Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Làng cá bè La Ngà- Đồng Nai- Ảnh:TL
Do triển khai với tiến độ “rùa” nên tháng 6/2014, tỉnh gia hạn hoàn tất việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn các cơ sở trong diện di dời vẫn “án binh bất động”, kế hoạch hoàn thành di dời vào cuối năm 2015 của tỉnh khó thành hiện thực.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có 185 cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong khu đô thị, đông dân cư phải di dời. Số cơ sở này được chia làm 4 nhóm gồm: Nhóm 1 có 37 cơ sở gốm sứ mỹ nghệ; nhóm 2 có 20 cơ sở giết mổ; nhóm 3 có 24 cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô báo cáo đánh giá tác động môi trường; nhóm 4 có 104 cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô bản cam kết bảo vệ môi trường. Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, thực hiện di dời 294 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung.
Đến thời điểm này, chưa có bất kỳ cơ sở gốm sứ mỹ nghệ nào di dời về địa điểm được quy hoạch (Cụm công nghiệp Gốm sứ Tân Hạnh); chỉ có 2 trong số 24 cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện di dời; với 104 cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô bản cam kết bảo vệ môi trường trên địa bàn 11 huyện, thị, mới chỉ có 4 cơ sở ở huyện Định Quán và Cẩm Mỹ hoàn thành di dời; hầu hết các cơ sở chăn nuôi chưa đến khu quy hoạch chăn nuôi tập trung.
Ông Huỳnh Hữu Nghĩa - Chủ nhiệm Hợp tác xã Gốm sứ Thái Dương, xã Hóa An (thành phố Biên Hòa) cho biết: Quyết định di dời cơ sở sản xuất gốm ở thành phố Biên Hòa về Cụm công nghiệp Gốm sứ Tân Hạnh nhằm bảo vệ môi trường là hoàn toàn đúng đắn. Khi di dời, các cơ sở được giảm 60% tổng mức vốn đầu tư hạ tầng, miễn tiền thuê đất trong 11 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp đến nơi mới phải xây dựng lại toàn bộ nhà xưởng (với Hợp tác xã Gốm sứ Thái Dương sẽ phải chi hơn 40 tỷ đồng), các cơ sở đang rất cần vốn để làm lại từ đầu nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ. Việc Hợp tác xã Gốm sứ Thái Dương chậm vào Cụm công nghiệp Gốm sứ Tân Hạnh còn do cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai chậm giải quyết các thủ tục như hợp đồng thuê đất, cấp giấy phép xây dựng.
Theo ông Đặng Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, dù đã triển khai được 4 năm nhưng tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn Đồng Nai diễn ra rất chậm. Nguyên nhân tình trạng này là do chưa có cơ chế ưu đãi tín dụng cho các cơ sở phải di dời. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, việc vừa bảo đảm hoạt động sản xuất tại vị trí cũ mà vẫn bố trí được vốn để đầu tư xây dựng nhà xưởng tại vị trí mới là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Ngoài tài chính, các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn vì các cụm công nghiệp ở Đồng Nai chậm được xây dựng.
Thống kê của Sở Công Thương Đồng Nai, từ nay đến năm 2020, Đồng Nai quy hoạch 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 4.500 ha. Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 2 cụm công nghiệp hoàn chỉnh hạ tầng; 10 cụm đã có chủ đầu tư nhưng 7 cụm chưa xây dựng hạ tầng; còn 15 cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Đa phần các cụm công nghiệp trong tỉnh chưa có hệ thống xử lý môi trường; hạ tầng kết nối cụm công nghiệp với tuyến quốc lộ, khu dân cư còn hạn chế, chưa hoàn thiện. Điều này khiến doanh nghiệp không mặn mà khi vào cụm công nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, để đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị của Đồng Nai, tỉnh yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với ngành ngân hàng xem xét, rà soát để đưa ra cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với các cơ sở di dời. Sở Công Thương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm công nghiệp, tìm địa điểm cho các cơ sở dời đến. Với các sở phụ trách trực tiếp nhóm cơ sở phải di dời, phải cử người trực tiếp làm việc với cơ sở sản xuất kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc cho họ. Về thời hạn hoàn thành di dời vào cuối năm 2015, tỉnh Đồng Nai vẫn giữ nguyên, không gia hạn thêm.