Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định

(22:29:15 PM 20/07/2015)
(Tin Môi Trường) - Ngày 20/7, tại Hà Nội, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Viện Pháp ngữ về phát triển bền vững phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khu vực chia sẻ kinh nghiệm soạn thảo Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) cho Việt Nam, Lào, Campuchia và Vunuatu. Tham dự có đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, đại diện của Khối cộng đồng Pháp ngữ.


Quang cảnh hội thảo khu vực chia sẻ kinh nghiệm soạn thảo Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) cho Việt Nam, Lào, Campuchia và Vunuatu.


Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Hội nghị lần thứ 17 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP17) tại Nam Phi đã quyết định việc xây dựng Thỏa thuận quốc tế mới dự kiến sẽ thông qua tại Hội nghị COP 21 trong năm 2015 và có hiệu lực từ sau năm 2020. Trong đó, INDC là một nội dung rất quan trọng để triển khai thực hiện Thỏa thuận 2015, góp phần thực hiện mục tiêu của Công ước, cũng như giữ cho nhiệt độ trái đất vào cuối thế kỷ tăng không quá 2 độ C. Vì vậy, Hội nghị COP 20 ở Lima, Peru, năm 2014 đã ra quyết định “Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu” trong đó kêu gọi các Bên xây dựng và đệ trình INDC trong năm 2015, trước khi diễn ra Hội nghị COP 21 tại Paris, Cộng hòa Pháp.


Với quyết tâm xây dựng thành công Thỏa thuận 2015, áp dụng cho tất cả các Bên, trong thời gian vừa qua, các quốc gia tùy theo năng lực, hoàn cảnh, trách nhiệm của mình đã nỗ lực nghiên cứu, tích cực xây dựng INDC. Hiện đã có 19 INDC được chính thức gửi Ban thư ký Công ước.


Là một quốc gia đang phát triển được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ sống còn. Vì vậy, trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn huy động nội lực cũng như hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tích cực triển khai việc xây dựng INDC của Việt Nam với những đóng góp cụ thể ở cả lĩnh vực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Quá trình xây dựng đã có sự tham gia rộng rãi của các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển.


Theo dự thảo INDC của Việt Nam, hợp phần giảm nhẹ bao gồm các thông tin và mức đóng góp dự kiến định lượng, khả thi và cả kỳ vọng về giảm phát thải, tăng cường các bể hấp khí nhà kính của Việt Nam bằng các nỗ lực quốc gia cũng như các đóng góp khi có thêm hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực từ các nước phát triển và các tổ chức quốc tế cũng như việc áp dụng một số cơ chế thị trường các – bon quốc tế trong giai đoạn 2021-2030. Hợp phần thích ứng bao gồm các thông tin và mức đóng góp của Việt Nam liên quan tới thích ứng của biến đổi khí hậu, xác định các hành động ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu như nông nghiệp, tài nguyên nước, vùng ven bờ…


Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, góp ý và chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong xây dựng INDC, thống nhất về các mặt liên quan trong phương pháp luận trong INDC cũng như những mục tiêu giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời trao đổi về nhu cầu và khả năng hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu của các nước trong Khối cộng đồng Pháp ngữ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian tới, trước hết là hoàn thành INDC cho Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu trước COP 21 tại Paris, Cộng hòa Pháp.

Thanh Tuấn