Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những cách thức chống hạn hiệu quả ở vùng tâm hạn Ninh Thuận

(07:13:35 AM 29/07/2015)
(Tin Môi Trường) - Vùng tâm hạn Ninh Thuận, Bình Thuận những ngày tháng 7 vẫn đang gồng mình chống hạn. Mặc dù ảnh hưởng của cơn bão số 2, mưa ở Ninh Thuận đã có ở mức phổ biến 15mm, có nơi 40mm trong những khoảng thời gian ngắn, nhưng đến nay hầu hết hồ trữ nước trên địa bàn vẫn ở dưới mức “chết”.

Nông dân Ninh Thuận thu gom rơm trong vụ thu hoạch lúa đông-xuân, tích trữ thức ăn cho gia súc trong thời điểm nắng hạn kéo dài.-Ảnh: TL

Nông dân Ninh Thuận thu gom rơm trong vụ thu hoạch lúa đông-xuân, tích trữ thức ăn cho gia súc trong thời điểm nắng hạn kéo dài.-Ảnh: TL

 

Thiếu nước gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng trong trồng trọt, chăn nuôi… Gần 44.000 người thiếu nước sinh hoạt. Dự báo, tháng 8 hàng năm đều có hạn ngắn “Bà Chằng” cũng rất khốc liệt.

Chống chọi với hạn hán, chính quyền và người dân đã tìm mọi cách lấy nước từ đất, tích nước từ mưa, phân chia nguồn nước hợp lý nhất chủ động cứu người, cứu cây...

* Sử dụng xe lọc nước lưu động

Đại hạn năm nay, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Cục hậu cần, Quân khu 5 với việc sử dụng công nghệ lọc trên xe lưu động nước giúp dân có nước sạch sinh hoạt từ nguồn nước bẩn. Một ưu điểm nổi bật của mô hình này là với công nghệ sẵn có, các đơn vị này đã đặt máy lọc nước lên xe tải, có thể mang đến bất cứ nơi nào có nguồn nước để xử lý tại chỗ thành nước tinh khiết.

Theo Trung tá Lê Văn Hân, Chủ nhiệm hậu cần, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Thuận, đây là chiếc xe lọc nước lưu động, hiện đại đầu tiên của Quân khu 5, sản xuất trong nước, nhằm phục vụ quân đội khi cần thiết. Chất lượng nước lọc ra đạt các chỉ tiêu về nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Mỗi giờ xe lọc được 8.000 lít nước, gồm 5.000 lít nước sinh hoạt và 3.000 lít nước tinh khiết, nhưng từ 23/4 đến nay, xe chỉ tập trung lọc nước tinh khiết giúp dân chống lại khô khát. Hằng ngày, nước do xe lọc ra được các xe bồn khác của quân đội đến lấy để vận chuyển về những vùng khát nặng nề của Ninh Thuận, cung cấp tại chỗ cho dân ở xã Phước Sơn (Ninh Phước).

Để giúp dân vùng khô hạn, lực lượng quân đội đã cắm trại tại chỗ, chia nhau làm việc liên tục ngày đêm, với 3 giai đoạn: từ ngày 23/4 - 10/6, 11/6 - 10/7 và sau một vài ngày nghỉ, lực lượng quân đội tiếp tục công việc ở giai đoạn 3 từ ngày 15/7 - 10/8 giúp bà con những nơi đang cần nước nhất.

Trung tá Lê Văn Hân chia sẻ, chúng tôi không biết nói cho hay thế nào nhưng thấy người dân rất phấn khởi bởi trong lúc hạn hán khô cháy được quân đội giúp đỡ nhiệt tình. Hình ảnh anh bộ đội để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân, nhờ vậy mà khi làm công tác dân vận sẽ dễ dàng hơn mà hiệu quả cao hơn.

* Lợi dụng nguồn nước sẵn có

Phước Trung là xã miền núi biệt lập của huyện vùng cao Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận với phần lớn là người dân tộc Raglay. Từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước, tỉnh Ninh Thuận đã khẩn trương nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước thành Nhà máy nước Phước Trung cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 542 hộ dân toàn xã.

Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Hoàng cho biết, đây là công trình rẻ nhất vì không cần đến hệ thống bơm mà lợi dụng nguồn nước từ trên cao tự chạy xuống. Nguồn nước lấy từ đập Cây Sung 1 và đập Ô Căm thuộc lưu vực Suối Ngang. Công trình hoàn thành sớm trước 2 tháng so với kế hoạch, nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày 16/7. Đây là công trình trọng điểm trong khắc phục hạn hán, phục vụ hơn 3.400 người với công suất 355 m3/ngày đêm.

Sau nghiệm thu, Ban quản lý Nhà máy cùng chính quyền địa phương sẽ thông báo để người có nhu cầu lắp đồng hồ nước, kéo dây về tận nhà và tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm. Trước mắt, khi dân chưa có điều kiện kéo dây, lắp đồng hồ, Ban quản lý vẫn tiếp tục cho nước chảy về 2 bể công cộng để người dân dùng, tuy nhiên, nước ở các bể này chỉ đủ cho số ít người.

Chị Ka tơn Văn, 29 tuổi ở thôn Giã Trên, xã Phước Trung cho biết, gia đình đã có sẵn đường ống từ trước nên dùng luôn được nguồn nước từ Nhà máy, nhưng không biết nước có sạch không vì chưa thấy bàn giao. Gia đình vẫn chỉ dùng làm nước sinh hoạt, tưới cây trong vườn, còn nước uống vẫn lấy ở nguồn nước hỗ trợ của nhà nước.

Xóm Bằng là cũng là nơi biệt lập và nằm ở địa hình khá cao của xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc - vùng không tận dụng được nguồn nước, tỉnh Ninh Thuận tập trung nạo vét, đấu nối đường ống cấp nước cho dân là giải pháp tối ưu. Trên cơ sở có sẵn Hệ thống cấp nước Phương Cựu lấy nước thô từ đập Nha Trinh và đập dâng trên suối Kiền Kiền chất lượng rất tốt, lưu lượng dồi dào. Vì vậy, tỉnh cho đấu nối hệ thống đường ống dài gần 5 km cùng tuyến đường ống nhánh trong thôn hơn 700 m đã giải quyết nước sinh hoạt cho dân vùng hạn Xóm Bằng.

 

Những cách thức chống hạn hiệu quả ở vùng tâm hạn Ninh Thuận



* Đào sâu xuống lòng đất

Tại những vùng hạn nặng của tỉnh Ninh Thuận, dân đã chủ động đào được trên 100 ao, giếng để tìm nguồn nước ngầm. Người dân xã Mỹ Tường, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải chấp nhận khoan giếng qua đá, 290.000 đồng/m, khi chạm đá giá mũi khoan lên đến 500.000 đồng/m. Có giếng sâu tới 40 m trong lòng đất. Sau mỗi mũi khoan, có những thỏi đá dài trên 2 m được đưa lên mặt đất.

Không dừng lại ở đó, người dân tiếp tục xây giếng trên cạn để trữ nước, sau đó dùng thêm một máy bơm nữa đưa nước lên ruộng nho. Khi chưa có điện, cứ 45 phút phải dùng đến 1 lít dầu mà máy bơm cả ngày lẫn đêm mới đủ nước tích trữ. Tỉnh đã khẩn trương cho thi công đường điện kịp thời giúp dân cứu nho. Đầu tháng 7, đường điện cơ bản hoàn thành được đưa vào sử dụng, có thể bơm nước tưới cho 60 ha nho ở xã Nhơn Hải.

Niềm vui hiện rõ trên gương mặt chị Phạm Thị Trang, xã Mỹ Tường khi 2.500 m2 nho đã được cứu. Chị chia sẻ, dù đã trồng nho 20 năm nhưng năm 2015 là năm hạn nhất. Dân khoan sâu xuống đất để lấy nước ngầm, xây giếng hoặc bể trên cạn để trữ nước nhưng nước rất ít. Các gia đình chung nhau khoan giếng, xây bể để cứu nho. Cả vùng có mấy chục lỗ khoan, ngày đêm hút nước. Trước đây, phải dùng máy phát điện quá tốn kém, giờ nhà nước cho đường điện mừng quá rồi.

Với 4 ha mía, sắn, dưa lấy hạt, anh Nguyễn Thanh Hùng, thôn Tân Lập, xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn đào ao rộng tới 3.000 m2, sâu xuống 4 - 5m, nước ngầm có đủ cứu được 1 ha mía. Với cách tiết kiệm nhất, cứ 4 ngày một lần anh cho máy bơm 8 giờ, đủ để giữ độ ẩm cho cây mía sống chứ không thể phát triển tốt được. Anh Hùng cho hay, dưa lấy hạt là loại cây chống hạn cực tốt nhưng 22 ngày mới có một đợt mưa nhỏ nên 3 ha dưa của anh không sống được khi chưa có ao. Đào được ao, ngoài những lúc tưới giữ ẩm cho cây, cứ đứng trên cao, thấy cây nào sắp héo anh lại kéo ống nước đến tưới cũng cầm chừng được.

Ở vùng đất khí hậu khắc nghiệt nhưng người nông dân rất kiên cường bám đất. Theo lãnh đạo xã, với địa hình Hòa Sơn, nhiều gia đình đào ao lấy nước nhưng số ao có nước chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có nhà đầu tư 50 triệu đồng mà ao vẫn không có nước. Hay chăng các nhà địa chất vào cuộc giúp dân, nơi nào có nước thì đào ao cho đỡ tốn kém. Vùng đất này nếu có được hồ tích nước Sông Than như quy hoạch sẽ giúp dân sản xuất lâu dài.

 

Những cách thức chống hạn hiệu quả ở vùng tâm hạn Ninh Thuận



* Chọn cây chống hạn

Ở tỉnh Ninh Thuận, cây chủ lực chống hạn đã được lựa chọn là ngô, mía, sắn, dưa, đậu… Huyện Ninh Phước, Thuận Bắc tập trung trồng ngô lai, huyện Ninh Hải trồng nho, huyện Thuận Nam trồng dưa hấu, đậu xanh… Với 1 ha trồng lúa phải cần tới 10.000 m3 nước, trong khi cây ăn quả, rau màu chỉ mất 3.000 m3 và thời gian cho thu hoạch ngắn hơn.

Huyện Ninh Hải đã quy hoạch chuyển đổi 20 ha nho, đến nay với những giếng khoan, trữ nước đủ tưới và 2-3 lứa nho mỗi năm giúp bà con có thu nhập ổn định. Ở vùng trồng nho, người dân áp dụng mô hình tưới tiết kiệm với lượng nước chỉ cần khoảng 40%. Tuy nhiên, người dân đang mong các nhà khoa học nghiên cứu loại phân bón phù hợp cho hệ thống tưới tiết kiệm này.

Xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn là vùng đất không còn cây lúa nhưng cũng chưa có hệ thống hồ chứa, nguồn nước sản xuất phụ thuộc vào các sông, ao, giếng khoan và mưa tự nhiên. Đến thời điểm gần cuối tháng 7, mặc dù đã có mưa nhưng mưa ở đây chỉ như “mưa bóng mây”, không đủ lượng nước giữ ẩm đất. Cơn mưa to nhất từ đầu năm đến nay cũng chỉ đủ độ thấm không quá 30 cm trên nền đất nông nghiệp, cứu được những lứa sắn, mía người dân vừa trồng, dặm lại. Cơn mưa này may mắn đã đủ nước tích cho 5 ao, đủ cứu khát cho đàn gia súc.

Ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, vụ Hè thu năm nay, Trung tâm giống Hưng Lộc (Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam) đã hỗ trợ toàn bộ giống, tập huấn kỹ thuật cho bà con huyện Thuận Bắc trồng 20 ha đậu xanh. Đến giữa tháng 7, đậu xanh đã ra hoa, với thời tiết như dự báo, người dân sẽ có thu nhập khá. Thân cây ngô, đậu, người dân sẽ ủ chua để vừa tăng thêm độ dinh dưỡng, vừa bảo quản lâu hơn để làm phân bón trong vòng 1 - 2 tháng.

Tỉnh Bình Thuận, với diện tích lúa chiếm phần đa nên trong tình thế hạn hán nặng, chính quyền đã khuyến cáo, không cho dân xuống giống để tránh thiệt hại thêm. Chỉ khi nào có mưa, tích được nước mới cấy, trồng. Những loại cây ăn quả, rau màu được chuyển đổi gồm thanh long, điều, cao su, ngô, đậu. Tuy nhiên, ở những vùng khô hạn kéo dài trôm, nho, ngô là loại cây chống hạn được người dân lựa chọn.

Ngô là cây trồng được chuyển đổi nhiều nhất, tăng 360% ở vụ hè thu năm 2014 - 2015 so với vụ năm trước. Tánh Linh, Đức Linh là hai huyện trọng điểm trồng ngô của tỉnh Bình Thuận với 99% tổng diện tích chuyển đổi trên đất lúa. Vùng ngô này giảm bớt áp lực về nước lại được bố trí tập trung dọc theo thung lũng sông La Ngà có độ phì khá cao. Một thuận lợi nữa là thị trường tiêu thụ ngô khá ổn định bởi nguồn thu mua đã có Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Japha có công suất trên 100.000 tấn/năm.

Tuy Phong là huyện nằm trong vùng khô hạn hàng năm, những vùng đất bạc màu được chuyển sang trồng trôm, nho, thanh long. Những vùng đất không có nước người dân cũng vẫn trồng cây trôm, nếu may mắn có mưa thì trôm cho mủ, nếu không vẫn phủ xanh đất trống. Hiện nay, toàn huyện đã trồng được 440 ha trôm. Với gần 1.000 m2 trồng trôm, bà Trần Thị Hương, xóm 1, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo cho biết, trôm là cây dễ trồng, không mất nhiều công chăm bón, lượng nước cũng ít hơn trồng các loại cây rau màu khác, chỉ sau khoảng 2 năm cây trưởng thành cho mủ. Năm nay, nắng hạn quá nên trôm không cho mủ nhiều nhưng giá lại cao 85.000 đồng/kg tươi.

Với những vùng đất thừa nắng, thiếu mưa như Ninh Thuận, Bình Thuận rất cần thêm nhiều biện pháp chống hạn lâu dài. Theo người dân địa phương, kinh nghiệm đại hạn cứ 10 năm lặp lại một lần, biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt hơn nên nhà nước và người dân cần có sự chuẩn bị ứng phó một cách tích cực hơn.

Xây dựng hồ chứa ở những vùng hạn là điều cần thiết, nhưng để sử dụng hiệu quả phải tính đến phương án liên thông hồ chứa.

Minh Nguyệt