Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhiều căn nhà tại xã Phú Thuận A (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) bị sập vì sạt lở bờ sông. Nguyên nhân chính là do nạn cát tặc gây ra - Ảnh: Ngọc Tài
Nhận xét về tình trạng khai thác cát trên các sông, TS Vũ Ngọc Long nói:
- Có thể nói tình trạng khai thác cát trái phép trên các con sông đang triển khai rầm rộ. Tình trạng này xảy ra rộng khắp trên các lưu vực sông chạy dọc chiều dài của đất nước.
Hầu như con sông nào cũng bị lạm dụng khai thác tài nguyên cát và sỏi. Đâu đâu cũng thấy người dân sống ven sông bày tỏ thái độ bức xúc với nạn khai thác cát trái phép.
Dù vấn đề này đã được công luận lên tiếng phản ảnh nhưng tình trạng khai thác cát trên các dòng sông Lô, sông Chảy, sông Hồng, sông Gâm, sông Thạch Hãn, sông Thu Bồn, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Hậu, sông Tiền... ngày càng có chiều hướng bành trướng thêm.
Cát tặc cũng đông hơn, tập trung thành từng nhóm có tổ chức hẳn hoi, bất chấp pháp luật, bất chấp công an, ngày đêm đưa những ống hút cát lớn hơn chọc sâu vào lòng sông lẫn bờ sông để khai thác tận diệt, hủy diệt các hệ sinh thái tự nhiên.
Những người dân sống ven sông lo sợ một ngày nào đó tự nhiên đất đai vườn tược đang canh tác từ lâu đời bỗng biến mất.
TS Vũ Ngọc Long - Ảnh: N.L.
* Ngoài việc gây sạt lở, hệ lụy ảnh hưởng của việc khai thác cát bừa bãi có tác động xấu như thế nào đến môi trường?
- Khai thác cát tràn lan là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông. Điều đó không có gì phải tranh cãi.
Thế nhưng cần phải hiểu sông trong tự nhiên luôn có các hệ sinh thái của nó như thảm thực vật ven bờ, thủy sinh động và thực vật lơ lửng trong dòng sông, hệ sinh vật đáy sông, hệ sinh thái các cù lao và cồn cát...
Ngay cả những mỏm đá ngầm giữa dòng sông cũng sống động với sự phong phú của các sinh vật sống bám trên đó. Các hệ sinh thái sông này quyết định chất lượng nước và môi trường sông. Và việc khai thác cát bừa bãi, tràn lan sẽ dẫn đến việc giết chết hệ sinh thái này.
* Một số ban ngành địa phương cho rằng việc quản lý, kiểm soát, bắt bớ cát tặc là vô cùng khó khăn, khó thực hiện được vì lực lượng mỏng, không có phương tiện... Theo ông, ngoài những khó khăn như họ nêu, còn có những nguyên nhân nào khác dẫn đến tình trạng cát tặc lộng hành như hiện nay?
- Muốn siết chặt quản lý khai thác cát trái phép trên các dòng sông thì cần yêu cầu sở tài nguyên và môi trường các tỉnh làm hết trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý. Có lẽ lúc này nên dừng tất cả kế hoạch khai thác cát trên các dòng sông lại để kiểm tra và chấn chỉnh.
* Ông nói thế nào về việc cấp phép khai thác cát của các địa phương có tràn lan không? Có cần phải đóng cửa bớt các mỏ khai thác cát?
- Tình trạng cấp phép như hiện nay là rất tùy tiện và không kiểm soát được. Không nên giao quyền cấp phép khai thác cát cho chính quyền địa phương vì các con sông mang tính lưu vực, liên quan đến nhiều tỉnh thành.
Do đó việc khai thác cát trên các lưu vực sông có phạm vi ảnh hưởng rất rộng lớn, nên khi cấp phép cũng cần phải có ý kiến của các ủy ban bảo vệ lưu vực sông và các bộ, ngành của trung ương.
* Theo ông, cần có những giải pháp nào để việc khai thác cát có kiểm soát, nhất là làm sao bài trừ tật gốc nạn cát tặc đang lộng hành?
- Việc quản lý, kiểm soát cát tặc gặp khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng quan trọng nhất là do chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm.
Thực tế cho thấy nhiều nơi làm ngơ trước tình trạng khai thác trái phép, thậm chí có quan hệ mờ ám với chủ thuyền và chủ phương tiện khai thác.
Có một số nơi có giấy phép khai thác, nhưng khâu kiểm tra giám sát rất yếu hoặc thả lỏng cho doanh nghiệp khai thác muốn làm gì thì làm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lợi dụng cơ hội này hút cát cạn kiệt đến tận đáy sông.
Có thể nói rất nhiều doanh nghiệp được phép khai thác cát nhưng chỉ chăm chăm kiếm lợi, không hề quan tâm đến hệ sinh thái của các loài sinh vật và sự sống còn của thảm thực vật ven sông...
Ngay với cộng đồng địa phương họ cũng rất vô trách nhiệm, không biết việc làm của họ gây thiệt hại nặng nề cho cư dân ven sông như mất đất, mất nhà, mất cả kế sinh nhai.
Những nội dung nên giám sát kiểm tra là giới hạn cho phép khai thác, đăng ký số lượng, chủng loại cát khai thác, độ sâu cho phép khai thác, thời gian khai thác và những vùng cấm khai thác, khu vực nhạy cảm môi trường... Kiên quyết chấm dứt và xử lý nghiêm việc bảo kê các băng nhóm khai thác cát lậu.
Cần thay đổi nhận thức
* Ở phương diện là một nhà khoa học, ông có đề xuất gì trước tình trạng khai thác cát tràn lan?
- Cần thay đổi nhận thức, tức phải nhìn nhận cát là tài nguyên thiên nhiên và là một bộ phận không thể tách rời khỏi hệ sinh thái sông.
Hệ sinh thái sông có nhiều dạng sinh cảnh tự nhiên, thay đổi từ cây rừng ven bờ sông, các bãi thủy triều, giồng cát, cù lao giữa bãi sông, các mỏm đá, đầm lầy, các vùng cửa sông cho đến vùng ngập lũ, các khu trũng rộng hay các dải đất cao phù sa ven sông... đều thuộc về lưu vực sông.
Cho nên phải hiểu sâu sắc rằng khai thác cát sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái sông.
Việc khai thác cát trên sông cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành các hệ sinh thái cửa sông. Cửa sông là nơi nước ngọt từ sông chảy ra biển, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các thủy triều cũng như sự pha trộn giữa nước mặn và nước ngọt...
Hệ sinh thái cửa sông nằm trong số các hệ sinh thái phong phú và năng động nhất nhưng lại rất dễ bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường từ nội địa, khai thác phù sa trong sông, sự thay đổi của chế độ hóa lý nước.
Tôi lấy ví dụ hiện nay vùng cửa sông của Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu đang bị thay đổi và sụt lún cũng là do việc thiếu chất phù sa, cát bồi lắng trong lòng sông.
Do đó, khai thác cát theo kiểu phá hoại trên các con sông như hiện nay là một thách thức cho sự bền vững môi trường, gây ảnh hưởng, đe dọa đến an toàn và an sinh xã hội của toàn vùng đồng bằng ven sông biển.
Nếu hiểu rõ được những điều như tôi vừa nói thì có thể tin rằng các cấp, các ngành sẽ quyết liệt hơn đối với tình trạng khai thác cát bừa bãi.