Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sơ đồ vị trí dự án đê tại vịnh Rạch Giá - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Sự kiện Rạch Giá (Kiên Giang) thiếu nước ngọt đã được các nhà khoa học dự báo nhiều năm trước. Đề tài khoa học cấp nhà nước này đã được Bộ Khoa học và công nghệ nghiệm thu cuối tháng 5-2015.
Hồ nước ngọt trên biển
TS Nguyễn Phú Quỳnh (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, chủ nhiệm đề tài) cho biết Kiên Giang là tỉnh nằm ở cuối nguồn nước ngọt từ sông Hậu và là cửa ngõ thoát lũ của vùng tứ giác Long Xuyên ra biển Tây. 200km bờ biển của tỉnh này cũng phải chịu tác động trực tiếp của tình trạng nước biển dâng.
Trong những năm tới tỉnh Kiên Giang sẽ thiếu nước ngọt do biến đổi khí hậu và do việc sử dụng nước ngọt gia tăng ở vùng thượng lưu.
Ngoài ra, sự thay đổi về nhu cầu nước thượng lưu sông Mekong có thể làm giảm dòng chảy về hạ lưu khiến tình trạng khan hiếm nước sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn làm chế độ mưa thay đổi, chế độ dòng chảy biến động, nước biển dâng cao cũng sẽ tác động xấu đến toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực nam bán đảo Cà Mau do không có nguồn tiếp ngọt từ sông Hậu.
Chính vì vậy cần phải tính toán một cách nghiêm túc các giải pháp trữ nước ngọt để phục vụ mùa khô ở vùng này.
Qua nhiều năm nghiên cứu, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thấy rằng giải pháp xây dựng đê để tạo hồ trữ nước ngọt khổng lồ ngay trên biển vịnh Rạch Giá - Kiên Giang là hiệu quả nhất, với điều kiện có kinh phí đầu tư.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xây dựng hồ nước ngọt trên biển? TS Quỳnh cho biết lòng biển khu vực vịnh Rạch Giá không sâu, ra cách xa bờ 5km cũng chỉ sâu dưới 2m. Thuyền bè nhỏ vẫn phải theo luồng lạch mới vào được đất liền.
Từ Hòn Tre trở ra biển thì sâu từ 7 - 8m. Điều kiện địa chất vùng vịnh Rạch Giá qua khảo sát thấy rất phù hợp để xây dựng đê, nền sẽ ổn định bởi có lớp đất phù sa cổ chịu lực. Việc gia cố móng công trình không quá phức tạp và chi phí cũng không quá lớn so với làm ở các vùng khác.
Căn cứ vào địa hình, địa mạo vùng vịnh và ý kiến phản biện của UBND tỉnh Kiên Giang, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã nghiên cứu xong ba phương án xây dựng đê tùy theo “túi tiền”.
Việc xây dựng tuyến đê quanh vịnh Rạch Giá ngoài việc tạo hồ trữ nước ngọt, còn hình thành khu vực tránh trú bão lớn. Dọc tuyến đê có thể phát triển năng lượng điện bằng gió và thủy triều, phát triển hệ thống cảng biển, mở rộng thành phố Rạch Giá, phát triển du lịch...
Hiệu quả ra sao?
Trong quá trình nghiên cứu, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã tổ chức nhiều hội thảo ghi nhận ý kiến phản biện.
Phần lớn ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý ở các địa phương đồng tình giải pháp “3 trong 1” (thoát lũ, ngăn mặn, cấp nước ngọt) khi thực hiện công trình này. Trong đó phương án 2 nhận được nhiều đồng thuận nhất.
Kết quả nghiên cứu cho thấy khi có đê và cống dưới đê thì nồng độ mặn sẽ được kiểm soát hoàn toàn khi cống đóng ngăn mặn. Khi cống mở trong mùa lũ, do áp lực lũ chảy ra biển thì mặn xâm nhập không đáng kể.
Trường hợp lũ nhỏ mặn có khả năng xâm nhập vào trong vịnh nhưng nồng độ mặn tại cửa Rạch Giá vẫn duy trì ở mức 0.
Theo PGS.TS Lê Mạnh Hùng (phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT), lợi ích của việc xây dựng tuyến đê vịnh Rạch Giá là tạo ra được hồ chứa nước ngọt với dung tích từ vài trăm triệu đến hàng tỉ mét khối, tùy từng phương án tuyến đê.
Nó còn đóng vai trò như là chốt chặn, hướng được lượng nước ngọt từ khu vực có đầu nước cao của sông Hậu qua vùng tứ giác Long Xuyên qua các kênh và hồ trữ để cấp cho bán đảo Cà Mau. Theo tính toán, tổng lượng nước cấp trung bình khoảng 97 triệu m3/tháng.
Tổng lượng cấp bổ sung trong sáu tháng mùa kiệt khoảng 436 triệu m3, chiếm khoảng 7% tổng nhu cầu nước ngọt cho bán đảo Cà Mau.
Tại văn bản ký ngày 28-2-2011 để góp ý cho việc nghiên cứu, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã thống nhất và ủng hộ ý tưởng xây dựng đê biển vịnh Rạch Giá. Tỉnh kiến nghị Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ NN&PTNT sớm triển khai các bước tiếp theo để dự án sớm trở thành hiện thực.
Cần thiết, song cân nhắc bài toán vốn đầu tư
Song song với việc nghiên cứu giải pháp xây dựng đê biển trên vịnh Rạch Giá, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng nghiên cứu tác động của dự án này đến kinh tế, xã hội, môi trường, hệ sinh thái khu vực.
Đề tài do TS Trịnh Thị Long làm chủ nhiệm và cũng được Bộ Khoa học và công nghệ nghiệm thu vào cuối tháng 5-2015.
Theo TS Long, việc xây dựng đê biển tạo ra hồ nước ngọt trên vịnh Rạch Giá nếu chỉ tính riêng mặt cấp nước thì hiệu quả sẽ không cao do vốn đầu tư quá lớn. Tuy nhiên, nếu làm dự án này để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì được.
“Theo tôi, chỉ nên triển khai dự án này khi vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở vùng này trở nên cấp bách hoặc có vốn để đầu tư” - TS Long nói.
GS.TS Nguyễn Ân Niên - nguyên viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật thủy lợi TP.HCM - cho rằng việc xây hồ nước ngọt cho vùng ở vịnh Rạch Giá nhằm cung cấp nước ngọt cho cả khu vực bán đảo Cà Mau là cần thiết, đặc biệt trong tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng rõ nét.
GS Niên lưu ý quá trình làm dự án cần chọn phương án ít ảnh hưởng nhất đến việc nuôi hải sản của người dân ven biển, việc triển khai cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là đánh giá về tác động môi trường của dự án này.
3 phương án
Phương án 1: Xây dựng đê nối từ Hòn Đất qua Xẻo Quao (huyện An Minh) tạo hồ chứa nhỏ diện tích 416 km², dung tích 600 triệu m³, chiều dài tuyến đê 30 km. Kinh phí dự kiến 824 triệu USD.
Phương án 2: Chia tuyến đê làm hai đoạn với tổng chiều dài 31,8 km. Đoạn từ Hòn Đất - đảo Hòn Tre (huyện Kiên Hải) dài 15,5 km; đoạn từ Hòn Tre - Xẻo Quao dài 16,3 km, tạo hồ chứa nhỏ với diện tích mặt nước 467 km², dung tích 820 triệu m³. Kinh phí dự kiến 1 tỉ USD.
Phương án 3: Đê dài 47,5 km nối Hòn Chông (huyện Kiên Lương) - Hòn Tre (huyện Kiên Hải) và Xẻo Quao (huyện An Minh), tạo hồ chứa lớn với diện tích mặt nước lên tới 911 km², dung tích 2,58 tỉ m3. Kinh phí dự kiến 2,3 tỉ USD.