Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ
Đỉnh điểm của tình trạng thiếu nước bắt đầu từ ngày 13-7, khi Công ty Cấp thoát nước Kiên Giang (Kiwaco) tuyên bố đóng cửa Nhà máy nước Kiên Giang. Cũng từ đây đời sống của trên 250.000 cư dân ở thành phố này và một phần huyện Hòn Đất hoàn toàn đảo lộn.
Vì sao một đô thị sầm uất nằm bên bờ biển Tây như Rạch Giá mà người dân lao đao vì thiếu nước ngay giữa mùa mưa? Trao đổi với lãnh đạo Kiwaco, lập tức nhận được câu trả lời tất cả tại... ông trời.
Năm nay nước đầu nguồn về rất ít, thấp hơn mọi năm gần 1m. Nước biển lại dâng cao bất thường, mọi năm chỉ mặn tới tháng 3, tháng 4, năm nay tới tháng 7 vẫn còn mặn chát...
Thế nhưng, giải thích này không tạo được sự đồng thuận của những người am hiểu.
Chuyện TP Rạch Giá thiếu nước sinh hoạt không phải bây giờ mới xuất hiện mà hơn 10 năm trước người dân từng chịu cảnh cúp nước toàn TP, phải mang xô chậu đi chia nước về dùng.
Trong vài năm gần đây thỉnh thoảng cũng bị cúp nước luân phiên do nguồn nước duy nhất mà Kiwaco thu vào nhiễm mặn. Tiếc rằng những cảnh báo này dường như chưa đủ để Kiwaco nhận ra để có một chiến lược đầu tư.
Cụ thể năm 2004, khi Rạch Giá lên đô thị loại II, tốc độ phát triển đô thị ngày càng nhanh, dân cư tăng thì Kiwaco vẫn duy trì một hồ chứa dung tích khoảng 60.000m3.
Những năm sau đó liên tục thiếu nước vào mùa khô do nước mặn xâm nhập, Kiwaco mới xin chủ trương của tỉnh xây các trạm bơm ngầm.
Bơm ngầm vài năm thấy chất lượng không ổn định, Kiwaco xin chủ trương đầu tư dự án xây hồ chứa mới ở Tà Tây, Phi Thông công suất 500.000m3, gấp gần 10 lần hồ cũ.
Năm 2013 hồ chứa này hoàn thành, lúc ấy Kiwaco công bố rằng đủ sức cung cấp nước cho người dân Rạch Giá và một nửa của huyện Hòn Đất nên dẹp bỏ hết trạm bơm.
Thời điểm đó Kiwaco tính rằng TP Rạch Giá và gần một nửa huyện Hòn Đất xài nhiều lắm cũng chỉ cỡ 50.000m3 nước/ngày. Với hồ mới xây có thể cấp nước ròng rã 10 ngày mà không cần bơm thêm.
Mỗi năm chỉ khô hạn nhiều lắm là bảy ngày, cho nên chưa cần triển khai các dự án cấp nước mới. Với tính toán như vậy nên suốt gần 10 năm qua chưa có thêm dự án nào được tỉnh này đầu tư nhằm cấp nước cho Rạch Giá.
Hệ quả tất yếu của kiểu đầu tư thiếu tầm nhìn dài hạn của Kiwaco còn thể hiện rất rõ khi trong những ngày qua gần như chưa có một phương án nào khả thi để giải quyết rốt ráo câu chuyện thiếu nước cho TP.
Các giải pháp mà Kiwaco đưa ra như thuê sà lan chở dầu đi chở nước; huy động xe cộ, kể cả xe chữa cháy chuyên dụng để chở nước cho dân xài... chỉ nhằm hạ bớt sự bức xúc, căng thẳng nhất thời của người dân, còn việc cấp nước chỉ ổn thỏa nhờ vào may mắn khi trời mưa, độ mặn giảm, thu được nước.
Một lãnh đạo tỉnh này thừa nhận chưa lường hết mức độ xâm nhập mặn gay gắt bất thường và chưa có kế hoạch dài hạn cho việc cấp nước cho Rạch Giá nên khi mặn xâm nhập sâu, kéo dài, hồ chứa nước của Kiwaco không đủ nguồn cung, còn dự án cấp nước Nam Rạch Giá vẫn nằm trên giấy.
Tình hình khí hậu biến đổi nhanh tới mức khó dự báo trong tương lai gần. Hằng năm, Kiên Giang cũng tổ chức vài ba hội thảo khoa học nhắc tới chuyện nước biển dâng.
Những kịch bản xa gần đều đã được nêu ra. Người ta lo cho những cánh đồng, vuông tôm, ao cá, khí tượng, thủy văn, đất đai, nhà cửa... nhưng lại quên ngay nhu cầu sát sườn nhất với đời sống người dân đó là nước sạch.
Nước và lương thực là hai nhu cầu tối quan trọng của con người mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm và có chiến lược bài bản.
Người dân TP Rạch Giá đang chờ đợi một cam kết mạnh mẽ, đầu tư cho chiến lược nước dài hơi của chính quyền tỉnh Kiên Giang để không lặp lại câu chuyện đi hứng từng xô nước như những ngày qua.