Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo quan điểm của các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược&Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương), mặc dù cần giảm dần và loại bỏ bao cấp của nhà nước về bảo vệ môi trường đối với khu vực doanh nghiệp, vẫn phải hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn và khơi dậy tính tự nguyện của doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế nhưng ít vốn, công nghệ sản xuất còn lạc hậu.
Theo các chuyên gia, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp phòng ngừa như tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn; áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng như ISO 14.000; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tự đầu tư cơ sở xử lý chất thải là các giải pháp cần thiết nhất và hiệu quả nhất.
Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp tự đầu tư hạ tầng cơ sở môi trường, có thể ưu tiên về lãi suất vay vốn ngân hàng, miễn phí đất xây dựng hệ thống xử lý, miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị dụng cụ hóa chất xử lý; miễn giảm tiền điện nước vận hành trong một vài năm đầu kể từ khi hệ thống đi vào hoạt động.
Hoặc, đối với doanh nghiệp sử dụng dịch vụ môi trường bên ngoài, căn cứ vào loại hình chất thải và qui mô doanh nghiệp, có thể hỗ trợ không quá 30 phần trăm chi phí xử lý chất thải từ 1 tới 3 năm . Riêng đối với bệnh viện, hỗ trợ 100phần trăm vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải; chi phí vận hành tính vào viện phí và hỗ trợ không quá 50phần trăm phí xử lý trong khoảng từ 3-5 năm đầu.
Cùng với các giải pháp hỗ trợ về tài chính, các chuyên gia cũng cho rằng, cần hỗ trợ về thông tin, truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về lĩnh vực này cho các doanh nghiệp. Đồng thời khen thưởng, tuyên truyền giới thiệu kinh nghiệm của các doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng lan truyền trong khối doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp chưa làm hay làm không tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý địa phương cần tổng hợp các nhu cầu công nghệ và xử lý trình cơ quan Trung ương, để cơ sở nghiên cứu và xây dựng chương trình thu hút các nhà đầu tư có năng lực cung cấp công nghệ dịch vụ phù hợp.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ về tài chính nêu trên không phải là một dạng bao cấp mới. Để giảm dần và tiến tới việc chấm dứt tình trạng bao cấp trong đầu tư bảo vệ môi trường đối với khối doanh nghiệp, Nhà nước cần tạo ra cơ chế khuyến khích đầu tư thông qua quỹ cho vay đầu tư môi trường (Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo quỹ 1.200 tỷ cho vay xử lý nước thải tại khu công nghiệp, khu chế xuất).
Đồng thời xây dựng cơ chế sử dụng dịch vụ, công khai các dịch vụ và phí dịch vụ phải trả trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để các doanh nghiệp lựa chọn; cụ thể hóa chủ trương người gây ô nhiễm phải trả tiền để xác định và quy trách nhiệm các chủ nguồn thải.
(Theo monre.net)