Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa: TL
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, chuyên gia tư vấn Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam đang tồn tại nhiều nguy cơ về sức khỏe môi trường của một quốc gia chậm phát triển . Ô nhiễm nước, không khí, đất, hóa chất độc hại, rác thải, thực phẩm, biến đổi khí hậu vẫn ở mức nghiêm trọng . Tỷ lệ, tính chất, mức độ bệnh tật vẫn rất đáng lo ngại. Hiện tại, ở nông thôn, mới có 85% hộ có nước sạch, trong đó hơn 40% đạt tiêu chuẩn nước nông thôn của Bộ Y tế. Mới chỉ có 65% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh và gần 4 triệu người phóng uế ra môi trường.
Một trong những lý do chính làm hạn chế tới việc phòng chống, loại trừ tác hại và các tác động tiêu cực từ môi trường đến con người là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác bảo vệ môi trường với chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Công tác quan trắc môi trường, kiểm soát, hạn chế ô nhiễm... chưa gắn liền với việc đánh giá, kiểm soát, ngăn ngừa tác động tiêu cực của môi trường và ô nhiễm môi trường đối với con người. Đến nay, Việt Nam chưa quản lý được các rủi ro do tác động của môi trường và ô nhiễm môi trường, chưa hình thành chuyên ngành sức khỏe môi trường xét về chính sách, pháp luật, tổ chức, hoạt động, nghiên cứu và đào tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh: Việt Nam là nước cuối cùng trong Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chưa có kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe môi trường cho dù Việt Nam đã tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Môi trường và Y tế các nước trong khu vực ASEAN và Đông Á. Bởi vậy, một lộ trình hành động quốc gia về sức khỏe môi trường là rất cần thiết. Mục tiêu là nghiên cứu, dự báo, cảnh báo, dự phòng các nguy cơ sức khỏe môi trường và đề xuất các biện pháp giảm thiểu các ảnh hưởng có hại lên sức khỏe con người, thiết lập hồ sơ quốc gia về sức khỏe môi trường. Việt Nam cũng phải củng cố hành lang pháp lý và thực thi pháp luật. Có cơ quan đầu mối và cơ chế phối hợp liên ngành và hệ thống quản lý thống nhất, nâng cao nhận thức về sức khỏe môi trường, thiết lập hệ thống đào tạo chuyên về sức khỏe môi trường để có đủ nhân lực trong tương lai.
Kế hoạch hành động này là một cách tiếp cận tổng thể, toàn diện và liên ngành về lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch hành động về sức khỏe môi trường ở cấp độ quốc gia.