp khu vực Hàm Thuận Nam không còn nằm trong vùng hạn. Ngoài ra, kênh tiếp nước vào hồ Cà Giây giúp cho huyện Bắc Bình có thêm 3.000 ha lúa ba vụ.
Trong khi đó, địa bàn huyện Tuy Phong, “tâm hạn” của tỉnh Bình Thuận, theo quy hoạch có tới 3 hệ thống kênh nối mạng chính là tuyến hồ Cà Giây - Cây Cà nối huyện Bắc Bình và huyện Tuy Phong có chiều dài 47 km; tuyến hồ Lòng Sông - Đá Bạc có chiều dài 16,8 km và tuyến hồ Đá Bạc thượng – Vĩnh Tân chiều dài 17 km. Đến nay, cả ba hệ thống kênh nối mạng đều chưa được khai thác.
Theo ông Hoàng Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Thủy lợi huyện Tuy Phong, dự án xây dựng tuyến kênh nối mạng hồ Cà Giây – Cây Cà được khởi công từ năm 2012 nhưng do giải ngân chậm, thiếu vốn nên hiện mới chỉ xây dựng được 7 km. Tuyến hồ Lòng Sông- Đá Bạc thực hiện từ năm 2010 mới cơ bản hoàn thành, chưa đi vào sử dụng. Tuyến hồ Đá Bạc thượng – Vĩnh Tân vẫn nằm trên giấy do hiện nay hồ Đá Bạc thượng chưa được xây dựng. Không có hệ thống kênh nối mạng đồng nghĩa với việc không có cả nước sinh hoạt, người dân nơi đây đành bỏ toàn bộ ruộng, tìm mọi cách chỉ để có đủ nước sinh hoạt và nước uống cho gia súc.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho rằng, công tác quy hoạch thủy lợi cần được điều chỉnh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời phát triển kinh tế xã hội địa phương. Việc tăng nguồn dự trữ nước trên toàn tỉnh thông qua xây dựng thêm các hồ chứa nằm trong quy hoạch như: Hồ Sông Cái, đập Tân Mỹ, Sông Than, Kiền Kiền, Tân Giang 2... và nhiều hồ đập nhỏ khác là hết sức cần thiết.
* Điều chỉnh hệ thống quy hoạch thủy lợi
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đồng ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc điều chỉnh Dự án đầu tư và áp dụng hình thức chỉ định thầu thi công đối với hạng mục đập dâng và hệ thống kênh tưới Tân Mỹ thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ nhằm sớm hoàn thành công trình, khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giải pháp liên thông giữa các hồ chứa và hệ thống kênh mương cũng đang được nghiên cứu nhằm điều tiết nước giữa các lưu vực, các hồ chứa để cung cấp nước cho dân sinh và sản xuất. Theo đó, một số kênh kết nối liên thông cần được ưu tiên như: Kênh liên thông chuyển nước từ hồ Tân Giang – Sông Biêu - Suối Lớn; Kênh từ lưu vực Đập Ô Căm - Suối Ngang hồ Phước Trung, liên thông kênh tưới Lanh Ra – kênh tưới trạm bơm Phước Thiện. Khi các hệ thống kênh nối mạng trên hoàn thành sẽ giúp điều tiết nước tới các vùng khô hạn nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo nguồn nước nội tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với tỉnh Bình Thuận, nguồn nước phía Bắc tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Lũy, phía Nam tập trung ở lưu vực sông La Ngà. Hai lưu vực này chiếm 75% tổng lượng nước có khả năng khai thác. Do đó, việc xây dựng hồ La Ngà 3 và hồ sông Lũy là việc hết sức cần thiết đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm cân đối nguồn nước, chuyển nước từ lưu vực thừa nước về lưu vực thiếu nước trong tỉnh.
Cũng theo Quy hoạch nối mạng các hệ thống công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020, nhiệm vụ của hệ thống kênh nối mạng là chuyển nước từ hai lưu vực thừa nước là Sông Lũy và sông La Ngà về 5 lưu vực thiếu nước là Sông Lòng Sông, sông Quao, sông Cà Ty, sông Dinh và sông Phan. Bên cạnh đó, đến năm 2020, Bình Thuận đầu tư hoàn thành 20 tuyến kênh nối mạng gồm nâng cấp 9 kênh hiện trạng, đầu tư mới 11 tuyến kênh, trong đó có 5 tuyến kênh đã phê duyệt dự án và 6 tuyến kênh quy hoạch mới. Hệ thống kênh nối mạng này có tổng lượng nước tiếp chuyển 724 triệu m3, đạt 43,3% tổng nhu cầu nước các ngành đến năm 2020 (dự kiến khoảng 1,67 tỷ m3).
Như vậy, nếu hoàn thành các công trình thủy lợi trên, người dân Bình Thuận sẽ không còn phải chịu cảnh đồng ruộng khô hạn, thiếu thốn nước sinh hoạt nữa. Tuy vậy, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn khó khăn, hiện nay, hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng áp dụng thêm nhiều giải pháp công trình, phi công trình nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước đang có, giảm thiểu những hậu quả thiếu nước ở vùng khô hạn như bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ theo hướng chịu hạn như trồng cây thanh long, mủ trôm, nho, táo, nuôi cừu…; áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, tưới luân phiên…