Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Toàn tỉnh phấn đấu 30% số gia đình, 70% doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác thải tại nguồn, 80% khu dân cư có thùng rác tập trung, phần lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tập trung hoàn thành cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt ở khu vực đô thị, nước thải khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu 100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; phục hồi 100% các khu vực khai thác khoáng sản theo đề án được duyệt; độ che phủ rừng đạt trên 50%...
Ảnh minh hoạ
Theo đó, tỉnh chú trọng các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; tập trung cải thiện môi trường ở vùng đông dân cư, các khu, cụm công nghiệp, vùng nông thôn, làng nghề; tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng; xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường,...Để nâng cao chất lượng môi trường bảo đảm phát triển bền vững, c ác cấp, ngành trong tỉnh đã chủ động kiểm soát và xử lý môi trường bằng việc hạn chế nhập khẩu và lưu hành các loại phương tiện giao thông, máy móc đã quá hạn sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ trong việc bảo vệ môi trường...
Ông Lưu Văn Doanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ khẳng định: Công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực. Tỉnh cũng đã tập trung giải quyết được cơ bản các điểm bức xúc về ô nhiễm môi trường. Việc xã hội hoá về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn đã có hiệu quả. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tính đến tháng 6/2015, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải nông thôn trong tỉnh đạt 44,3%, tỷ lệ thu gom rác thải thành thị đạt 89,59%. Toàn tỉnh có 37 hợp tác xã dịch vụ môi trường, 7 tổ vệ sinh môi trường, 3 công ty cổ phần dịch vụ môi trường và đô thị, 4 ban quản lý các công trình công cộng thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Đặc biệt, 6/7 cơ sở từng là điểm nóng gây ô nhiễm môi trường đã được chứng nhận rút ra khỏi danh sách.
Ông Doanh cho biết thêm, riêng chất thải y tế ở hầu hết các bệnh viện chuyên ngành và bệnh viện tuyến huyện đã được trang bị lò đốt vì vậy lượng rác thải rắn y tế phát sinh trong thời gian gần đây đã được thu gom, phân loại và xử lý triệt để tại nguồn.
Ông Bùi Văn Thược, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên chế biến phế thải Phú Thọ cho biết, Công ty đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 200m3/ngày để xử lý ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải ra. ...
Ông Lê Hồng Vân, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho hay, đầu năm 2014 tỉnh Phú Thọ đã đầu tư xây dựng Dự án xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Thụy Vân (thành phố Việt Trì) với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng, trong đó vốn ODA gần 80 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Dự án được xây dựng trên diện tích 3 ha, công suất 5.000m3/ngày đêm. Sau khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do các đơn vị, doanh nghiệp trong khu công nghiệp này.
Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là ở vùng nông thôn và các khu công nghiệp. Nguyên nhân là do chưa có hệ thống xử lý tập trung, rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, đặc biệt là các vùng ven đô thị, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Các hoạt động sản xuất tại làng nghề thủ công truyền thống cũng còn tình trạng ô nhiễm kéo dài ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái tự nhiên, tác động trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân,...
Để giải quyết triệt để tình trạng này, ông Lưu Văn Doanh cho hay, tỉnh Phú Thọ từng bước ứng dụng công nghệ xử lý rác thải hiện đại cho các khu đô thị và vùng nông thôn; hoàn thành công tác quy hoạch quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước. Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho mỗi người dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn;… Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán, thói quen xả rác tùy tiện; lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong mô hình xây dựng nông thôn mới ; t iếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các cấp hội nông dân xây dựng các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương tại các vùng nông thôn trong tỉnh cũng cần vào cuộc huy động nguồn lực tại chỗ xây dựng công trình vệ sinh công cộng, nhất là tổ chức việc thu gom rác thải…