Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Quang cảnh hội nghị
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong thời gian qua; giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; thảo luận và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Trên cơ sở đó đề xuất cơ chế, chính sách quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý của ngành, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
6 tháng đầu năm, Bộ và các địa phương đã có nhiều nỗ lực, chủ động, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên cơ sở bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số kết quả nổi bật như sau: Thể chế chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, trong 6 tháng đầu năm đã trình Quốc hội ban hành 01 Luật và cho ý kiến đối với 01 dự án Luật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 Nghị định, 01 Quyết định; Bộ ban hành 35 Thông tư, Thông tư liên tịch, tạo lập hành lang pháp lý hoàn thiện hơn về TN&MT, các địa phương đã ban hành trên 400 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Tổ chức, bộ máy của ngành tiếp tục được kiện toàn; đội ngũ cán bộ được đào tạo nâng cao trình độ đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Công tác cải cách hành chính đã được thực hiện quyết liệt; các thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, rõ ràng, minh bạch và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Toàn ngành đã tích cực triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường, đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Công tác quản lý nhà nước về TN&MT trên cả nước có chuyển biến rõ rệt. Tích cực triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường. Tiến hành rà soát, đánh giá để cập nhật bổ sung, lồng ghép các quy hoạch, chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia đối với từng lĩnh vực cụ thể, làm cơ sở định hướng quan trọng cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới. Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Chính phủ và địa phương trong xử lý những vấn đề mang tính chiến lược về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn và cảnh bảo thiên tai phục vụ sản xuất và phát triển KT-XH. Nguồn lực TN&MT đã từng bước được phát huy và có đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH của đất nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, những năm qua ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trên cơ sở bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước theo từng năm. Qua đó, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Một trong những kết quả quan trọng đó là chúng ta đã và đang chuyển đổi quyết liệt cơ chế nặng về bao cấp, "xin - cho" trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sang cơ chế thị trường, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao hơn nữa sự đóng góp của ngành TN&MT cho sự phát triển chung của đất nước. 5 tháng đầu năm 2015, khai thác khoáng sản và đất đai là hai lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước và thu ngân sách của quốc gia, trong đó ngành khai khoáng tăng 6,3% đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thu từ đất đạt 19,2 nghìn tỷ đồng bằng 5,64% tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm. Tính trong cả giai đoạn 2011-2015, nguồn thu từ đất ước đạt trên 300 nghìn tỷ đồng, thu từ khoáng sản trên 2,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,3% tổng thu ngân sách nhà nước...
Bên cạnh những kết quả tích cực, rất đáng khích lệ, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là, chất lượng môi trường nhiều nơi vẫn đang bị ô nhiễm và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, không những tại các khu công nghiệp, khu đô thị dân cư đông đúc mà cả ở một số vùng nông thôn. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, thiếu hiệu quả. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra triều cường, lũ, lụt, mưa, bão với cường độ ngày càng lớn, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Thành quả xây dựng và phát triển của địa phương trong nhiều năm chỉ sau một đợt thiên tai có thể biến mất nếu không được điều tra, nghiên cứu, đánh giá và có biện pháp ứng phó kịp thời. Khiếu kiện liên quan đến ngành TN&MT, nhất là về đất đai còn diễn biến phức tạp, gây ra những bất ổn trong xã hội, vấn đề cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Những vấn đề nêu trên nếu không có giải pháp cấp thiết, thỏa đáng và có tầm nhìn dài hạn sẽ thực sự là trở ngại lớn cho phát triển KT-XH, đe dọa nghiêm trọng cho sự phát triển bền vững đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011-2015 của ngành TN&MT, đồng thời chuẩn bị triển khai Kế hoạch 5 năm 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 ngành TN&MT; tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Mục tiêu tổng quát đã đặt ra là đẩy nhanh phát triển nền kinh tế đi đôi với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; triển khai thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý TN&MT; phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011-2015 của ngành TN&MT, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn lực, đúng thời gian, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Mục tiêu đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm lớn và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp.
Hội nghị lần này là dịp để Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cùng nhau trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT tại các địa phương; đề xuất các biện pháp tháo gỡ nhằm không ngừng nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành, góp phần đạt được các mục tiêu quan trọng đã đề ra nêu trên. Đây cũng là cơ hội lắng nghe, chia sẻ, thảo luận, bàn bạc về những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An đã vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015, ước đạt 7,89%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,51%, cao hơn cùng kỳ những năm gần đây. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế tỉnh. Mặc dù vậy, Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý ngành tài nguyên và môi trường nhất là vấn đề liên quan đến thủ tục giao đất, thuê đất, định giá đất, phương thức đấu giá đất, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng; ô nhiễm môi trường và những bất cập trong quản lý khai thác khoáng sản... Hội nghị này là dịp để Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp tỉnh Nghệ An cũng như các địa phương tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thời gian tới.
Đại biểu tham dự hội nghị