Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Doanh nghiệp xử lý tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện: Cần cơ chế hỗ trợ -Ảnh: TL
Theo Tổng cục năng lượng, mỗi năm Việt Nam phải xử lý hàng chục triệu tấn tro, xỉ, trong khi đó dung tích chứa tro, xỉ cũng không còn nhiều. Hiện trên cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất khoảng 14.300 MW, tiêu thụ 42 triệu tấn than/năm, với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hàng năm hơn 14,4 triệu tấn. Tổng diện tích bãi thải tro xỉ khoảng 700 ha.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Năng lượng cho hay, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hoá chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, hiện hiện vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật và dây chuyền công nghệ xử lý tro xỉ, thạch cao làm vật liệu xây dựng. Một số nhà máy đã tiêu thụ được tro xỉ thạch cao nhưng đều mang tính chất tự phát từ các chủ đầu tư nhà máy, và tiêu thụ với số lượng nhỏ.
Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, hiện còn thiếu cơ chế chính sách ưu đãi và các hỗ trợ về đất đai, thuế, và vốn vay để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào xử lý tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư để xử lý là rất lớn và đầu ra cho sản phẩm từ tro xỉ, thạch cao còn nhiều hạn chế.
Ông Trần Văn Hải, Phó trưởng ban Ban quản lý xây dựng – Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, các nhà đầu tư vào xử lý tro xỉ hầu hết khả năng tài chính hạn chế. Do đó, nếu không có chính sách hỗ trợ cụ thể thì doanh nghiệp sẽ rất khó làm. Thực hiện theo Quyết định 1696/QĐ-TTg mà không có được sự hỗ trợ thì khả năng nhiều nhà máy nhiệt điện phải đóng cửa vì lượng lưu của các bãi tro, xỉ sắp hết.
Theo ông Thọ, Tổng cục Năng lượng, trước mắt, cần rà soát, kiểm tra và có giải pháp đảm bảo cần thiết đối với các nhà máy áp dụng phương án thải xỉ khô có nguy cơ ảnh hương môi trường như Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, nhà máy nhiệt điện An Khánh... Ngoài ra, về lâu dài, các tỉnh, thành phố nghiên cứu giải pháp sử dụng lượng tro xỉ cho san lấp mặt bằng, làm đường giao thông. Đối với các dự án nhiệt điện đã có quyết định đầu tư phải có phương án đầu tư xây dựng dây chuyền, thiết bị xử lý tro, xỉ, thạch cao đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đưa vào vận hành trước 2020; Các dự án đầu tư mới, mở rộng cải tạo khi phê duyệt phải bao gồm thiết kế đồng bộ dây chuyền, thiết bị xử lý tro, xỉ, thạch cao đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu xây dựng.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng giao Tổng cục năng lượng rà soát các giải pháp trong QĐ 1696 để thực hiện một cách cụ thể, hiệu quả; đồng thời xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với các phương án xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện. Trong đó cơ chế tập trung vào ưu đãi về vốn vay với lãi suất thấp; Thuế đất đai, thuế nhập khẩu công nghệ, về thị trường đầu ra cho sản phẩm từ tro xỉ… Thứ trưởng cũng giao Tổng Cục Năng lượng trong tháng 8/2015 thực hiện xong dự thảo về cơ chế hỗ trợ dự án xử lý tro, xỉ cho các nhà máy Nhiệt điện và Hóa chất. Sau đó sẽ lấy ý kiến Bộ ngành và báo cáo Chính Phủ.