Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Báo cáo công tác quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo 6 tháng đầu năm của Bộ TN&MT

(11:57:30 AM 23/07/2015)
(Tin Môi Trường) - Tin Môi Trường giới thiệu toàn văn: "Báo cáo công tác quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường". Nội dung sẽ được trình bày tại Hội nghị tập huấn công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 25/7/2015 tại tỉnh Nghệ An.

>>Toàn văn báo cáo 6 tháng đầu năm của ngành tài nguyên và môi trường

>>Toàn văn báo cáo công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường 6 tháng đầu năm 2015

 >>Toàn văn báo cáo công tác quản lý về khoáng sản 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ TN&MT

 

Ảnh minh họa: TL

 

CÔNG TÁC QUẢN LÝ TỔNG HỢP THỐNG NHẤT VỀ BIỂN VÀ HẢI ĐẢO 6 THÁNG ĐẦU NĂM, KẾ HOẠCH THỰC HIỆN 6 THÁNG CUỐI NĂM 2015 VÀ CÁC NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

 
Ngay sau khi Đảng ta ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 09-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 09/2/2007), tử cuối năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng một văn bản Luật quy định về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật. Cùng với việc xây dựng, trình Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ thực hiện công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo (tại Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong khi chưa có Luật, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06/3/2009). Song song với việc triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn rất mới mẻ ở Việt Nam, Bộ chỉ đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẩn trương tập trung nguồn lực, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo, chuẩn bị kỹ các điều kiện tiền đề cần thiết về cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.


Ngày 18/6/2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 45/2013/QH13 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, trong đó đã bổ sung Dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương xây dựng Dự án Luật này.


Sau thời gian xây dựng nghiêm túc, công phu, với rất nhiều hội thảo khoa học và khảo sát thực tiễn, Dự án Luật đã nhận được sự đồng thuận từ các Bộ, ngành, địa phương và ngày 31 tháng 7 năm 2014, tại Phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2014, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất thông qua, trình Quốc hội dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.


Dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và tại Kỳ họp thứ 9, ngày 25/6/2015 Quốc hội đã thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trong suốt thời gian này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua.


A. Công tác quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo


I. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo 6 tháng đầu năm 2015


Trong 6 tháng đầu năm 2015, trên cơ sở Chương trình công tác năm 2015 của Bộ, Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tổ chức triển khai kế hoạch, nhiệm vụ công tác, trong đó tập trung  đẩy mạnh xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức triển khai các dự án, nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là các đề án, chương trình của Chính phủ; mở rộng công tác hợp tác quốc tế; tăng cường công tác tuyên truyền; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và địa phương ven biển triển khai công tác giao khu vực biển...


1. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật


Năm 2015, đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật vể lĩnh vực biển và hải đảo, được giao chủ trì xây dựng 10 văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện 01 văn bản chuyển tiếp. Kết quả cụ thể như sau:


- Đã tổng hợp tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ngày 25/6/2015, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật tài nguyên biển và hải đảo. Đây là công cụ pháp lý quan trọng  đối với quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo (có kèm theo tham luận nội dung cơ bản của Luật tài nguyên, môi trường biển).


- Công tác xây dựng các văn bản dưới luật cũng được quan tâm chú trọng xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan. Đến nay, các đã hoàn thành xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đã trình ký Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc đề án Tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến  2020. Đã hoàn thành trình Bộ và gửi Bộ Tài chính đối với dự thảo Thông tư liên tịch Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính quy định phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý sử dụng tiền sử dụng khu vực biển. Các dự thảo Thông tư cũng được Tổng cục khẩn trương xây dựng bảo đảm tiến độ.


Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Tài nguyên và Môi trường về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.


2. Công tác điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển


2.1. Thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến 2010, tầm nhìn đến 2020 (Đề án 47): Đã xây dựng và trình Bộ để trình Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phê duyệt Chương trình công tác năm 2015 và phương án kiện toàn Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển . Tổng hợp tình hình thực hiện trong năm 2014 và kế hoạch triển khai trong năm 2015 đối với các dự án thuộc Đề án 47; tổng hợp danh mục và đề cương sơ bộ của các dự án mở mới bổ sung giai đoạn 2013 - 2020 của Đề án 47. Đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền để tổ chức thẩm định, nghiệm thu các dự án, nhiệm vụ thuộc Đề án 47. Xây dựng dự thảo Quy chế thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản biển và hải đảo đối với các dự án thuộc Đề án 47. Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Dự án “Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường một số hải đảo, cụm đảo lớn, quan trọng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải” (Dự án Đảo) ; tổ chức kiểm tra thi công thực địa năm 2015 của các dự án thành phần thuộc Dự án Đảo.


2.2. Tổ chức thực hiện các dự án về điều tra tài nguyên, môi trường biển: Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 47, Tổng cục còn tổ chức triển khai các dự án khác về điều tra tài nguyên, môi trường biển. Các dự án được triển khai về cơ bản bảo đảm tiến độ của kế hoạch.


3. Công tác quản lý khai thác, sử dụng biển và hải đảo


3.1. Về quy hoạch sử dụng biển và hải đảo: Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục đã hoàn thiện và trình Bộ thuyết minh đề cương Đề án “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam” theo góp ý của các tổ chức, cá nhân .


3.2. Về quản lý tổng hợp vùng bờ


a) Thực hiện Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” (Chương trình 158): Đã hoàn thành và chuẩn bị nghiệm thu Dự án “Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình truyền thông về Quản lý tổng hợp đới bờ cho dải ven biển Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ giai đoạn 2011-2013”.


b) Thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ (Chiến lược 2295): Đã tham mưu cho Bộ gửi các bộ, ngành liên quan và địa phương ven biển cử thành viên tham gia Ban điều phối và xây dựng Quy chế hoạt động thực hiện Chiến lược. Đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược. Hiện nay, Bộ đã công bố và tổ chức triển khai Chiến lược.


3.3. Về giao khu vực biển: Đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đã tổ chức xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý sử dụng tiền sử dụng khu vực biển; xây dựng văn bản hướng dẫn quy trình các bước xác định ranh giới, vị trí, diện tích khi giao khu vực biển trên nền hải đồ giấy và hải đồ điện tử. Đã nhận từ Quân chủng Hải quân và tổ chức bàn giao hải đồ các khu vực biển cho các địa phương để xác định tọa độ làm cơ sở cho việc giao khu vực biển.


4. Công tác kiểm soát tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo


4.1. Thực hiện “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030” theo Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 06/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ (Chiến lược 1570): Đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiệm vụ “Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.


4.2. Thực hiện Chương trình “Thực hiện Tuyên bố chung và Chương trình khung giữa Việt Nam, Campuchia, Thái Lan về hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng vịnh Thái Lan” và “Kế hoạch thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước Cộng hòa Phi-lip-pin về hợp tác trong lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu trên biển”(Chương trình 1278 và 1864): Đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiệm vụ “Hoạt động của cơ quan đầu mối thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển (giai đoạn 2012 - 2015)”. Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chương trình 1278 và 1864; tổng hợp báo cáo thống kê số lượng tràn dầu và hóa chất rò rỉ trên biển năm 2014; tổ chức Hội nghị Việt Nam - Phi-lip-pin . Đôn đốc các đơn vị triển khai bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ thuộc Chương trình 1278 và 1864.


5. Công tác hợp tác quốc tế và khoa học, công nghệ


5.1. Về hợp tác quốc tế


a) Công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 năm 2015: Tiếp tục triển khai các hoạt động chuẩn bị tổ chức Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 tại Việt Nam, đã phối hợp với PEMSEA và thành phố Đà Nẵng xây dựng Kế hoạch chi tiết tổ chức Đại hội Biển Đông Á năm 2015. Hiện nay, Tổng cục đã xin ý kiến và đang tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý hoàn thiện kế hoạch và dự toán chi tiết. Đã thực hiện các thủ tục để Bộ ký MOU giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành phố Đà Nẵng và PEMSEA về công tác chuẩn bị Đại hội.


b) Thực hiện Đề án “Hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020” (Đề án 80): Sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục đã tham mưu với Bộ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ không tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 80 như một Đề án độc lập mà tiếp tục triển khai theo hướng lồng ghép các nhiệm vụ này vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch  và kế hoạch về  biển cũng như các đề án, dự án đang và sẽ triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương liên quan. Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 3046/VPCP-QHQT ngày 04/5/2015 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý không tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 80 như một Đề án độc lập mà tiếp tục triển khai theo hướng lồng ghép các nhiệm vụ này vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch và kế hoạch về biển, các đề án, dự án đang và sẽ triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương liên quan. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lần cuối các nhiệm vụ của Đề án để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thực hiện văn bản trên, Tổng cục đang chuẩn bị giúp Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát lần cuối các nhiệm vụ của Đề án.


c) Các nhiệm vụ hợp tác quốc tế khác: Đã tham dự Hội nghị liên Chính phủ COBSEA lần thứ 22 tại Thái Lan. Thống nhất nội dung đề cương dự án với AFD (Pháp) và trình Bộ phê duyệt đề cương Dự án “Hỗ trợ phát triển bền vững Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và Vùng cửa sông Hải Phòng”. Làm việc với các đối tác GIZ và DFAT về xây dựng chương trình kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam. Báo cáo Bộ về hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài (Nga, Cu-ba, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Mỹ và Canada).


4.2. Về khoa học, công nghệ: Tổ chức triển khai thực hiện 11 đề tài khoa học, công nghệ  và 04 nhiệm vụ khoa học, công nghệ khác; tổ chức các hội đồng xét duyệt, thẩm định, nghiệm thu các đề tài đã hoàn thành.


5. Công tác thông tin, tuyên truyền


- Đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan hữu quan tổ chức thành công các hoạt động của Ngày Đại dương thế giới (08/6) và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2015  (ngày 07 và 08 tháng 6 năm 2015) tại tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề “Đại dương xanh, hành tinh xanh” .
- Đã báo cáo Ban chỉ đạo Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát  triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam”  (Đề án 373) và đôn đốc các đơn vị triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án  đảm bảo thực hiện hoàn thành kế hoạch và dự toán ngân sách được giao .
- Đã ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.

 

Báo cáo công tác quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo 6 tháng đầu năm của Bộ TN&MT


II. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIỂN VÀ HẢI ĐẢO TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015


1. Về công tác xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo


Các địa phương ven biển đã tích cực tham gia, phối hợp cùng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/05/2014 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 06/09/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt triển khai Chiến lược sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đặc biệt, một số địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên cơ sở Quyết định số 23/2013/QĐ-TTg ngày 26/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo (Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Cà Mau, Kiên Giang...).


2. Về công tác điều tra cơ bản


Một số địa phương ven biển tích cực triển khai các dự án, nhiệm vụ điều tra cơ bản tại vùng biển địa phương nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương với các nhiệm vụ, đề tài, dự án sau: Điều tra, khảo sát hiện trạng tài nguyên và môi trường vùng ven biển tỉnh Ninh Bình; Điều tra, đánh giá và đề xuất giải pháp phát triển bền vững đảo Lý Sơn; Đề xuất chủ trương đầu tư công Tiểu dự án Điều tra, đánh giá hiện tượng dòng Rip (chảy xoáy) tại các bãi tắm Bình Định, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phòng tránh; Tổ chức xây dựng đã Dự án “Điều tra, đánh giá và đề xuất quản lý tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước vùng ven biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.


3. Về quản lý khai thác, sử dụng biển và hải đảo


Công tác quản lý tổng hợp vùng bờ bước đầu được các địa phương chú trọng với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ, dự án:


- Xây dựng đề cương nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các tiêu chí, cơ chế giám sát đánh giá việc thực hiện Chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển tỉnh Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.


- Xây dựng Đề cương dự án quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2 (2016-2020).


- Tổ chức xây dựng hồ sơ vùng bờ; ban hành Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh Quảng Ngãi.


- Xây dựng Kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2030.


- Tổ chức thu thập dữ liệu để xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp vùng ven bờ Bình Thuận; chuẩn bị Dự án ”Xây dựng bản đồ biến động đường bờ và các đảo khu vực tỉnh Bình Thuận”.


- Tổ chức xây dựng Kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.


- Hoàn thiện để trình UBND tỉnh phê duyệt Chiến lược Quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.


4. Về bảo vệ môi trường biển và hải đảo


Công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo cũng được các địa phương quan tâm. Tiêu biểu là:


- Tỉnh Nghệ An đã hoàn thành quan trắc môi trường tổng hợp vùng bờ đợt I năm 2015.


- Tỉnh Bình Định tổ chức xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2015.


- Tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Kế hoạch tổ chức diễn tập Ứng phó sự cố tràn dầu tại khu trung chuyển xăng dầu Hòa Phú.


- Tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức xây dựng nhiệm vụ “Xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng”.


5. Công tác tuyên truyền về biển và hải đảo


Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác tuyên truyền biển và hải đảo với các hình thức đa dạng, tiêu biểu như:


- Tỉnh Ninh Bình tổ chức các hoạt động: “Hướng về biển đảo quê hương”; triển lãm bản đồ và trưng bày tài liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng dân cư ven biển về khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, đảo cho bà con ngư dân tại Thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn.


- Tỉnh Nghệ An: đã tổ chức chiến dịch làm sạch bãi biển Quỳnh Phương.


- Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: tổ chức chương trình “Nghĩa tình Côn Đảo” lần 03 tại huyện Côn Đảo.


- Tỉnh Sóc Trăng: tổng kết Cuộc thi “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam”.


- Tỉnh Cà Mau: tổ chức mít tinh, diễu hành, ra quân làm sạch bãi biển tại thị trấn Cái Đôi Vàm; phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình xây dựng phóng sự về biển và hải đảo Cà Mau.


III. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP


1. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân


- Việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm đảm bảo các văn bản này được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật gặp khó khăn do thời gian để triển khai ngắn, nội dung phức tạp, nhiều nội dung mới. Công tác xây dựng các Thông tư liên tịch chưa được ban hành đúng tiến độ từ phía các Bộ liên quan.


- Ngày 21/5/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Tiếp đó, ngày 27/01/2015 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Theo các quy định tại các văn bản nêu trên, cùng trong phạm vi khu vực biển (vùng biển 3 hải lý) có 2 hình thức khác nhau đối với tổ chức, cá nhân sử dụng thuê đất có mặt nước ven biển và giao khu vực biển với thẩm quyền giao, cho thuê khác nhau; thời hạn, trình tự, thủ tục, nghĩa vụ tài chính khác nhau. Điều này dẫn đến những vướng mắc trong triển khai thực hiện và áp dụng không thống nhất.


- Mặc dù Tổng cục được thành lập 3 đơn vị mới, chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ đã được nâng lên một bước, song nhìn chung nhân sự vẫn còn mỏng và phải liên tục được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật để trong thời gian tới có thể thực sự chủ động đảm đương thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời cơ sở vật chất phục vụ cho công chức, viên chức làm việc còn thiếu thốn do đó hiệu quả công việc chưa được đảm bảo.


- Kinh phí ngân sách cấp cho Tổng cục để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ đặc thù, chi thường xuyên còn eo hẹp, thiếu kinh phí thực hiện; kinh phí đoàn vào hàng năm chưa được phân bổ dẫn đến khó khăn, không chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Tổng cục. Kinh phí cấp cho các dự án, nhiệm vụ chuyên môn còn dàn trải nên chưa đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện các dự án.


2. Giải pháp khắc phục


- Tiếp tục kiện toàn về tổ chức và nhân sự của Tổng cục đảm bảo không để ảnh hưởng đến tiến độ các công việc được giao; tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, công chức của Tổng cục; tiếp tục đào tạo, tăng cường năng lực xây dựng và triển khai các dự án trọng tâm, trọng điểm, kết hợp với huy động sức mạnh của các đơn vị trong và ngoài Bộ; tham gia xây dựng và thực hiện các dự án, nhiệm vụ cấp bách.


- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhiệm vụ, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ.


- Tăng cường sự phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.


- Báo cáo Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan có phương án sửa đổi các nội dung quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27 tháng 01 năm 2015 nhằm tránh chồng chéo với những quy định tại Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2015.


B. Nội dung cơ bản của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo


Ngày 25/6/2015, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13. Luật đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 08 tháng 7 năm 2015 (Lệnh số 10/2015/L-CTN). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Riêng quy định tại Khoản 1 Điều 79 (Điều khoản chuyển tiếp) được áp dụng từ thời điểm Luật được công bố.


I. Bố cục của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo


Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm có 10 chương 81 điều, cụ thể như sau:


1. Chương I. Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8)


Chương này quy định về: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); đối tượng áp dụng (Điều 2); giải thích từ ngữ (Điều 3); chính sách của Nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 4); nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo (Điều 5); tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo (Điều 6); Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam (Điều 7); những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8).


2. Chương II. Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, gồm 3 điều (từ Điều 9 đến Điều 11)


Chương này quy định về: nguyên tắc, căn cứ lập và kỳ chiến lược (Điều 9); nội dung của chiến lược (Điều 10); lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện chiến lược (Điều 11).


3. Chương III. Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, gồm 2 mục, 10 điều (từ Điều 12 đến Điều 21)


a) Mục 1: Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quy định về: Yêu cầu đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 12); hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 13); Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 14); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 15); Thống kê tài nguyên biển và hải đảo (Điều 16).


b) Mục 2: Nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quy định về: Quy định chung về hoạt động nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 17); Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 18); cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam (Điều 19 và Điều 20); Công bố và chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam (Điều 21).


4. Chương IV. Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, gồm 3 mục, 17 điều (từ Điều 22 đến Điều 38)


a) Mục 1: Vùng bờ và hành lang bảo vệ bờ biển, quy định về: Phạm vi vùng bờ (Điều 22); hành lang bảo vệ bờ biển (Điều 23); các hoạt động bị nghiêm cấm và hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển (Điều 24 và Điều 25);


b) Mục 2: Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ,  bao gồm các quy định về: Nguyên tắc, căn cứ lập quy hoạch (Điều 26); phạm vi, nội dung, kỳ quy hoạch (Điều 27); điều chỉnh quy hoạch (Điều 28); lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch (Điều 29); lấy ý kiến và công bố quy hoạch (Điều 30); tổ chức thực hiện quy hoạch (Điều 31); mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ với các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành, địa phương (Điều 32); nguyên tắc phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ (Điều 33).


c) Mục 3: Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, bao gồm các quy định về: Phạm vi, nội dung chương trình (Điều 34); nguyên tắc, căn cứ lập, điều chỉnh chương trình (Điều 35); lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh chương trình (Điều 36); lấy ý kiến và công bố chương trình (Điều 37); tổ chức thực hiện chương trình (Điều 38).


5. Chương V. Quản lý tài nguyên hải đảo, gồm 3 điều (từ Điều 39 đến Điều 41). Chương này quy định về: yêu cầu quản lý tài nguyên hải đảo (Điều 39); lập, quản lý hồ sơ hải đảo (Điều 40); khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo (Điều 41).


6. Chương VI. Kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc và nhận chìm ở biển, gồm 3 mục, 22 điều (từ Điều 42 đến Điều 63)


a) Mục 1: Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, bao gồm các quy định về: Nguyên tắc, nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo (Điều 42 và Điều 43); trách nhiệm điều tra, đánh giá môi trường biển và hải đảo (Điều 44); kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển, từ đất liền và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới (từ Điều 45 đến Điều 47); các công cụ, biện pháp để kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo (phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo) và đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo (từ Điều 48 đến Điều 50); báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo (Điều 51).


b) Mục 2: Ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, bao gồm các quy định về: Nguyên tắc ứng phó, khắc phục sự cố (Điều 52); phân cấp ứng phó sự cố (Điều 53); xác định và thông báo khu vực hạn chế hoạt động (Điều 54); tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở gây sự cố (Điều 55); trách nhiệm trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển (Điều 56).


c) Nhận chìm ở biển, bao gồm các quy định về: Yêu cầu đối với việc nhận chìm và vật, chất nhận chìm ở biển (Điều 57 và Điều 58); giấy phép nhận chìm ở biển (Điều 59); cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển (Điều 60); quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển (Điều 61); kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển (Điều 62); nhận chìm ngoài vùng biển Việt Nam gây thiệt hại tới tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam (Điều 63).


7. Chương VII. Quan trắc, giám sát tổng hợp và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, gồm 2 mục 7 điều (từ Điều 64 đến Điều 70)


a) Mục 1: Quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, bao gồm các quy định về: Yêu cầu đối với quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 64); thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát (Điều 65); tham gia các hệ thống quan trắc, giám sát biển và đại dương của khu vực, thế giới (Điều 66).


b) Mục 2: Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, bao gồm các quy định về: Hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 67); xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 68); lưu trữ, khai thác, sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 69); tích hợp, trao đổi, chia sẻ dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 70).


8. Chương VIII. Hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo, gồm 2 điều (Điều 71 và Điều 72). Chương này quy định về: nguyên tắc hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 71); hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo (Điều 72).


9. Chương IX. Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, gồm 6 điều (từ Điều 73 đến Điều 78). Chương này quy định về: trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp (Điều 73 và Điều 74); trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên (Điều 75); nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo (Điều 76); báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo (Điều 77); thanh tra về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo (Điều 78).


10. Chương X. Điều khoản thi hành, gồm 3 Điều (từ Điều 79 đến Điều 81)


Chương này quy định về: điều khoản chuyển tiếp (Điều 79); hiệu lực thi hành (Điều 80); quy định chi tiết (Điều 81).

 

Báo cáo công tác quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo 6 tháng đầu năm của Bộ TN&MT

 


II. Nội dung cơ bản của Luật


1. Chương I. Những quy định chung


a) Về phạm vi điều chỉnh:


Phạm vi điều chỉnh của Luật này là quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.


Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là việc hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.


Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là phương thức quản lý theo phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực nhằm quản lý có hiệu quả hơn các hoạt điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo. Phương thức quản lý tổng hợp có vai trò điều chỉnh hoạt động của con người để bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái, qua đó, bảo đảm tài nguyên biển được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển được bảo vệ; hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.


Luật đã bám sát mục tiêu ban hành Luật là để quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo trên các vùng biển của nước ta bằng phương thức quản lý tổng hợp. Do vậy, Luật chỉ tập trung quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp, không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể, không chồng chéo với các luật chuyên ngành mà cùng với các luật chuyên ngành tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.


Theo quy định của Luật, tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm (gọi chung là hải đảo) thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.


Luật cũng quy định, đối với hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo thực hiện theo quy định của các luật có liên quan và bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật này tại phạm vi điều chỉnh để thể hiện rõ phạm vi điều chỉnh, phân định phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật chuyên ngành.


b) Trong Chương này, Luật quy định nhiều nội dung mới quan trọng như nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo, tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó ghi nhận các nguyên tắc, chế định rất mới như: Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, quyền tiếp cận của người dân với biển, nghiêm cấm các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển và trên quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn.


2. Chương II. Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo


Chương này quy định cụ thể về nguyên tắc, căn cứ lập chiến lược. Quy định Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được lập ở cấp quốc gia cho giai đoạn 20 năm, tầm nhìn 30 năm. Quy định rõ về các nội dung của chiến lược và quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện chiến lược.


Luật cũng quy định các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chiến lược của ngành, địa phương có nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường cho phù hợp với chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.


3. Chương III. Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo


a) Điều tra cơ bản:


Công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nhiệm vụ ưu tiên đã được khẳng định trong Nghị quyết của Đảng. Luật quy định các yêu cầu đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định về Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm điều phối các hoạt động điều tra cơ bản trên biển, bảo đảm sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong quá trình tổ chức thực hiện; quy định rõ tiêu chí của các Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là: dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra mang tính liên ngành, liên vùng, ở vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề; điều tra cơ bản hải đảo, phát hiện nguồn tài nguyên mới, các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.


Luật quy định yêu cầu các Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản không thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật; trước khi phê duyệt phải lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự cần thiết, đối tượng, phạm vi, nội dung điều tra, tính khả thi, hiệu quả; sau khi phê duyệt phải gửi quyết định phê duyệt và thông tin về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ khu vực điều tra của dự án, đề án, nhiệm vụ về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án điều tra cơ bản loại tài nguyên cụ thể được điều chỉnh bằng pháp luật chuyên ngành (pháp luật về tài nguyên nước, khoáng sản, dầu khí, thủy sản,…).


b) Nghiên cứu khoa học:


Các hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của các tổ chức, cá nhân trong nước đã được quy định cụ thể trong pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật có liên quan. Phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật này là quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Luật tập trung quy định về Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm huy động nguồn lực quốc gia và sự tham gia của nhiều ngành KH&CN để giải quyết các vấn đề liên ngành, lĩnh vực, liên vùng, quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; định hướng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; làm cơ sở lý luận để hoạch định chính sách, cơ chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.


Riêng việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam chưa được quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ nên nội dung này được quy định cụ thể trong Luật. Luật đã quy định chi tiết, cụ thể, chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, phù hợp với Luật biển Việt Nam và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển.


4. Chương IV. Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ


Vùng bờ là khu vực chuyển tiếp giữa đất liền hoặc đảo với biển, bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển. Vùng bờ là nơi có nhiều hệ sinh thái quan trọng, có sự tương tác giữa biển và đất liền mạnh nhất và là nơi tập trung nhiều hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, dễ phát sinh các xung đột, mâu thuẫn về lợi ích trong khai thác, sử dụng, đồng thời có tác động, ảnh hưởng mạnh nhất đến môi trường, hệ sinh thái biển. Do vậy, khu vực này cần được quản lý đặc biệt để duy trì và phát triển bền vững. Hầu hết các quốc gia có biển đều xác lập khu vực này và áp dụng các công cụ phù hợp để quản lý. Do đó, một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Luật này là quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ với phạm vi không gian bao gồm cả vùng đất ven biển.


- Phạm vi vùng bờ: tham khảo kinh nghiệm quốc tế và để phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng bờ của nước ta, Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định phạm vi vùng bờ trong Luật và giao Chính phủ quy định cụ thể để phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng khu vực trong vùng bờ, đặc điểm quá trình tương tác giữa đất liền hoặc đảo với biển, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường vùng bờ, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang ngày càng diễn biến phức tạp và một số đặc điểm khác ở khu vực vùng bờ để tổ chức quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ được linh hoạt, phù hợp với năng lực quản lý.


- Hành lang bảo vệ bờ biển: quy định hành lang bảo vệ bờ biển lần đầu tiên được luật hóa, hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.


Luật đã quy định rõ yêu cầu, mục tiêu, nguyên tắc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; quy định về chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức thiết lập, công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý. Quy định này nhằm bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, bảo đảm hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập sát với tình hình thực tế tại địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên ở vùng đất ven biển.


Mực nước triều cao trung bình nhiều năm dùng để xác định hành lang bảo vệ bờ biển được tính theo chu kỳ triều thiên văn (18,6 năm) ở những nơi được quan trắc liên tục, ổn định; đối với những nơi chưa đủ điều kiện quan trắc, bờ biển có nhiều biến động, mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm sẽ được tính toán cụ thể bằng các phương pháp thích hợp.


Luật cũng quy định cụ thể các hoạt động bị nghiêm cấm, các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển.


- Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là công cụ quan trọng để thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ hiệu quả nhằm bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng và yêu cầu bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái; hài hòa lợi ích ngắn hạn và dài hạn của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên với lợi ích của nhà nước và cộng đồng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Luật đã quy định rõ nguyên tắc, căn cứ lập quy hoạch; phạm vi, nội dung, kỳ quy hoạch; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch… Đặc biệt, Luật quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ với các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành, địa phương và nguyên tắc phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ.


- Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ gồm các chương trình có phạm vi liên tỉnh và các chương trình trong phạm vi quản lý của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển; được lập cho khu vực vùng bờ trong các trường hợp: tập trung nhiều hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và có mâu thuẫn, xung đột hoặc nguy cơ mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên cần sự phối hợp tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng để giải quyết; tài nguyên, giá trị các hệ sinh thái của khu vực vùng bờ có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng do hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên; là vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Luật cũng quy định cụ thể về nguyên tắc, căn cứ lập, điều chỉnh chương trình; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh chương trình; tổ chức thực hiện chương trình…


5. Chương V. Quản lý tài nguyên hải đảo


Luật yêu cầu hải đảo phải được điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể, toàn diện về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường; thống kê, phân loại để lập hồ sơ và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo tồn, phát triển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Hải đảo được phân loại để bảo vệ, bảo tồn và khai thác, sử dụng tài nguyên. Theo đó, Luật quy định cụ thể các hoạt động bị nghiêm cấm đối với quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với quần đảo, đảo được thực hiện như đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên trên đất liền theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.


6. Chương VI. Kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc và nhận chìm ở biển


a) Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo: Luật quy định về nguyên tắc, nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; trách nhiệm điều tra, đánh giá môi trường biển và hải đảo; quy định cụ thể việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển, từ đất liền và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới. Đặc biệt, Luật quy định các công cụ, biện pháp để kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo (phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo) và đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được phân thành các cấp. Cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo là cơ sở đề ra các giải pháp hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được phân thành các cấp: Vùng rủi ro ô nhiễm thấp; Vùng rủi ro ô nhiễm trung bình; Vùng rủi ro ô nhiễm cao; Vùng rủi ro ô nhiễm rất cao. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


b) Ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển: Sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển là sự cố môi trường. Luật bảo vệ môi trường 2014 đã có riêng 1 mục (Mục 3 Chương X) quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và xử lý sự cố môi trường. Tại khoản 8 Điều 52 Luật đã quy định “Việc phòng ngừa, khắc phục, xử lý sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan”. Luật này chỉ quy định chi tiết một số vấn đề đặc thù trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển như: phân cấp ứng phó sự cố; xác định và thông báo khu vực hạn chế hoạt động; tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở gây sự cố; trách nhiệm trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển… và giao Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển.


c) Nhận chìm ở biển: Nhận chìm ở biển là một trong những chế định mới được quy định cụ thể trong Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các điều ước quốc tế về vấn đề này. Nhận chìm ở biển là sự đánh chìm hoặc trút bỏ có chủ định xuống biển các vật, chất được nhận chìm ở biển theo quy định của Luật này. Để bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường biển, Luật quy định khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải tuân thủ quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy định cụ thể về điều kiện vật, chất được nhận chìm ở biển và giao Chính phủ quy định Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển. Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển; quy định về kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển. Về thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển, Luật đã quy định phân cấp thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được cấp phép nhận chìm ở khu vực biển ven bờ; các khu vực khác giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Tổ chức, cá nhân có vật, chất thuộc Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ được xem xét, thẩm định, cấp Giấy phép nhận chìm ở biển. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạt động nhận chìm ở biển theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Luật không quy định điều kiện đối với tổ chức, cá nhân được phép nhận chìm ở biển để tránh phát sinh các thủ tục hành chính, hạn chế quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân, phù hợp với quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.


7. Chương VII. Quan trắc, giám sát tổng hợp và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo


a) Quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo:


Quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là quá trình theo dõi có hệ thống về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, các yếu tố tác động đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm cung cấp thông tin, đánh giá hiện trạng diễn biến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và dự báo, cảnh báo các tác động xấu đối với tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được tiến hành thường xuyên, toàn diện phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thiết lập đồng bộ, tiên tiến, hiện đại để bảo đảm thu thập đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; bảo đảm kết nối với hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của khu vực và thế giới. Hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thiết lập trên cơ sở kết nối các hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của bộ, ngành, địa phương; là một hệ thống mở, kết nối và chia sẻ thông tin bảo đảm thông suốt từ trung ương đến địa phương.


b) Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo:


Hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thiết kế tổng thể và xây dựng thành hệ thống thống nhất trong phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam. Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia là tập hợp thống nhất toàn bộ dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong phạm vi cả nước được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia, được số hóa để cập nhật, quản lý, khai thác bằng hệ thống công nghệ thông tin. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm điều tra, thu thập dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của bộ, ngành, địa phương; cung cấp dữ liệu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia. Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia trên cơ sở tích hợp cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. Dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được trao đổi, chia sẻ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.


8. Chương VIII. Hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo


Chương này quy định về các nguyên tắc hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định cụ thể các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo với các nước, các tổ chức nước ngoài và quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổng hợp hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có trách nhiệm hằng năm đánh giá tình hình hoạt động hợp tác quốc tế của cơ quan mình, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


9. Chương IX. Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo


Trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo đối với các loại tài nguyên cụ thể đã được quy định và thực hiện theo pháp luật chuyên ngành (như pháp luật về thủy sản, khoáng sản, dầu khí, du lịch…); trách nhiệm bảo vệ môi trường biển cũng được quy định trong pháp luật bảo vệ môi trường. Luật này chỉ tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng; giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo để bảo đảm yêu cầu của công tác quản lý tổng hợp. Đồng thời, tại Điều 76 của Luật đã quy định về nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo và giao Chính phủ quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Chính phủ sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành trong hoạt động này.


10. Chương X. Điều khoản thi hành


Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Riêng về hành lang bảo vệ bờ biển, Luật quy định kể từ thời điểm Luật này được công bố, giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp sau: a) Xây dựng mới công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; b) Xây dựng mới công trình theo dự án đầu tư phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư; c) Xây dựng công trình theo dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trước thời điểm Luật này được công bố. Đồng thời, Luật quy định trong thời hạn 18 tháng kể từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý.


Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên của ngành, địa phương, quy hoạch phát triển ngành, địa phương được tiếp tục thực hiện cho đến khi được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt.

Tin Môi Trường